Công bố nguyên nhân khiến cần cẩu đổ vào nhà dân

Nguyên nhân dẫn đến sự cố đổ cần cẩu tại trụ P286-C1 là do nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) không lường trước được lực ma sát giữa ống vách và lớp đất xung quanh…

Vào 16h30 ngày 12.5, tại vị trí trụ thuộc P286, một cần cẩu đang rút ống vách thép lên hàng rào thi công thì bất ngờ đầu cần cẩu đổ vào nhà dân bên đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Sự cố đổ cần cẩu làm hư hỏng một biển quảng cáo của nhà dân, cột điện và ảnh hưởng đến hai người tham gia giao thông trên tuyến đường. Trong đó, có một thai phụ đang mang bầu tháng thứ 8. Khu vực xảy ra sự cố do nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) thi công.

Công bố nguyên nhân khiến cần cẩu đổ vào nhà dân - 1

 Hiện trường vụ đổ cần cẩu vào nhà dân trên đường Cầu Giấy

Chiều ngày 13.5, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã có cuộc họp với các bên liên quan, đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ cần cẩu đổ vào nhà dân chiều 12.5. Tham dự cuộc họp có nhà thầu Daelim (Hàn Quốc); Tư vấn Systra; Ban quản lý dự án 1.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng ban quản lý dự án Đường sắt đô thị, tuyến Nhổn – ga Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự cố đổ cần cẩu tại trụ P286-C1 là do nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) không lường trước được lực ma sát giữa ống vách (dài 9m- đường kính 1m) và lớp đất xung quanh.

Ông Hoàng cho hay, trong lĩnh vực xây dựng, khi muốn khoan một cọc bê tông dài 40m, đường kính gần 1m xuống lòng đất, bao giờ công nhân cũng đưa một ống vách bằng thép xuống chạy song song để đưa thép xuống và sau đó đổ bê tông. Khi làm xong rồi, công nhân sẽ dùng máy cẩu rút ống vách này lên đưa sang chỗ khác và tiếp tục thi công.

“Thông thường, công nhân khi rút ống vách lên thì chỉ cần nối dây thép vào lỗ của ống vách và rút thẳng lên là được. Nhưng trong trường hợp trên, khi công nhân rút ống vách lên, nó bị ma sát, mút chặt vào đất, bê tông. Khi công nhân tiếp tục điều khiển, chiếc cẩu đã không rút được ống vách lên mà bất ngờ đổ gục sang nhà dân”, ông Hoàng giải thích.

Theo ông Hoàng, trong trường hợp trên, đáng lẽ người điều khiển cần cẩu phải điều khiển cẩu lắc mạnh hoặc xoay làm sao cho ống vách bung ra và từ từ kéo lên. Nhưng người điều khiển đã không làm vậy mà nhấn ga cần cẩu mạnh lên trong khi đất đá vẫn bám nhiều vào ống vách, ma sát vẫn lớn nên dẫn đến cần cẩu bị đổ gục.

Sau khi để xảy ra sự cố, chủ đầu tư đã phê bình tư vấn Systra tại khu vực công trường thi công trụ P286; nhóm giám sát quản lý gói thầu CP01 của Ban quản lý dự án 1 vì chưa chưa làm tốt công tác quản lý thi công; phê bình Giám đốc dự án nhà thầu Daelim (Hàn Quốc).

Ông Hoàng cho biết thêm, đơn vị đã yêu cầu nhà thầu dừng toàn bộ các các hoạt động của gói thầu CP01 để tổ chức kiểm tra nội bộ về thiết bị, vật tư, nhân lực, đảm bảo an toàn lao động. Phối hợp cùng ban quản lý dự án khắc phục đền bù tài sản, hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng khi sự cố xảy ra,

Đặc biệt, yêu cầu tư vấn Systra kiểm tra, rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức thi công, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, thiết bị làm việc tại công trường; tăng cường giám sát trên công trường đảm bảo thi công đúng quy trình, phương án đã được phê duyệt. Đồng thời, đánh giá và kiểm tra lại năng lực thi công trên toàn tuyến gói thầu CP01.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội. Dự án có tổng nguồn vốn vay ODA trị giá 783 triệu Euro. Tuyến đường sắt này có chiều dài 12,5km với 9,6km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm, có 11 ga trên cao, 4 ga dưới ngầm. Tàu sẽ lưu thông trên tuyến đường này với tốc độ 80km/h, tàu có chiều dài từ 19 đến 20 mét.

Lộ trình tuyến này như sau: ga đường sắt tại Nhổn (ngã tư đường 70 và QL32), tàu điện sẽ đi theo QL32 đến nội thành Hà Nội, qua các đường phố Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - Ga Hà Nội (đoạn trước cửa ga, cuối đường Trần Hưng Đạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN