Dang dở kỷ lục Guinness TG dành cho cụ Nguyễn Thị Trù

Nếu còn chờ đợi được, có thể cụ Trù đã là người đầu tiên trên thế giới được xác lập kỷ lục bởi cả 3 tổ chức kỷ lục thế giới khác nhau.

Dang dở kỷ lục Guinness TG dành cho cụ Nguyễn Thị Trù - 1

Khi ngoài 120 tuổi, cụ Nguyễn Thị Trù vẫn có thể ngồi, nhận biết mọi người

Chiều tối 12.7, cụ bà Nguyễn Thị Trù (SN 1893) đã qua đời, hưởng thọ 123 tuổi. Sự ra đi của cụ khiến nhiều người vô cùng thương tiếc, bởi cụ là một trong số ít đại diện của Việt Nam từng được vinh danh ở các kỷ lục thế giới. Cụ Trù cũng chính là hình ảnh đẹp về một người nông dân chân chất, hăng say lao động khi còn trẻ và có lối sống lành mạnh, vui tươi, yêu đời.

Cụ Trù đã cư trú lâu đời tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, và đã sống qua ba thế kỷ (19, 20 và 21). Cụ có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng tính tới thời điểm cụ được xác lập kỷ lục, chỉ 2 người con của cụ còn sống.

Khi qua đời, cụ đang nắm giữ hai kỷ lục thế giới được trao bởi Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (trụ sở tại Hồng Kông) và Liên minh Kỷ lục Thế giới (trụ sở tại Ấn Độ và Mỹ). Hơn nữa, Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới có trụ sở tại Anh cũng đang trong quá trình làm việc với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) để xem xét hồ sơ, xác lập kỷ lục thế giới thứ 3 cho cụ.

Tuy nhiên, khi Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới chưa kịp xác lập kỷ lục thì cụ Trù đã nhắm mắt vì tuổi già, sức yếu. Từ đây, kỷ lục thế giới về người cao tuổi nhất còn sống dành cho cụ Trù không thể được vinh danh trong sách Kỷ lục Guinness thế giới nữa.

Dang dở kỷ lục Guinness TG dành cho cụ Nguyễn Thị Trù - 2

Nguyên quán của cụ Trù theo chứng minh nhân dân là ở Cần Giuộc, Long An

Nói về điều này, ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký Hội Kỷ lục gia Việt Nam chia sẻ: “Trước hết, chúng tôi rất xin chia buồn cùng với gia đình cụ Trù. Chúng tôi đã tôn vinh cụ là người cao tuổi nhất ở Việt Nam. Các tổ chức kỷ lục của châu Á và thế giới cũng đã xác lập kỷ lục và trao bằng cho cụ từ năm trước. Tuy nhiên, cụ ra đi trong lúc chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xác lập kỷ lục cho cụ ở Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới nên kỷ lục Guinness này đành dang dở”.

Theo ông Viên, các kỷ lục của cụ Trù không chỉ là lời động viên lớn tới cụ Trù khi còn sống mà còn là lời động viên dành cho con cháu của cụ, giới trẻ hiện nay. Nhìn vào hình ảnh của cụ Trù, mọi người có thể noi theo và học hỏi được nhiều điều. Học cụ ở cách sống gần gũi với thiên nhiên, yêu đời, yêu người và học ở sự hăng say lao động tay khi còn trẻ.

Ông Lê Trần Trường An - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổng Giám đốc Vietkings cho biết, lần gần đây nhất Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới phản hồi phía Việt Nam là vào đầu tháng 5.2016. Họ yêu cầu Vietkings gửi thêm thông tin đo xương của cụ Trù và các giấy tờ có công chứng của quốc gia chứ không chấp nhận các giấy tờ xác nhận của UBND huyện Bình Chánh.

“Chúng tôi từng rất hi vọng cụ Trù là người đầu tiên trên thế giới được xác lập cả 3 kỷ lục thế giới, nhưng cụ đã không kịp chờ nhận thêm kỷ lục thứ 3 từ Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới. Dù sao Vietkings cũng đã cố gắng hết sức để theo đuổi Kỷ lục Guinness Thế giới cho cụ trong suốt 1 năm qua. Bây giờ thì công việc này đành dừng lại”, ông An nói.

“Theo quy luật sinh - lão - bệnh - tử, cụ đã phải ra đi ở tuổi 123. Chúng tôi rất lấy làm tiếc và xin gửi lời chia buồn tới gia đình cụ”, ông An xót xa nói thêm.

Dang dở kỷ lục Guinness TG dành cho cụ Nguyễn Thị Trù - 3

Cụ Trù bên người cháu dâu

Theo lời kể của gia đình, lúc sinh thời, cụ Trù rất thích ăn bánh và uống sữa. Buổi sáng cụ thường ăn một tô cháo thịt, rồi đến trưa ăn chừng một bát cơm với thịt, cá, rau, củ, quả (được nấu mềm và xé nhỏ). Chiều cũng thế, xen lẫn 3 bữa ăn chính luôn có cốc sữa hoặc bánh trái.

Ngày trước, cụ Trù và chồng là những người nông dân thuần túy. Sau vụ lúa, cụ lại đi lưới cá dưới sông, cắt bồn bồn, hái rau về ăn hoặc bán. Chính cuộc sống gần gũi với thiên nhiên khiến tinh thần của cụ thoải mái và không có nhiều tính toán, lo âu.

Bữa ăn của cụ Trù luôn là những thực phẩm do chính sức lao động của những người trong gia đình làm ra, như gạo từ lúa ở ruộng nhà, rau quả trong vườn, cá dưới sông… Nhờ vậy, cụ ít khi bệnh, mà ngược lại sức khỏe còn được rèn luyện, bồi đắp.

Theo con dâu út của cụ Trù, điều quan trọng khiến cụ sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét, đố kỵ ai bao giờ. Điều này giúp cụ thanh thản, không nặng nề toan tính với cuộc đời. Cụ cũng không màng đến những thứ xa hoa. Vật chất đối với cụ chỉ là vật ngoài thân. Đặc biệt, lòng cụ luôn nhẹ nhàng, tâm cụ thảnh thơi, thanh thản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN