Cục Phòng, Chống tham nhũng chính thức có tên gọi mới

Sự kiện: Thời sự

Theo quy định mới, Cục Phòng, Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ chính thức được đổi tên thành Cục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ ngày 1-12.

Từ ngày 1-12, Cục Phòng, Chống tham nhũng (Cục IV) sẽ có tên gọi mới là Cục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC - Cục IV). Đây là điểm đáng lưu ý tại Nghị định 81/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thanh tra chính phủ vừa được ban hành.

Quy định này nêu rõ Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTNTC trong phạm vi cả nước. Ngoài ra, cơ quan này còn thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTNTC theo quy định.

Thanh tra Chính phủ có 19 đơn vị, trong đó Cục Phòng, Chống tham nhũng được đổi tên thành Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: VGP phát

Thanh tra Chính phủ có 19 đơn vị, trong đó Cục Phòng, Chống tham nhũng được đổi tên thành Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: VGP phát

Về cơ cấu tổ chức, Thanh tra Chính phủ có 19 đơn vị. Cụ thể, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Văn phòng, Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I), Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III).

Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I), Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III), Cục PCTNTC (Cục IV), Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V).

Ban Tiếp công dân trung ương, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra và Trung tâm Thông tin.

Ban Tiếp công dân trung ương có bộ phận thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở TP.HCM.

Tổng Thanh tra Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề PCTNTC, Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTNTC theo thẩm quyền hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và PCTNTC trong công tác thanh tra.

Một nhiệm vụ khác là thanh tra những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo thẩm quyền; thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTNTC tại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng. Đôn đốc việc xử lý người có hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng và Chính phủ.

Cạnh đó là kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền. Xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng, tiêu cực và công tác PCTNTC tại các bộ, ngành, địa phương và khu vực ngoài nhà nước.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn có nhiệm vụ phối hợp với Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC, TANDTC và Ban Nội chính Trung ương trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác PCTNTC. Đồng thời, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng, tiêu cực và kiến nghị chính sách, giải pháp PCTNTC.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng thành Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm thống nhất với quy định tại Luật Thanh tra năm 2022.

Trước đó, năm 2013, Bộ Chính trị có quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo. Đến tháng 9 năm 2021, Bộ Chính trị đã thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.

Việc đổi tên, bổ sung từ “tiêu cực” này nhằm bao quát một cách đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo theo tinh thần thống nhất tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 5-8-2021.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị chấm điểm thấp, Quảng Nam chấn chỉnh công tác phòng, chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ chấm điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh Quảng Nam năm 2022 chỉ đạt 61,09/100 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC MAI ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN