Dân Quảng Bình đổ xô vớt cá biển bán cho thương lái

Xe đông lạnh đến vùng biển Quảng Bình thu mua cá ươn, cá chết với giá rẻ rồi chở đi đâu không rõ.

Dân Quảng Bình đổ xô vớt cá biển bán cho thương lái - 1

Người dân đổ xô đi vớt cá biển chết bán cho thương lái (nguồn ảnh FB)

Trong hơn một tuần qua, tình trạng cá biển nhiễm độc chết tại Quảng Bình lại tiếp diễn. Thay vì thu gom tiêu hủy, người dân địa phương lại đem bán cho thương lái với giá 40 - 50 nghìn đồng/kg.

Nước biển vẫn nhiễm độc, cá không còn để chết

Ngày 26/4, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực biển hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Suốt chiều dài hơn 2km bờ biển, xã Quảng Đông, hàng loạt xác cá vẫn còn tươi trôi dạt vào bờ. Ông Khỏe, một ngư dân địa phương cho biết: “Cách đây một tuần cá chết nhiều lắm, nổi dạt trắng bờ. Ngày nào chúng tôi cũng thấy bộ đội đi gom xác cá thối để chôn. Mấy ngày nay không phải cá chết ít đi mà thực tế là cá đã chết hết rồi còn đâu!”.

Trên bờ biển, cứ khoảng 100 - 200 m chúng tôi lại thấy lác đác những xác cá bị sóng đánh dạt vào bờ. Loại cá chết lần này rất khác so với những lần trước, đa phần là cá thiều, cá trình biển - những loại cá sống xa bờ. Ngư dân Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Nam Lãnh, Quảng Phú, Quảng Đông cho biết: “Cá thiều là loại cá sống xa bờ, mùa này chúng bắt đầu về bờ để đẻ trứng. Chắc bị nhiễm độc nên mới chết nhiều thế!”. Cũng theo anh Dũng, cá biển chết nổi, dạt bờ chỉ chiếm một phần rất nhỏ. “Các anh phải lặn sâu dưới biển, không thì đi theo thuyền giã, cào lưới thì mới thấy. Cá chết đầy dưới đáy biển ấy. Giờ chúng tôi cũng không ra biển nữa vì không còn cá mà đánh bắt”.

Trong lúc chúng tôi đi dọc bờ biển ghi nhận tình hình cá chết, bất ngờ bắt gặp ngư dân Võ Phước Hồng trú xóm 19/5 xã Quảng Đông. Cầm xâu cá nhỏ trên tay, anh Hồng bảo, đây là số cá mà cả đêm anh đi thuyền ra tít xa mới bắt được. Giờ ngoài biển chỉ thấy cá nổi, cá lờ đờ thôi, chứ cá khỏe mắc lưới hiếm lắm.

Hiện tại, người dân ở huyện Quảng Trạch đã không còn ra khơi đánh cá, không phải vì họ sợ đánh cá không bán được mà điều họ lo ngại chính là nước đang bị nhiễm độc. “Nước biển giờ lạ lắm, có đủ màu: Trắng, xanh, đục. Bơi một lát lên bờ mà không tắm là ngứa liền. Không ai dám xuống biển nữa”, ngư dân Nguyễn Văn Hà cho biết

Thu mua cá nhiễm độc

Dân Quảng Bình đổ xô vớt cá biển bán cho thương lái - 2

Thương lái phân loại cá rồi cân mua với giá giẻ

Theo lời kể, người dân huyện Bố Trạch cho biết, từ ngày 24/4 trở về trước đó một tuần, cá vẫn còn nhiều. Dân cứ thả lưới là hốt hàng tấn cá, có người ra bờ vớt một buổi cũng được cả tạ. Bà Nhân, một chủ hàng nước ở bãi Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Hai ngày trước chồng tôi thấy cá nổi ra vớt một buổi cũng bán được 500 - 600 nghìn đồng. Dân vùng ni, vùng trong tê đi vớt đông lắm. Có người còn được cả triệu bạc nữa.”

Ông Thắng chồng bà Nhân kể, mấy bữa trước ngày nào cũng có xe đông lạnh ở Lý Hòa (xã Hải Trạch), Thanh Khê (xã Thanh Trạch) vào tận bãi thu mua. “Cá nổi, cá ươn dạt bờ họ gom mua cả. Cá đục bình thường 120 - 150 nghìn/kg thì khi vớt cá nổi chỉ từ 40 - 50 nghìn đồng/kg là họ cân cả. Cá ươn thì 20 nghìn đồng/kg. Có bữa họ gom mua mấy ngày liền. Nghe đâu họ bảo Trung Quốc điện về bảo dân có thì mua cho dân. Sau đó chở đi Nha Trang, đi Trung Quốc hay đi đâu thì chúng tôi không biết nữa”.

Ông Nguyễn Đạt - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Bình cho biết: Đã có điện khẩn chỉ đạo các đội QLTT phụ trách địa bàn tăng cường công tác kiểm tra giám sát để ngăn chặn tình trạng thương lái thu mua cá chết. Đồng thời, yêu cầu phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh chế biến, trên các trục đường không để cá chếttuồn ra thị trường.

Tối qua, nguồn tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, chiều nay (27/4), Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp cùng các bộ, ngành để nghe báo cáo toàn bộ vụ việc cá chết ở ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Trong cuộc họp, lãnh đạo các bộ sẽ nghe các đơn vị trực tiếp lấy mẫu phân tích báo cáo kết quả, cho ý kiến và xác định nguyên nhân chính xác khiến cá chết trên diện rộng thời gian qua. Cuối giờ chiều 27/4, Bộ sẽ tổ chức họp báo thông tin kết quả xác định nguyên nhân cá chết.

Cũng theo người dân địa phương, suốt một tuần qua, không có bất cứ cơ quan chức năng nào về tuyên truyền hướng dẫn người dân việc thu gom, chôn cá chết. “Ban đầu chúng tôi tưởng cá bị sóng đánh dạt nên còn nhặt cả con tươi về ăn. Mãi hôm qua thấy truyền hình về quay phim, bộ đội đi hốt cá chết đem chôn mới biết cá nhiễm độc. Sợ quá, giờ không ai dám ăn cả”, bà Nhân kể.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch thừa nhận: “Từ hôm qua (25/4) về trước chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào của cấp trên. Tuy nhiên, khi thấy cá chết hàng loạt chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết, không thu gom bán cá chết cho thương lái”. Mặt khác, ông Lào thông tin thêm: Những ngày trước, có tình trạng một số tàu thuyền của bà con ngoài Hà Tĩnh vào thả lưới dọc bờ, rồi người dân vớt cá chết sau đó có một số người đến thu mua. Cá đánh lưới lẫn lộn với cá chết nên rất khó kiểm soát. Trước vấn đề này, sáng nay tỉnh, huyện đã có chỉ thị yêu cầu kiểm tra, xử lý tuyệt đối không để người dân thu muacá chết mang bán.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch lại khẳng định: “Ngay khi sự việc diễn ra, chúng tôi đã chỉ đạo các bộ phận nhanh chóng xuống hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt tình hình và khuyến cáo người dân. Có chăng còn một số người họ nói như vậy do họ chưa được thông tin trực tiếp”.

Được biết, ngày 25/4, UBND huyện Bố Trạch mới có văn bản chỉ đạo các xã trên địa bàn không để người dân sử dụng cá chết, mua bán trên thị trường. Đồng thời, giao cho phòng Nông nghiệp chủ trì phối hợp Công an huyện, xã cùng chính tuyền địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn việc người dân thu mua cá chết; Yêu cầu các hộ kinh doanh buôn bán cá trên địa bàn cam kết không thu muacá chết. Toàn bộ cá chết, cá nghi nhiễm độc phải được thu gom, chôn xử lý ngay.

Ban lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi vì phát ngôn sốc

Chiều 26/4, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về những phát ngôn gây “sốc” của ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội cũng như một số vấn đề liên quan đến hệ thống xả thải đang bị nghi vấn là nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt gần đây.

Bắt đầu cuộc họp báo, 7 cán bộ lãnh đạo của Formosa đã cùng đứng lên xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam về những phát biểu gây “sốc” của ông Chu Xuân Phàm. Ông Trương Phục Ninh, Phó tổng Giám đốc điều hành FHS khẳng định, ông Phàm không được ủy quyền phát ngôn về FHS ở Hà Tĩnh.

Cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 25/4, người trả lời là ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận An toàn vệ sinh môi trường của FHS, ông Phàm làm phiên dịch cho ông Kiệt. Khi phiên dịch, ông Phàm đã đưa một số ý kiến cá nhân vào, không đúng ý trả lời của ông Kiệt. “Những ý kiến này đã gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín FHS, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa FHS và Chính phủ Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh.

FHS sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với ông Phàm”, ông Ninh nói. Tại buổi họp báo, lãnh đạo FHS khẳng định hệ thống xử lý nước thải, xả thải của FHS được xây dựng, vận hành đúng các quy trình, quy định của Chính phủ Việt Nam. Về các hóa chất FHS nhập và sử dụng, phía FHS khẳng định đều có đầy đủ các tài liệu hồ sơ liên quan. Ngày 25/4, Bộ Công an đã vào kiểm tra và FHS đã cung cấp đầy đủ tài liệu cho cơ quan điều tra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Thanh - Trần Lộc ([Tên nguồn])
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN