Cựu giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt nhập viện trước ngày ra tòa

Hà Nội - Cựu giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt xin hoãn xét xử về hành vi "móc nối, thông đồng" với Việt Á nâng giá mua kit test Covid-19 do đang điều trị nội trú ở bệnh viện.

Ngày 29/2, ông Việt, 51 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội và cựu trưởng phòng Tài chính Lê Minh Tuyến, 50 tuổi, bị TAND Hà Nội xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 1, Điều 222 Bộ luật Hình sự. Cả hai được tại ngoại.

Bị cáo Lê Minh Tuyến tại phòng xét xử trong sáng 29/2. Ảnh: Danh Lam

Bị cáo Lê Minh Tuyến tại phòng xét xử trong sáng 29/2. Ảnh: Danh Lam

Trong phần thủ tục sáng nay, ông Việt có đơn xin hoãn phiên tòa do đang điều trị nội trú tại bệnh viện từ chiều qua.

Vợ ông cho hay, chồng bị huyết áp cao, tiền đình.

VKS đánh giá cựu giám đốc CDC Hà Nội là chủ mưu, cầm đầu vụ án nên lời khai ông sẽ làm sáng tỏ hành vi của những người liên quan. Việc ông Việt có mặt là cần thiết. Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa song kiến nghị sớm đưa vụ án ra xét xử do các vụ án khác liên quan Việt Á đã được xét xử. "Vụ án được xã hội quan tâm, cần kịp thời xử lý để đảm bảo tính răn đe".

Sau hội ý, HĐXX thống nhất hoãn phiên tòa. Do đây là lần hoãn thứ hai (lần đầu hôm 5/2), tòa cho biết lần tới nếu các bị cáo vẫn vắng mặt sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn, dẫn giải hoặc xét xử vắng mặt. Ngày mở lại phiên tòa chưa được công bố.

Ông Việt, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, được điều động phụ trách CDC Hà Nội trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Người tiền nhiệm là ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt trong vụ bê bối liên quan "thổi giá" thiết bị xét nghiệm, sau đó nhận hình phạt 10 năm tù.

Ông Trương Quang Việt khi còn là Giám đốc CDC Hà Nội. Ảnh: UBND Hà Nội

Ông Trương Quang Việt khi còn là Giám đốc CDC Hà Nội. Ảnh: UBND Hà Nội

Trong giai đoạn ông Nguyễn Nhật Cảm làm giám đốc, CDC Hà Nội được xác định đã tiếp nhận 61.100 kit xét nghiệm Covid-19 từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nhưng chưa thanh toán.

Do đó, khi nhận nhiệm vụ tại CDC Hà Nội, tháng 6/2020, ông Việt và ông Tuyến đã mời Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và phó tổng giám đốc Vũ Đình Hiệp đến họp. Theo cáo buộc của VKSND Hà Nội, nội dung cuộc họp thống nhất việc thanh toán cho 61.000 kit xét nghiệm và "làm thế nào để đảm bảo Việt Á trúng thầu bán kít xét nghiệm cho CDC Hà Nội để Công ty Việt Á đỡ thiệt".

Hai tháng sau, được cấp dưới báo cáo nhu cầu bổ sung hơn 45.000 kit test trong khi còn nợ Việt Á rất nhiều tiền, ông Việt chỉ đạo bà Đỗ Thị Thu (Phó khoa Dược, vật tư y tế) xây dựng tính năng kỹ thuật của kit xét nghiệm khi đưa ra đấu thầu như thế nào để đảm bảo Việt Á trúng thấu, "có lợi nhuận, bù vào số tiền CDC Hà Nội chưa thanh toán", cáo trạng nêu.

Về phía Việt Á, lãnh đạo Việt và Hiệp cũng chủ động phối hợp CDC Hà Nội để cùng làm hồ sơ sao cho Việt Á trúng thầu. Hiệp cung cấp cho bà Thu bảng chào giá, nói về những tính năng bắt buộc phải đưa vào hồ sơ mời thầu, nhằm đảm bảo Việt Á trúng thầu.

Ngày 6/8/2020, bà Thu có phiếu đề xuất mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư phục vụ chống dịch vào 5 tháng cuối năm 2020. Trong đó có 38.300 kit, đơn giá 470.000 đồng/kit, tổng giá trị 18 tỷ đồng.

Phiếu đề xuất được ông Việt phê duyệt và được CDC triển khai thành hai gói thầu.

Gói thứ nhất, số lượng 10.000 kit xét nghiệm, tổng 4,7 tỷ đồng, được thực hiện theo phương pháp chỉ định thầu rút gọn. Khi Hội đồng mua sắm CDC Hà Nội họp, các chuyên gia có ý kiến về việc, hiện có 19 sinh phẩm trong và ngoài nước, việc lựa chọn sinh phẩm nào để chỉ định thầu là chưa đủ căn cứ. Song ông Việt với tư cách Chủ tịch hội đồng vẫn kết luận thông qua việc chỉ định thầu mua kit của Việt Á.

Điều tra việc này, nhà chức trách xác định chưa đủ căn cứ kết luận CDC Hà Nội có sai phạm.

Gói thầu thứ hai, tổng giá trị 13.1 tỷ đồng, được thực hiện theo phương pháp đấu thầu rộng rãi. Dựa trên các thông số trước đó đã trao đổi với Việt Á, ông Việt tiếp tục chỉ đạo bà Thu cung cấp thông tin về kit Việt Á cho cơ quan thẩm định giá để ban hành chứng thư thẩm định với thông số kỹ thuật đặc thù, chỉ có sản phẩm do Công ty Việt Á sản xuất mới có.

Sau khi CDC Hà Nội đăng hồ sơ mời thầu, đến thời điểm đóng thầu, chỉ có Công ty Việt Á nộp hồ sơ, do đó trở thành nhà cung cấp cho CDC Hà Nội với giá trị hợp đồng 13 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt trong phiên tòa tháng 1. Ảnh: Ngọc Thành

Phan Quốc Việt trong phiên tòa tháng 1. Ảnh: Ngọc Thành

Bộ Công an, VKSND Tối cao phối hợp Viện Khoa học hình sự và các đơn vị thuộc Bộ Y tế tiến hành thực nghiệm điều tra, xác định giá kit xét nghiệm của Việt Á (đã bao gồm 5% lợi nhuận) tối đa là 143.000 đồng/kit. Do đó, thiệt hại của vụ án là số tiền chênh mà CDC Hà Nội đã trả cho Việt Á trong gói thầu thứ hai, tức hơn 9 tỷ đồng.

Nhà chức trách cáo buộc, sau khi đấu thầu thành công hai gói cung cấp vật tư, CDC Hà Nội được Việt Á "cảm ơn" hơn một tỷ đồng. Trưởng phòng Tài chính Lê Minh Tuyến nhận hơn 1,3 tỷ đồng từ phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp, ngay sau đó mang lên phòng làm việc của ông Trương Quang Việt, đưa 500 triệu đồng. Ông Tuyến hưởng lợi 830 triệu đồng và đưa cho bà Thu 30 triệu đồng.

VKS đánh giá, bà Thu không biết tiền này là của Việt Á, chỉ làm việc theo chỉ đạo của cấp trên, không nhằm động cơ vụ lợi. Bà Thu thành khẩn và nộp lại 30 triệu đồng, do đó không bị xử lý hình sự mà bị đề nghị xem xét kỷ luật.

Liên quan vụ án, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và cấp phó Vũ Đình Hiệp trước đó đã hầu tòa hai lần, trong vụ án liên quan Học viện Quân y hồi cuối tháng 12/2023 và vụ án liên quan cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tháng 1 vừa qua.

Ngoài sai phạm tại CDC Hà Nội, cơ quan điều tra cáo buộc Việt Á đã thông thầu tại 20 địa phương khác để được cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 với giá cao, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 400 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Liên quan đến test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, cựu giám đốc CDC Hà Nội chuẩn bị hầu tòa với cáo buộc gây thiệt hại hơn 9 tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Lam ([Tên nguồn])
Móc ngoặc, "thổi giá" kit test COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN