ĐB Quốc hội đề nghị Thống đốc NH vi hành

“Tôi biết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rất bận, nhưng tha thiết đề nghị đồng chí vi hành xem dân cần gì...”.

Đó là ý kiến của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội hôm nay (1/11).

Phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 1/11 có sự tham dự của Thống Đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ông tham gia báo cáo giải trình, một số vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm ngay tại phiên thảo luận.

ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) đánh giá tích cực về sự điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Đai biểu cho rằng, theo như báo cáo của Chính phủ, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, đô la hóa giảm...

“Tôi đồng tình và cũng ghi nhận đây là sự đóng góp tích cực và có cố gắng của ngành ngân hàng” ĐB Quỳnh nói.

ĐB Quốc hội đề nghị Thống đốc NH vi hành - 1

 Đại biểu Bùi Thị An. Ảnh: Tiền Phong

Tuy nhiên, ĐB Quỳnh cho biết, hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Doanh nghiệp muốn vay vốn mà không đủ điều kiện, ngân hàng muốn cho vay mà không dám cho vay.

“Trong khi đó tín dụng ngoài luồng có người gọi là tín dụng ngầm, có tài liệu nói khoảng 50 tỷ USD”, ĐB Quỳnh nêu lên con số khổng lồ.

Cũng đề cập đến vấn đề tín dụng ngầm, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, ở nước ta ngoài tín dụng ngân hàng thương mại, còn có tín dụng đen. Đây thực chất là hệ thống tín dụng cho vay nặng lãi.

Bà An cho rằng, tín dụng đen đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, của nhân dân.

Ví dụ báo Nhân dân ngày 17/10/2003 nêu rằng vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long lao đao vì tín dụng đen. Theo bà An, tuy chưa có khảo sát chính xác nhưng với nông dân các vùng khác chắc chắn họ cũng lao đao không kém.

Phát biểu tại Quốc hội, Đại biểu An đề nghị Chính phủ nên làm rõ trách nhiệm này do ai, vì sao dân vẫn phải đi vay hệ thống này?

“Tôi biết rằng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rất bận nhưng tôi tha thiết đề nghị đồng chí sắp xếp thời gian đi vi hành ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ để xem họ cần gì? Đồng chí đến những nơi công chức đang cần mua nhà vì sao họ không có tiền, không tiếp cận được vốn mặc dù lãi suất trần của đồng chí hạ thấp” Đại biểu Bùi Thị An phát biểu.

Đại biểu cũng cho biết, gần đây có cử tri phản ánh, một doanh nghiệp làm dự án du lịch ở Ninh Bình có tên là Emeralda và hiện đang phải vay với lãi suất là 15%. ĐB An đề nghị Thống đốc cho kiểm tra.

“Bởi vì tôi thấy hạ trần lãi suất vừa rồi rất tốt nhưng ai được tiếp cận vốn, ai được vay?”, Bà An nói.

Theo bà, ngay chuyện 30 nghìn tỷ để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội hiện nay vẫn chưa giải ngân được. Liệu có phải trách nhiệm ngân hàng ở đây không?

 Báo Nhân dân ngày 17/10/2003 có bài về vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long lao đao vì tín dụng đen. Theo đó, tại đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng cho vay nặng lãi khá phổ biến và trầm trọng, với mức lãi suất khoảng 5%/tháng, không ít trường hợp lãi "cắt cổ" từ 10% đến 30%/tháng, cá biệt có những trường hợp lên đến 60%/tháng.

Nhiều nông dân đã "tán gia bại sản" khi bị cuốn vào "vòng xoáy" của tín dụng "đen". Hạn mức tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp khá thấp và việc tiếp cận vốn ngân hàng với thủ tục rườm rà đã khiến phần đông người nông dân nơi đây dính sâu vào tín dụng "đen"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN