Cựu nữ thủ tướng Thái bị cấm tham gia chính trị

Ngày 23/1, cựu nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và gia tộc quyền lực của mình vừa bị giáng một đòn nặng nề sau khi nhà chức trách nước này cấm bà hoạt động chính trị trong 5 năm và chuẩn bị các thủ tục để truy tố và đưa bà vào tù.

Động thái trên có thể làm gia tăng căng thẳng ở quốc gia vốn đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị sau khi quân đội nước này tiến hành cuộc đảo chính không tiếng súng hồi tháng Năm, lật đổ chính phủ của bà Yingluck và lập nên một chính quyền quân sự lâm thời để cai quản đất nước.

Ngoài việc bị cấm tham gia chính trị, bà Yingluck còn phải đối mặt với các cáo trạng ở Tòa án Hiến pháp, và nếu bị phán quyết là có tội, bà sẽ phải ngồi tù tới 10 năm.

Cựu nữ thủ tướng Thái bị cấm tham gia chính trị - 1
Cựu Thủ tướng Yingluck bị cấm tham gia chính trị trong vòng 5 năm

 

Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan (NLA), cơ quan do chính quyền quân sự nước này lập ra sau vụ đảo chính lật đổ bà Yingluck trong ngày hôm nay sẽ bỏ phiếu buộc tội bà Yingluck thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình trợ giá gạo do chính phủ của bà đề ra trước đây.

An ninh đã được thắt chặt quanh tòa nhà quốc hội Thái Lan, nơi 220 thành viên của NLA đang bỏ phiếu để buộc tội bà Yingluck. Trong số các thành viên của NLA có gần một nửa là các sĩ quan, tướng lĩnh quân đội, cảnh sát, và nhiều khả năng bà Yingluck sẽ không thể vượt qua được vòng bỏ phiếu này.

Hiện đường phố thủ đô Bangkok vẫn đang yên tĩnh trong bối cảnh người dân nước này bị chính quyền quân sự cấm tụ tập đông người nơi công cộng. Tuy nhiên, động thái trên của nhà chức trách Thái Lan dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người ủng hộ bà Yingluck.

Cựu nữ thủ tướng Thái bị cấm tham gia chính trị - 2
Các thành viên NLA bỏ phiếu buộc tội bà Yingluck

 

Ông Prayuth Chanocha, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan đã kêu gọi những người ủng hộ bà Yingluck tránh xa thủ đô Bangkok trong tuần này vì lo ngại bất ổn sẽ bùng nổ. Cảnh sát và quân đội cũng được đặt trong tình trạng cảnh giác, sẵn sàng giải tán các cuộc tụ tập đông người.

Quân đội Thái Lan cũng kêu gọi người dân nước này tôn trọng kết quả bỏ phiếu của NLA, mặc dù quyết định này có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của bà Yingluck, đẩy bà vào tình cảnh giống như người anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang phải sống lưu vong để tránh bị truy tố ở quê nhà.

Điều khác biệt là giờ đây bà Yingluck không còn cơ hội để tị nạn ở nước ngoài, bởi mọi kế hoạch đi lại của bà đều phải trình báo với chính quyền quân sự.

Mặc dù vậy, lệnh cấm bà Yingluck tham gia chính trị sẽ có rất ít ảnh hưởng đến tình hình chính trị hiện nay ở Thái Lan, bởi chính quyền quân sự đã cấm tất cả các đảng phái tham gia hoạt động chính trị kể từ sau cuộc đảo chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN