"Công và tội" của xe máy
Hơn 80% người dân TP, những người thường xuyên sử dụng xe máy, lắng nghe và chờ… đến năm 2030 xe máy bị cấm hẵng hay.
Hôm 20-4 vừa qua, tại hội thảo Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp, nhiều ý kiến tranh luận giữa các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ nổ đôm đốp về “công và tội” của xe máy. Trước mắt xe máy vẫn là “đôi chân” của đa số người TP. Kể cả là “đôi cánh” nâng ước mơ đổi đời của biết bao bạn trẻ trên đường học vấn và khởi nghiệp.
Chuyện giới hạn xe máy, mở rộng giao thông công cộng đã hơn 20 năm nay nhưng xe buýt, xe điện chẳng thấy phát triển mà xe máy ngày càng nhiều.
Cứ làm hạ tầng và giao thông công cộng tốt đi…
Sáng sớm thứ Bảy, vừa bước chân tới quán cà phê vỉa hè - nay đã được lùi vào phía trong vạch vàng mới kẻ - của cô Tư, tôi đã nghe ra rả cuộc tranh luận của các “bình loạn viên” thường trực quán về chuyện cấm xe máy. Lý lẽ không khác gì cuộc tranh luận của các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ… Nào xe máy là tội đồ gây kẹt xe, tội đồ làm suy giảm phát triển kinh tế, nhất là thủ phạm chính gây tai nạn giao thông, có đúng như các chuyên gia nói không... Giọng ông Dũng “thiếu nhi” oang oang: “Sao mấy ổng không tiên trách kỷ hậu trách nhân? Nếu chính quyền lo làm đường sá ngon lành, xe buýt máy lạnh lướt êm, tàu điện ngầm tàu điện nổi nối đuôi nhau thì dân ai thèm đi xe máy chi cho khổ, vừa nắng vừa bụi, vừa kẹt xe lại còn bị lên án này nọ...”. Ông Út “vé số” chen vào: “Hoan hô anh Dũng. Bọn mình nghe chuyện giới hạn xe máy, mở rộng giao thông công cộng đã hơn 20 năm nay nhưng xe buýt, xe điện chẳng thấy phát triển mà xe máy ngày càng nhiều. Nghe nói mỗi năm có thêm hơn ba triệu xe máy, không biết Nhà nước thu được bao nhiêu thuế, còn các hãng xe máy quốc tế vô nước mình làm ăn ngon lành quá”.
Ông Hai “hưu trí” nói: “Mấy ổng thì giàu rồi, đi xe hơi máy lạnh, chứ đa số dân mình còn nghèo lắm! Ổng ở trong tháp ngà, chỉ biết theo mấy con số thống kê. Chỉ hơn chục ông tỉ phú bây giờ đã có tài sản bằng cả chục triệu người dân, rồi họ cộng lại chia đều, người nào cũng hết nghèo, nghe sao xót xa quá!”. Một ông già tôi chưa biết nãy giờ ngồi im lặng trong góc quán nói: “Hỏi cái ông phó giáo sư gì đó xem chừng nào có đủ đường sá, đủ xe điện, xe buýt chạy để dân đi”.
“Cấu trúc đô thị TP.HCM hiện nay phù hợp xe máy”
Sáng sáng, ở cái quán cà phê cóc này tụ tập đủ thành phần trong khu phố. Các nhân vật mà tôi gặp ở trên đều ít nhiều có cá tính. Họ làm nhiều ngành nghề khác nhau như chạy xe ôm, chủ cửa hàng trang trí nội thất, cán bộ hưu trí, bán vé số… Thế nhưng mỗi người đều có quan điểm của mình khá rõ ràng. Tên mỗi người khách quen đều được cô Tư chủ quán gán thêm cho một biệt danh hay đương nhiên gắn với nghề nghiệp họ làm. Như ông Tám “nhựt trình” do ông lúc nào cũng kè kè trong tay tờ báo, ông Dũng “thiếu nhi” do nhà ông ở gần nhà thiếu nhi quận… Tôi thấy lạ là hầu như họ khá quan tâm tới thời cuộc, nhất là những sự kiện liên quan tới đời sống người dân như chuyện cấm xe máy vừa kể.
Mới hơn 8 giờ mà quán đã thưa khách. Ông Út “xe ôm” bắt được khách sộp đi Bình Dương, ông Tám “nhựt trình” ngồi tiếp tục nghiên cứu tờ nhựt trình, bỗng ông ngước lên nói lớn: “Này, này, có ông TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP, nói rất hay. Ổng bảo vấn đề cơ bản là cấu trúc đô thị của TP.HCM hiện nay phù hợp với xe máy mà không hợp với phát triển ô tô. Ông Cương còn cho rằng đề xuất cấm xe máy không thực tế và hoàn toàn sai lầm. Xe máy không làm thiệt hại kinh tế mà ngược lại là khác. Tui hoan hô ý kiến ông này… Chỉ tiếc khi làm sếp quy hoạch sao ổng không đề xuất, tham mưu với lãnh đạo chuyện giới hạn nhập và sản xuất xe máy, để nó tràn ngập gây khó khăn như bây giờ”.
Mặt trời mới lên nhưng hơi nóng đã hầm hập thổi vào. Lại một mùa hè khắc nghiệt sắp đến. Những người giàu có ngồi xe máy lạnh, ở biệt thự, nhà lầu, ngủ phòng máy lạnh thì chuyện trời nắng nóng hay kẹt xe chỉ là chuyện nhỏ. Chỉ những thị dân nghèo lọc cọc chiếc xe máy làm phương tiện mưu sinh trên đường nắng gió, cũng là phương tiện di chuyển vợ con đi làm đi học, mới thấy khổ nhọc thế nào.
Việc cấm xe máy không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn xúc phạm đến 80-90% dân số, đặc biệt là người thu nhập...