Đằng sau chuyện nhiều đạo sắc phong Việt bị mất trộm được đấu giá ở Trung Quốc

Sự kiện: Thời sự

Nhiều cổ vật Việt Nam được đưa ra nước ngoài bằng nhiều hình thức, song giải pháp hồi hương vẫn là bài toán khó. Mới đây, hàng chục sắc phong Việt Nam được rao bán trên trang web đấu giá của Trung Quốc, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ với Tiền Phong về nạn săn lùng, thu gom sắc phong của Việt Nam để bán giá rẻ ra nước ngoài.

Đạo sắc phong bị săn lùng, đánh cắp

Phiên đấu giá ở Trung Quốc dự kiến diễn ra ngày 22/4 có nhiều đạo sắc phong bị mất cắp có thể có nguồn gốc Việt Nam. Theo thống kê, số lượng sắc phong Việt Nam bị rao bán lần này lên tới gần 100 đạo sắc phong, khoảng niên đại từ thời Lê Trung hưng đến triều Nguyễn.

Sau khi nhận được thông tin công ty Thượng Hải Dương Minh rao bán một số sắc phong Việt Nam trong đó có sắc phong của Phú Thọ, Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch (VHTTDL) Phú Thọ báo cáo ngay UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ thống nhất xác minh thông tin.

Về phương án hồi hương các đạo sắc phong bị rao bán, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ nêu quan điểm chọn con đường ngoại giao văn hóa, hợp tác quốc tế nhịp nhàng để xác định nguồn gốc, đưa hiện vật bị đánh cắp trả lại cho cộng đồng sở hữu.

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ nói: “Chúng tôi đề nghị xác minh thông tin xem đó là sắc phong thật hay giả. Trường hợp sắc phong thật, chúng tôi đề xuất Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) can thiệp để ngăn chặn tình trạng bán đấu giá tài sản của Việt Nam trên mạng. Công an địa phương báo cáo Bộ Công an để thống nhất phương án hợp tác quốc tế trong việc xử lý hiện vật bị đánh cắp”.

Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ khẳng định đối với sắc phong đền Quốc tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông) bị rao bán nếu là hiện vật thật, đây chính là hiện vật bị đánh cắp, tài sản đem đấu giá là tài sản ăn cắp.

Anh Trần Ngọc Đông - thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt bày tỏ sự đau xót khi các bản sắc phong bị trộm cắp và bán tháo sang Trung Quốc.

Sắc phong được coi là “linh hồn” của đình làng - nơi các thánh phụng thờ được vua ban cho để mong cầu thánh chở che cho con dân. Anh Đông cũng là người phát hiện sắc phong được rao bán trong phiên đấu giá cuối tháng 4.

“Việc này xảy ra nguyên do đầu tiên là bởi nơi cất giữ di sản chưa quan tâm bảo tồn đúng mức, vẫn để lộ nhiều sở hở, khiến người có ý đồ xấu cạy cửa, trộm đồ. Bên cạnh đó, khâu quản lý, ý thức bảo vệ di sản tại một số địa phương còn chưa cao. Trong khi nhiều làng mong muốn có được nội dung để phục chế lại sắc phong, nhiều địa phương có lại không biết cách giữ gìn”, anh Trần Ngọc Đông nêu.

Đằng sau chuyện nhiều đạo sắc phong Việt bị mất trộm được đấu giá ở Trung Quốc - 1

Sắc phong của Việt Nam được rao bán với giá khởi điểm từ 8-9 triệu đồng.

Sắc phong của Việt Nam được rao bán với giá khởi điểm từ 8-9 triệu đồng.

Các chuyên gia nhận định việc chảy máu cổ vật, săn lùng và buôn bán sắc phong Việt Nam ra nước ngoài diễn ra từ lâu. Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế khẳng định chuyện sắc phong của các triều đại Việt Nam được đưa sang nước ngoài đấu giá không phải hiếm.

Nhiều năm qua, nhiều đạo sắc phong được các nhóm buôn cổ vật “săn lùng” ở Việt Nam, thu gom với giá rẻ và bán lại cho các nhà đấu giá Trung Quốc. Ông khẳng định sắc phong Việt Nam được quan tâm sưu tầm nhiều.

“Có người chuyên đi buôn sắc phong giá rẻ, họ tới các làng xóm, dụ dỗ người già cả trong làng bán giá rẻ. Một số trường hợp lừa đảo, lấy lý do mượn bản gốc về để phục dựng rồi bán sang Trung Quốc. Một số nhóm buôn sắc phong mang danh nhà nghiên cứu, nhân viên UNESCO. Họ quét sắc phong lên trang web, đấu giá xong xuôi mới chuyển từ Việt Nam sang”, TS. Trần Đức Anh Sơn cho hay.

Đằng sau chuyện nhiều đạo sắc phong Việt bị mất trộm được đấu giá ở Trung Quốc - 3

Sắc phong thời Tây Sơn được phát hiện ở tỉnh Hải Dương năm 2007.

Sắc phong thời Tây Sơn được phát hiện ở tỉnh Hải Dương năm 2007.

Đau đáu "chảy máu" cổ vật

PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đồng quan điểm về hiện tượng sắc phong bị đánh cắp, săn lùng với giá rẻ xảy ra nhiều năm qua.

“Chính quyền, ban quản lý di tích cấp xã và tiểu ban quản lý di tích ở các thôn làng cùng ngành văn hóa cần có giải pháp để bảo vệ nguồn tài liệu trở thành báu vật này”, PGS.TS Bùi Xuân Đính kiến nghị.

TS. Trần Đức Anh Sơn cho rằng bất cập xảy ra khi Việt Nam không có thị trường đấu giá cổ vật, tài sản văn hóa. Vì vậy, người Việt khó mua lại cổ vật Việt Nam.

“Nếu muốn mua lại, cơ quan nhà nước phải làm tờ trình xin cấp một số tiền cụ thể. Khi ra phiên đấu giá, chỉ cần có người trả hơn vài chục, vài trăm USD so với mức giá được nhà nước duyệt là thắng. Việc bỏ lỡ bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi là ví dụ”, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn phân tích.

Bức Chiều tà và nhiều cổ vật của Việt Nam không thể "hồi hương".

Bức Chiều tà và nhiều cổ vật của Việt Nam không thể "hồi hương".

Tác phẩm Chiều tà được ra giá ban đầu là 1.000 euro. Đại diện được phía tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế ủy quyền tham gia đấu giá phải dừng bước khi giá bức tranh được đẩy lên trên 8.000 euro, vượt ngoài khả năng tài chính dự kiến.

Thời điểm đó, đại diện phòng Đối ngoại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết Trung tâm chưa có tiền lệ tham gia đấu giá để mua lại các cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật nên cũng chưa có kinh nghiệm. Thời gian quá gấp rút cũng là nguyên nhân Việt Nam lỡ mất cơ hội mua bức tranh này.

Theo cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (PGS.TS Bùi Xuân Đính), sắc phong là văn bản viết trên giấy sắc, có ấn của vua với nội dung công nhận việc thờ thần của một làng (sắc phong thần) hay phong chức tước cho một vị quan (sắc phong chức tước). Mỗi đơn vị sắc phong còn được gọi là đạo sắc.

Ngày nay, điều kiện kỹ thuật và công nghệ cho phép phục chế lại sắc phong rất giống nguyên bản. Điều này cho phép các làng xã bị mất sắc phong, hoặc sắc phong bị rách nát phục chế lại theo nguyên mẫu.

Nguồn: [Link nguồn]

Đề xuất hồi hương sắc phong bị rao bán tại Trung Quốc bằng con đường ngoại giao

Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thuỷ đề xuất "hồi hương" các sắc phong đang rao bán Tại Trung Quốc bằng con đường ngoại giao, thông qua lãnh sự quán Việt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh - Gia Linh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN