Đại họa ô nhiễm ở Kinh Môn, Hải Dương
Chính quyền có văn bản yêu cầu “dẹp” các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhưng các cơ sở này vẫn bình chân như vại, xả khói, bụi mỗi ngày.
Đã có doanh nghiệp xin thuê đất của xã Duy Tân (huyện Kinh Môn, Hải Dương) để làm trang trại vườn ao chuồng nhưng lại xây lò nung, dựng nhà xưởng, nhập nguyên vật liệu… Cho đến khi hàng trăm hộ dân quanh nhà máy kéo lên trụ sở xã “kêu cứu” vì chất thải của nhà máy gây ô nhiễm trầm trọng, chính quyền xã mới biết doanh nghiệp xây nhà máy “chui”.
Chính quyền bị qua mặt?
Trưa 12/7, có mặt tại thôn Châu Xá, nơi người dân đang bủa vây nhà máy sản xuất proniken của Công ty TNHH MTV Trường Khánh cả tháng nay, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục thôn dân đang ngồi kín trong hai căn lều dựng tạm chắn trước nhà máy. Đoạn đường chính vào nhà máy cũng bị rải đầy đất đá nhằm cản xe cơ giới ra vào.
Theo phản ánh của các hộ dân, nhà máy trên đi vào sản xuất từ đầu năm 2013. Sau hai tháng hoạt động, chất thải của nhà máy đã khiến cá trong hai ao của hộ ông Lê Văn Quyên và bà Nguyễn Thị Thĩnh (đều ở thôn Châu Xá) chết hàng loạt. Đồng thời, nhà máy này cũng liên tục cho xả khói vào ban đêm khiến người dân tức ngực, khó thở, mọi sinh hoạt bị đảo lộn… “Tháng 4/2013, đại diện các hộ dân đã làm đơn tố cáo và kiến nghị lên chính quyền xã, huyện, tỉnh nhưng không thấy giải quyết, nhà máy vẫn hoạt động. Ngày 13/6, do quá bức xúc, hàng trăm hộ dân trong thôn đã bủa vây nhà máy” - ông Nguyễn Văn Hanh, thôn Châu Xá, cho biết.
Cơ sở sản xuất hóa chất chui của Công ty 1369 nằm trên địa bàn thôn Trại Chuối (xã Phạm Mệnh, Kinh Môn, Hải Dương) vẫn xả khói vào ngày 12/7 mặc dù trước đó, ngày 20/5, UBND huyện Kinh Môn đã ra thông báo đình chỉ hoạt động của cơ sở này. Ảnh: Trọng Phú
Trước phản ứng dữ dội của người dân, chính quyền địa phương vào cuộc, phát hiện nhà máy này có hàng loạt sai phạm như xây dựng chui trên đất giao khoán, không được cấp phép hoạt động... Cụ thể, ngày 1/10/2011, ông Lê Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Duy Tân, đã ký hợp đồng giao 11.700 m2 đất cho Công ty Trường Khánh thuê với mục đích trồng cây lâu năm, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo mô hình VAC (vườn-ao-chuồng) trong vòng ba năm. Công ty Trường Khánh đã xây dựng tường bao, lắp đặt nhà xưởng, xây dựng một lò đốt proniken, đi vào sản xuất hơn hai tháng. Đến tháng 4/2013, khi hàng trăm hộ dân Châu Xá kéo lên trụ sở xã Duy Tân “kêu cứu” thì UBND xã Duy Tân mới làm báo cáo lên cấp huyện. Ngày 20/5, sau nửa tháng nhận được báo cáo của xã Duy Tân, UBND huyện Kinh Môn mới ra thông báo yêu cầu Công ty Trường Khánh dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh vì có dấu hiệu vi phạm trong việc sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Thông báo này còn yêu cầu: “Công ty Trường Khánh phải hoàn thiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, cam kết bảo vệ môi trường… theo quy định”.
Phớt lờ chỉ đạo của UBND huyện Kinh Môn, Công ty Trường Khánh vẫn tiếp tục cho nhà máy proniken hoạt động. Trao đổi với PV chiều 12/7, bà Nguyễn Thị Bên, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn, cho biết: “Tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, lấy mẫu tại nhà máy của Công ty Trường Khánh để đánh giá mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, đoàn này đã không lấy được mẫu trong nhà máy mà chỉ lấy được mẫu ở phía ngoài. Kết quả, các mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép”. Ngày 10/7, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Kinh Môn, Sở TN&MT và Công an tỉnh vào cuộc vụ người dân bao vây nhà máy sản xuất proniken của Công ty Trường Khánh. Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện phải yêu cầu Công ty Trường Khánh tháo dỡ nhà máy; làm rõ các vi phạm pháp luật về đầu tư, quản lý đất đai, môi trường của doanh nghiệp, địa phương và các cá nhân liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Người dân thôn Châu Xá (xã Duy Tân) dựng lều chặn nhà máy proniken của Công ty Trường Khánh. Ảnh: Trọng Phú
Theo bà Bên, bước đầu huyện đã xác định xã cho doanh nghiệp thuê đất trái thẩm quyền, Công ty Trường Khánh xây dựng nhà máy trái phép trên đất nông nghiệp, không có thủ tục về môi trường, không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động… “Hiện huyện đã yêu cầu Công ty Trường Khánh tháo dỡ nhà xưởng. Đồng thời, UBND huyện cũng thành lập đoàn công tác do một đồng chí phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn để làm rõ sai phạm của Công ty Trường Khánh cũng như chính quyền xã” - bà Bên nói.
Phớt lờ chính quyền
Sau việc người dân thôn Châu Xá bao vây nhà máy hóa chất gây ô nhiễm của Công ty Trường Khánh, tỉnh lập tức chỉ đạo huyện rà soát các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn. Lúc này, huyện Kinh Môn mới phát hiện sân nhà mình có hai cơ sở sản xuất hóa chất chui khác gồm: Nhà máy sản xuất Proniken của Công ty Cổ phần Xây dựng 1369 nằm tại xã Phạm Mệnh và một cơ sở sản xuất volfram thuộc xã Hiệp An. Hai cơ sở này đều không có bất cứ giấy tờ nào do cơ quan thẩm quyền nào cấp phép và chính quyền địa phương không hề hay biết các nhà máy này sản xuất gì, mặc dù có nhà máy - chẳng hạn của Công ty 1369, đã đi vào hoạt động 2-3 năm nay.
Ngày 15/7, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường (Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) cho biết hai cơ sở trên đều hoạt động “chui”. “Chúng tôi cho người xuống các cơ sở kiểm tra mới phát hiện công nhân trong các cơ sở này đều không biết mình sản xuất cái gì. Họ bảo chỉ biết trộn loại bột màu này với màu kia theo hướng dẫn của chủ cơ sở…” - ông Đông nói. Cũng theo ông Đông, gần đây tại huyện Kinh Môn xuất hiện tình trạng nhiều chủ cơ sở sản xuất đứng ra thuê đất của địa phương rồi móc nối với người Trung Quốc nhập công nghệ, nguyên liệu để sản xuất hóa chất, sau đó bán cho phía Trung Quốc.
Theo ghi nhận của PV, không phải đến khi UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo thì chính quyền huyện Kinh Môn mới phát hiện ra trên địa bàn của mình có tồn tại những cơ sở sản xuất hóa chất “chui” gây ô nhiễm, hoạt động không phép. Cách đây hai tháng, ngày 20-5, UBND huyện Kinh Môn đã có thông báo đình chỉ mọi hoạt động tại cơ sở sản xuất proniken của Công ty 1369 nằm trên thôn Trại Chuối (xã Phạm Mệnh, Kinh Môn). Tuy nhiên, đơn vị này vẫn tiếp tục sản xuất. Sáng 12/7, có mặt tại thôn Trại Chuối, ống khói nhà xưởng của Công ty 1369 vẫn ngang nhiên xả khói, bụi ra môi trường. Ông NVĐ (thôn Trại Chuối) cho biết: “Xưởng này có một số người Trung Quốc đến làm việc từ 2-3 năm nay và thường xuyên xả khói bụi, dân rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị với địa phương nhưng không thấy giải quyết”.
Chiều 12/7, PV đem sự việc xưởng sản xuất hóa chất của Công ty 1369 vẫn ngang nhiên hoạt động, phớt lờ chỉ đạo của chính quyền huyện phản ánh tới bà Nguyễn Thị Bên, Bí thư Huyện ủy huyện Kinh Môn. Bà Bên tỏ ra khá ngạc nhiên và cho biết huyện Kinh Môn đã đình chỉ hoạt động của cơ sở này, đồng thời công an huyện cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với ba người Trung Quốc làm việc tại xưởng của Công ty 1369. Sau đó, bà Bên nhấc điện thoại gọi cho ông trưởng công an huyện Kinh Môn, yêu cầu làm rõ sự việc PV phản ánh.
Báo cáo kết quả khám nghiệm môi trường quanh nhà máy sản xuất proniken của Công ty Trường Khánh (xã Duy Tân, huyện Kinh Môn) do Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hải Dương) thực hiện vào tháng 6/2013 cho thấy ba chỉ số pH, COD, CR(VI) đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Trong đó chỉ số kim loại nặng (tức Cr(VI) - Crom) cao gấp bốn lần tiêu chuẩn cho phép. Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường (Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương), kết quả trên cho thấy mức độ ô nhiễm do cơ sở sản xuất proniken của Công ty Trường Khánh gây ra khá nghiêm trọng, chất thải của nhà máy có chứa kim loại nặng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người… |