Cô giáo chữ đẹp rèn chữ cho đồng nghiệp

Từng là học sinh viết chữ xấu nhưng sau tháng ngày miệt mài luyện chữ đẹp, cuối cùng cô giáo xứ Quảng cũng trở thành giáo viên viết chữ đẹp nhất nhì cả nước. Mỗi nét chữ cô viết ra làm say mê lòng người, vì vậy có rất nhiều giáo viên khắp mọi nơi tìm đến nhờ cô cầm tay rèn từng con chữ đẹp cho mình.

Viết chữ đẹp phải có niềm đam mê

Chỉ còn khoảng 10 ngày là đến Tết, nhưng tại các lớp dạy chữ đẹp của cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa (32 tuổi, ở số nhà 81/18 Nguyễn Thái Học, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) tấp bật người ra kẻ vào để xin đăng ký học viết chữ đẹp. Hai phòng học viết chữ đẹp trong khu viên nhà cô chật ních người đang ngồi để được rèn luyện viết chữ đẹp. Cô Nghĩa là giáo viên dạy lớp 1 của Trường Tiểu học Ngô Quyền ở phường An Phú, TP.Tam Kỳ.

Học sinh đến ngồi học viết chữ đẹp là các em từ lớp 1 đến sinh viên; cán bộ hưu trí, công an, Việt kiều, đặc biệt có rất nhiều giáo viên từ khắp nơi cũng tìm đến xin được cô Nghĩa rèn viết chữ đẹp.

Cô giáo chữ đẹp rèn chữ cho đồng nghiệp - 1

Cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa đang dạy cho các em học sinh viết chữ đẹp tại nhà mình

Những câu thơ chữ mẫu được cô Nghĩa viết mẫu trên bảng để cho các em học sinh tập viết theo ngay ngắn, tròn trịa, đẹp giống y chữ đánh máy vi tính ra. Vừa viết xong đoạn chữ mẫu của cô Nghĩa trên bảng, em Nguyễn Thị Yến Nhi, lớp 4B Trường Tiểu học Ngô Quyền vui vẻ nói: “Cô Nghĩa viết chữ đẹp ở trường ai cũng khen, cô Nghĩa rèn luyện viết chữ đẹp được 4 buổi mà ai cũng khen con viết chữ đẹp và nhanh hết. Con xem lại chữ viết trong vở trước đây và chữ con học cô Nghĩa khác xa, chữ cô Nghĩa dạy con viết đẹp hơn, ngay ngắn, tròn trịa lắm. Con viết được chữ đẹp mừng lắm!”.

Ngoài giờ chính khóa trên trường, cô Nghĩa dạy các lớp viết chữ đẹp tại nhà mình từ 5 – 7 giờ chiều thứ 2,3,4,5,6 và 7; 7 – 9 giờ tối vào chủ nhật. Mỗi lớp học luyện viết chữ có từ 20 đến 25 học sinh đến từ các địa phương như TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước.

Cô giáo chữ đẹp rèn chữ cho đồng nghiệp - 2

Rất đông học sinh tìm đến nhà nhờ cô Nghĩa dạy viết chữ đẹp

Theo cô Nghĩa, muốn viết chữ đẹp quan trọng nhất là người viết phải có sự đam mê chữ đẹp, phải yêu thích chữ đẹp truyền thống mới thả hồn vào con chữ được. “Tôi nghĩ nếu mọi người có sự đam mê chữ đẹp, yêu thích chữ đẹp truyền thống thì sẽ thả hồn vào được con chữ. Viết chữ đẹp cũng là loại hình thư pháp. Thư pháp mang yếu tố hội họa, còn chữ đẹp mang cái truyền thống, đặc biệt là niềm đam mê”, cô Nghĩa tâm sự.

Ngưỡng mộ cô giáo Nghĩa viết chữ quá đẹp nên có rất nhiều giáo viên từ khắp nơi của tỉnh Quảng Nam tìm đến nhà để nhờ cô rèn luyện viết chữ đẹp để về dạy lại học sinh mình. Cô Nghĩa kể: “Tại nơi mình đang dạy học là Trường Tiểu học Ngô Quyền có 2 giáo viên nữ đang theo học lớp viết chữ đẹp với các em học sinh tại nhà mình. Ngoài ra, nhiều cô giáo ở các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình qua sự giới thiệu của đồng nghiệp cũng đến nhà đăng ký để học viết chữ đẹp cùng với các em học sinh nữa. Đồng nghiệp đến mình nhờ dạy cách viết chữ đẹp đều có sự tôn trọng giữa người dạy và người học. Các cô giáo đến học viết chữ đẹp để về dạy lại cho học sinh trên lớp, có cô về mở lớp dạy viết chữ đẹp tại nhà”.

Cô giáo chữ đẹp rèn chữ cho đồng nghiệp - 3

Sau 5-6 buổi học viết chữ đẹp do cô Nghĩa dạy là các
em học sinh viết chữ đẹp như đánh máy vi tính

Chỉ bảo, rèn chữ đẹp cho đồng nghiệp

Khi được hỏi, giáo viên đến nhờ cô dạy viết chữ đẹp có ngại ngùng và “xấu hổ” khi mình viết chữ xấu không? Không đắn đo, cô Nghĩa nói: “Mình hiểu biết ở mức nào sẽ truyền thụ lại cho đồng nghiệp mình như vậy. Ban đầu cũng có giáo viên có sự bỡ ngỡ, ngại ngùng nhưng sau đó đồng nghiệp mình cảm nhận được việc viết chữ đẹp là rất hay là họ đam mê lắm và yêu thích theo đến cùng”.

Theo cô Nghĩa, học sinh viết chữ xấu chỉ cần được cô rèn luyện khoảng 6-7 buổi học là viết được chữ đẹp ngay, chẳng khác nào chữ đánh máy vi tính hết. “Với các đồng nghiệp khi học viết chữ đẹp, mình phải bắt đầu từ tư thế ngồi cho các cô, cách đặt cuốn vỡ trên mặt bàn cho ngay ngắn, cách cầm bút như thế nào là đúng để khi viết chữ. Tất cả những tính căn bản này đều được các cô truyền đạt khi giảng dạy cho học sinh mình trên lớp, nhưng khi đã đến lớp học viết chữ đẹp của mình thì các cô phải tôn trọng, tuân thủ một cách nghiêm chỉnh trong việc viết chữ đẹp. Như cô giáo G. (ở huyện Tiên Phước) học viết chữ đẹp tại nhà mình với thời gian 15 buổi mới viết chữ đẹp được…”, cô Nghĩa cho hay.

Lời người xưa đã dạy rằng: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cùng là thầy. Trong đó, một quy định bắt buộc đối với mọi người đến nhờ cô Nghĩa dạy viết chữ đẹp là phải viết được chữ đẹp, con chữ phải ngay ngắn, tròn trịa, thắng tắp mới được cô giáo “chữ đẹp” này đồng ý cho hoàn thành khóa học. Theo cô Nghĩa, mục đích duy nhất của mọi người tìm đến cô để học viết chữ đẹp là để thỏa niềm đam mê. Những Tiến sĩ, Thạc sĩ cũng tìm đến nhờ cô giáo này dạy viết chữ đẹp nữa. Có nghĩa là học trò của cô không phân biệt tuổi tác, cấp bậc, từ ngài Tiến sĩ, Thạc sĩ, kể cả các giáo viên đều ngồi cung ghế, chung bàn với các em nhỏ để được cô dạy viết chữ đẹp.

Cô giáo chữ đẹp rèn chữ cho đồng nghiệp - 4

Từng con chữ của cô Nghĩa như có hồn làm say đắm lòng người

Cô Nghĩa cho biết, cái khó nhất của việc học viết chữ đẹp là người học bất kể đối tượng nào phải mang được cái hồn vào con chữ, mỗi con chữ viết ra trên trang giấy trắng phải có sự mền mại và đặc biệt phải biết yêu cái đẹp của chữ đẹp. “Viết được chữ đẹp không cần phải có năng khiếu, nhưng cần phải có niềm đam mê và yêu thích. Ông bà ta đã nói “chữ đẹp thì phải có hoa tay”. Nên vậy, bắt đầu ngay từ lớp 1 cần phải rèn luyện chữ viết cho trẻ để làm căn bản cho chữ đẹp về sau. Đa số học sinh học viết chữ đẹp do mình dạy đều đạt giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi viết chữ đẹp cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Khi thấy học sinh của mình viết chữ đẹp là mình rất vui”, cô giáo này nói.

Vốn là một học sinh viết chữ rất xấu, từng bị cô giáo mình la rầy khiến cho lòng tự ái trổi dậy và sau những ngày miệt mài học viết chữ đẹp ở Hà Nội- cuối cùng cô đã thành công. Cô Nghĩa kể: “Còn là học sinh, mình viết chữ rất xấu. Lúc đang là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng, một lần dạy thử cho giảng viên xem bị một cô giáo dạy môn tiếng Việt thấy mình chữ viết xấu đã nói: Chị viết chữ như thế này thì sau này dạy ai!. Từ đó, tốt nghiệp cao đẳng xong là mình ra Hà Nội tìm đến thầy giáo dạy viết chữ để đăng ký học được một tháng là mình viết được chữ đẹp ngay. Hoàn thành xong khóa học viết chữ đẹp, thầy dạy kêu mình ở lại làm “trợ giảng” một thời gian rồi về quê…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN