Đại tướng Lê Đức Anh về với đất phương Nam

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gắn bó khăng khít với vùng đất Nam bộ và chiều nay, đất phương Nam lại đón ông về.

Đại tướng Lê Đức Anh về với đất phương Nam - 1

Chiều nay, 3-5, sau hơn 80 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh lại về với đất phương Nam để yên giấc nghìn thu. Trước giờ đón Đại tướng về lại với vùng đất gắn bó ngày nào, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với Đại tá, nhà báo Khuất Biên Hòa - thư ký riêng của Đại tướng Lê Đức Anh.

Lớn lên, bén duyên với đất đỏ miền Đông

Dù đã ở tuổi 71 nhưng qua giọng kể của Đại tá Khuất Biên Hòa, cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh như sống dậy. Ông kể: “Đại tướng sinh ra ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế, khúc giữa của vùng đất “Bình Trị Thiên khói lửa” nên ngay từ nhỏ, hơi thở của vùng đất ấy đã “vận” vào ông. Khi còn là một cậu bé sống ở quê, ông đã thấy chế độ thực dân tàn bạo nên tìm đường vào Nam và trên vùng đất đỏ Phú Riềng, Lộc Ninh ngút ngàn cao su, ông đã tìm đến cách mạng”.

Năm 1944, khi mới 24 tuổi, ông đã tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra (năm 1945), ông tổ chức lực lượng gồm 300 người, trang bị vũ khí vừa thu được và giáo mác, tầm vông... kéo xuống thị xã Thủ Dầu Một tham gia tổng khởi nghĩa. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng có lẽ khởi đi từ vùng đất đỏ Phú Riềng, kéo xuống Lộc Ninh và trải dài xuống Bến Cát, Thủ Dầu Một… để rồi sau này tỏa khắp vùng miền Đông, miền Tây Nam bộ với những trọng trách rất lớn trong quân đội.

Ông Khuất Biên Hòa tiếp: Cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ông Lê Đức Anh đều hoạt động ở Nam bộ nên gắn bó khăng khít với nhân dân miền Nam. Thời điểm mới xây dựng cách mạng, bộ đội miền Nam được nhân dân giúp đỡ, che chở, góp quần áo, góp lương thực nuôi nấng cho những người lính. Chính vì những ngày lặn lộn ở với dân, ông thấu hiểu cái khổ, yêu cái tình của nhân dân miền Nam.

Nhắc lại chuyện gắn với đất miền Đông, miền Tây, Đại tá Khuất Biên Hòa cho biết vì thế mà Đại tướng đã bén duyên, nên vợ chồng với một cô hoa khôi đất Bến Cát, tỉnh Bình Dương bây giờ. Đó là bà Bảy Anh (Phạm Thị Anh, vợ đầu của Đại tướng Lê Đức Anh). “Ổng, bả cũng tình lắm! Tìm hiểu nhau gì mà cứ cho mượn truyện, thơ, kẹp vào bên trong mẩu giấy nhỏ ghi vài ba dòng tâm tình. Từ cảm mến nhau mà bén, rồi hai người nên duyên vợ chồng” - Đại tá Khuất Biên Hòa cười hóm hỉnh.

Đại tướng Lê Đức Anh về với đất phương Nam - 2

Đại tướng Lê Đức Anh (thứ ba từ trái sang) trong một cuộc họp của Bộ Chỉ huy miền ở căn cứ Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước ngày nay) năm 1972, khi đó ông đang là tham mưu trưởng. Ảnh: TƯ LIỆU

Giản dị khi trở về với nhân dân

Đại tá Khuất Biên Hòa kể: Khi đã làm Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn “bí mật” ngược vào Nam thăm bà con ở các chiến khu xưa. Những chuyến đi của ông thường không có đoàn tháp tùng, không có xe cảnh sát hú còi inh ỏi, cũng không thông báo cho quân đội và chính quyền địa phương dọc đường đi. “Cứ cách của nhà binh “đi không dấu, nấu không khói, nói không… to”, thế là mấy thầy trò chúng tôi lại xuống dân” - Đại tá Khuất Biên Hòa nói.

Mỗi chuyến đi của ông ngoài thư ký thì chỉ có khoảng hai, ba người giúp việc. Ông dặn anh em chuẩn bị ít bánh mì, đồ nguội, trưa đến dừng xe bên rừng cây ven đường thì lấy ra dùng. Chỉ mất 15-20 phút là xong bữa mà không gây phiền hà, tốn kém cho ai cả.

Có một lần đi “không dấu” ở hai tỉnh Cần Thơ và Kiên Giang, ông phát hiện người dân không có ruộng để canh tác. Khi hỏi thăm từng nhà, người dân mới khóc và kể do ốm đau, không có tiền chữa trị phải bán ruộng. Mà người mua ruộng của dân lại là những cán bộ có tiền. Nghe vậy, Đại tướng, Chủ tịch nước tức tốc làm việc trực tiếp với lãnh đạo hai tỉnh này.

Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói: “Cuộc cách mạng của chúng ta là để có ruộng, có đất cho dân cày. Vậy sao dân phải bán đất, mất ruộng mà người mua không ai khác lại là cán bộ của ta?”.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang lúc đó bật khóc: “Tôi gần dân mà không biết, không hiểu dân được như anh Sáu”. Khi trở về trung ương, ông đã báo cáo tình hình và sau đó có một chính sách giúp cho dân chuộc lại ruộng. Ông còn cho kiểm tra những cán bộ nào lợi dụng mua rẻ ruộng của dân thì trả lại tiền, trả lại đất để cho bà con có đất canh tác.

Thấu hiểu nỗi cô đơn của má

Về với người dân miền Nam, ông ăn mặc giản dị hết sức có thể, áo vải đơn sơ, còn quần thì xoắn ngang bắp chân, lội qua đầm sình lầy, băng qua những khu tràm, đước để vào tận nhà dân nắm tình hình.

Ông bảo nếu báo trước cho chính quyền địa phương, hẳn họ sẽ bố trí cho ông đi không đúng chỗ, họ chỉ chọn chỗ tốt, chỗ đẹp, che đi những khuyết điểm, sai phạm, giấu đi những cái khổ của dân.

Một lần khác khi xuống dân, ông thấy những người mẹ của liệt sĩ đã vì đất nước mà hy sinh, hiến dâng chồng, con nhưng khi hòa bình vẫn phải sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Thiếu vật chất đã đành nhưng điều đau đớn nhất là các mẹ sống trong hiu quạnh, cô đơn. Đây là nỗi buồn không thể nào chịu đựng nổi. “Xưa cầm quân, mất một lính là Sáu Nam (một bí danh của Đại tướng) đau lắm. Giờ thấy các má như vầy càng đau hơn à!” - Đại tướng, Chủ tịch nước nói.

Trở về Hà Nội, Đại tướng Lê Đức Anh đã báo cáo với Bộ Chính trị và đề xuất việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Phong trào nuôi dưỡng và chăm lo cho các mẹ cũng xuất phát từ đây.

Đau đáu về nạn tham nhũng

Lúc sinh thời, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn đau đáu về vấn nạn tham nhũng. Theo lời Đại tá Khuất Biên Hòa, từ Đại hội Đảng khóa IX và khóa X, ông đều có thư gửi cho Bộ Chính trị mong muốn khóa này làm sao phải chặn đứng được nạn tham nhũng, không cho chúng phát triển. Nếu không chặn đứng thì khóa sau không tài nào “thanh toán” được nạn này.

Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc cùng ở cấp lãnh đạo đất nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm, một bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh...

Cố Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT

Toàn cảnh lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh

7 giờ sáng nay, 3/5/2019, Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh chính thức bắt đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo LÊ THOA - NGUYỄN YÊN ([Tên nguồn])
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN