Cuối năm nay trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thủ tướng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ KH&ĐT đẩy nhanh các thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Đi từ Hà Nội đến TP.HCM mất hơn 5 giờ 26 phút

Theo Bộ GTVT, ngày 18-4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước, thông báo kết quả thẩm định sơ bộ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau đó, Bộ GTVT đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến Hội đồng.

Với lộ trình hiện nay, Bộ GTVT cho biết: “Chính phủ phấn đấu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2024…”.

Về phương án đầu tư, tháng 12-2023, Bộ GTVT trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với ba kịch bản. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn kịch bản 3.

Việt Nam muốn đầu tư đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350km/giờ. Ảnh minh hoạ: CTV

Việt Nam muốn đầu tư đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350km/giờ. Ảnh minh hoạ: CTV

Cụ thể, kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD.

Kịch bản 3 nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác thêm tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án sẽ tăng từ 68,98 tỉ USD lên 71,69 tỉ USD.

Ưu điểm của kịch bản 3 là vận tải hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí đầu tư cao, nếu khai thác thêm cả tàu hàng thì chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua.

Theo tính toán của tổ tư vấn, với kịch bản 3 dự kiến tàu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) - Thủ Thiêm (TP.HCM) dự kiến dừng tại 6 ga trên hành trình Bắc - Nam sẽ mất 5 giờ 26 phút, nếu dừng ở 23 nhà ga trên hành trình sẽ mất 7 giờ 54 phút. Các chặng ngắn như Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thủ Thiêm sẽ mất từ 1 - 2 tiếng di chuyển, tùy vào số lượng ga tàu dừng trên hành trình di chuyển.

Về nguồn lực, Bộ GTVT cũng khẳng định hiện Việt Nam đã hội đủ điều kiện để đầu tư đường sắt tốc độ cao. Chẳng hạn GDP hiện cao gấp 4 lần thời điểm 2010 (thời điểm Quốc hội quyết định chưa làm đường sắt cao tốc), tiềm lực tài chính tăng nhiều lần, nợ công chỉ khoảng 37%...

Nhiều công tác chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Cùng với quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, Bộ GTVT đang giao cho các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao năng lực ngành công nghiệp đường sắt để phục vụ nhu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây được xem là yếu tố quyết định tới tính hiệu quả, bền vững và thành công của dự án này.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển giao GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong quá trình xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, cần nguồn lao động khoảng 263.700-332.300 người. Trong đó, giai đoạn 2025-2030 cần khoảng 111.280-160.020 người, giai đoạn 2030- 2040 cần khoảng 152.420 người - 186.280 người và phần lớn phải có tay nghề cao.

Giải pháp với nguồn lao động trên là tuyển dụng thông qua đào tạo trong nước, liên kết và đào tạo ở nước ngoài. Dự kiến kinh phí đào tạo khoảng 19.718-24.096 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án cần khoảng 13.880 người để khai thác vận hành, trong đó lao động trực tiếp là 11.050 người, kỹ sư đại học cần khoảng 2.349 người... “Để có đội ngũ trên cần phải chi số tiền khoảng 9.715 tỉ đồng cho công tác đào tạo” - Viện Chiến lược và phát triển GTVT dự báo.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn đến năm 2030 triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gồm: Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM; Đến năm 2050 đầu tư các đoạn còn lại để hoàn thành tuyến.

Tuy nhiên, Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhận định trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu nhân lực để phục vụ cho các công tác xây dựng cơ bản như nền, móng, công trình… 20% nhân lực còn lại tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành chuyên sâu của đường sắt tốc độ cao như hệ thống ray, thông tin tín hiệu... và cần có kế hoạch đào tạo chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công việc.

“Đối với nguồn nhân lực vận hành, cơ bản sẽ cần tái đào tạo, đào tạo mới toàn bộ nguồn nhân lực để phù hợp với công nghệ vận hành và khai thác của đường sắt tốc độ cao và sẽ được tích hợp cùng quá trình đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong khai thác…” - Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho hay.

Về công nghiệp đường sắt, Bộ GTVT cũng đang báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa Luật Đường sắt. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển công nghiệp đường sắt.

Chẳng hạn, dự luật đang đề xuất các sản phẩm công nghiệp đường sắt gồm thiết bị thông tin, tín hiệu, đầu máy, toa xe, ray, phụ kiện liên kết ray và thiết bị có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng.

Mục tiêu chính sách trên là giúp nước ta từng bước tự chủ trong việc nghiên cứu sản xuất một số loại vật tư, trang thiết bị như ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu điện, phương tiện đường sắt... Từ đó, Việt Nam sẽ cung ứng được các thiết bị, giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong quá trình vận hành, bảo hành, sửa chữa hệ thống đường sắt.

Theo một chuyên gia trong ngành đường sắt, dự án đường sắt tốc độ cao chắc chắn sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy bùng nổ phát triển du lịch cũng như quá trình đô thị hóa tại các đô thị trên trục Bắc - Nam. Nó cũng xóa bỏ những hạn chế về điều kiện địa lý, cho phép rút ngắn khoảng cách thời gian cũng như thay đổi khái niệm về không gian giữa các địa phương, vùng miền, góp phần quan trọng trong việc tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động.

Cũng vì tính chất quan trọng dự án, vị chuyên gia lưu ý trước khi trình ra Quốc hội, cơ quan xây dựng dự án cần nghiên cứu sâu và toàn diện, trong đó cần tính đến cả những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Chẳng hạn như việc chuẩn bị nguồn nhân lực, nâng cao năng lực ngành công nghiệp đường sắt để tạo thuận lợi cho việc triển khai đầu tư cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững dự án.

Vé tàu đường sắt tốc độ cao phải sử dụng công nghệ hiện đại

Bộ GTVT cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định thẻ lên tàu cho hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định, hệ thống bán vé tàu phải sử dụng công nghệ hiện đại, có khả năng kết nối liên thông giữa các tuyến đường sắt và các loại hình giao thông công cộng khác. Thiết bị của hệ thống thẻ vé phải bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phá hoại, truy cập trái phép.

“Việc quy định hệ thống thẻ vé đối với đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống kiểm soát vé…”- Bộ GTVT cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung tạo cú hích cho các ngành cơ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIẾT LONG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN