Cục Đăng kiểm lên tiếng về đề xuất giãn chu kỳ kiểm định ô tô

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lý giải nhiều lý do trong đề xuất giãn chu kỳ đăng kiểm. Theo đó, Cục Đăng kiểm đánh giá từ cơ sở dữ liệu kiểm định, tần suất, môi trường hoạt động, mục đích sử dụng của từng loại phương tiện.

Sau nhiều ý kiến liên quan đến việc giãn chu kỳ đăng kiểm, mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam trình Bộ GTVT xem xét sửa đổi Thông tư 16/2021.

Xe ô tô gia đình, cá nhân dưới 7 năm sẽ được giãn chu kỳ đăng kiểm thêm 6 tháng (ảnh: Minh Tuyết).

Xe ô tô gia đình, cá nhân dưới 7 năm sẽ được giãn chu kỳ đăng kiểm thêm 6 tháng (ảnh: Minh Tuyết).

Theo dự thảo, các loại xe gia đình, xe con cá nhân sản xuất dưới 7 năm kiểm định lần đầu sau 36 tháng, định kỳ 24 tháng, tăng 6 tháng mỗi giai đoạn so với hiện nay.

Các loại xe cũ, sản xuất trên 7 năm đến 15 năm (hiện nay là 12 năm) có chu kỳ kiểm định 12 tháng; xe trên 15 năm giữ nguyên định kỳ kiểm định 6 tháng.

Tương tự, xe kinh doanh vận tải trên 9 chỗ sản xuất đến 5 năm được giãn chu kỳ kiểm định lần đầu là 24 tháng, định kỳ 12 tháng, tăng 6 tháng so với hiện nay. Các loại xe sản xuất trên 5 năm vẫn áp dụng chu kỳ 6 tháng. Xe trên 9 chỗ sau 15 năm giữ nguyên chu kỳ 3 tháng.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam giải thích, việc kéo dài chu kỳ đăng kiểm dựa trên thống kê, đánh giá từ cơ sở dữ liệu kiểm định, tần suất, môi trường hoạt động, mục đích sử dụng của từng loại phương tiện. Xe mới linh kiện tốt, có chế độ bảo hành của hãng nên phần lớn đạt chất lượng kiểm định. Xe cũ trên 7 năm đã hết thời hạn bảo hành, linh kiện dần hư hỏng.

Cục đã tham khảo một số nước tương đồng về hạ tầng, phương tiện như Trung Quốc, Indonesia khi quy định chu kỳ kiểm định với xe cũ. Tại Trung Quốc, chu kỳ kiểm định xe cá nhân trên 15 năm là 6 tháng; Indonesia quy định chu kỳ kiểm định lần thứ hai trở đi là 6 tháng.

Việt Nam hiện có khoảng 70% xe con của các hãng Nhật Bản, Hàn Quốc. Hai nước này đang áp dụng chu kỳ kiểm định sau lần đầu tiên với xe con là 2 năm. Với đề xuất mới, chu kỳ kiểm định xe con sản xuất dưới 7 năm tại Việt Nam sẽ tương đương hai nước này.

Lý giải việc không kéo dài thời hạn kiểm định với xe gia đình, xe cá nhân sản xuất trên 7 năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết Việt Nam chưa có các quy định về niên hạn phụ tùng, phí môi trường, bảo dưỡng với xe cũ nên phương tiện cũ lưu hành khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Với xe kinh doanh vận tải, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam dẫn kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy đều đang kiểm soát chặt chẽ, thậm chí siết chặt đăng kiểm hơn Việt Nam vì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hầu hết quốc gia kiểm định xe kinh doanh vận tải theo chu kỳ 12 tháng (gồm cả chu kỳ đầu tiên). Nhiều nước có chu kỳ ngắn là 6 tháng như Hàn Quốc (với xe trên 8 năm), Bồ Đào Nha (xe trên 7 năm), New Zealand (xe trên 6 năm), Tây Ban Nha, Trung Quốc (xe trên 5 năm). Riêng Bỉ định kỳ kiểm định xe kinh doanh 3 tháng bao gồm cả chu kỳ đầu tiên.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ xem xét nới chu kỳ đăng kiểm của các xe dưới 5 năm, chưa giãn chu kỳ với xe cũ kinh doanh vận tải.

Sau khi Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi Thông tư 16, ngày 8/3, Bộ GTVT có công văn gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến về việc ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 16 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ngày 10/3, Bộ Tư pháp có công văn thống nhất với việc cần sớm sửa đổi quy định hiện hành để miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới và đề nghị Bộ GTVT bổ sung giải trình rõ hơn về nội dung dự kiến điều chỉnh khác trong dự thảo thông tư. Bộ GTVT đã tiếp thu, thuyết minh làm rõ sự cần thiết.

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng cho phép Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành thông tư nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo giải quyết vấn đề cấp cách phát sinh trong thực tiễn hiện nay. Thời gian ban hành trong tháng 3/2023.

Nguồn: [Link nguồn]

“Giải cứu” ách tắc đăng kiểm: Thêm hơn 100 CSGT hỗ trợ Hà Nội và TP.HCM

Cục Cảnh sát giao thông điều thêm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TP.HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN