Có gì lạ ở di cốt của người niên đại 10.000 năm trước tại Hà Nam?
Di cốt người thuộc nền văn hóa Hòa Bình cách đây khoảng 10.000 năm được phát hiện tại quần thể danh thắng Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Kỳ lạ hình ảnh mộ song táng của hai anh em
Ngày 2/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã công bố kết quả khai quật tại hang Đội 4, vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học thực hiện vào tháng 3/2023. Các nhà khảo cổ phát hiện ba mộ trẻ em và người trưởng thành, trong đó có mộ cải táng và mộ song táng (người đàn ông đang ôm em bé), chôn theo tư thế nằm co bó gối. Đây là lần đầu tiên phát hiện di cốt người cách ngày nay khoảng 10.000 năm ở Hà Nam.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam cho biết đây là dạng mộ cải táng và dạng mộ song táng, với cách chôn nằm co bó gối của văn hóa Hòa Bình. Điều này đánh dấu lần đầu tiên phát hiện di cốt người có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm.
Di cốt người cách ngày nay khoảng 10.000 năm được tìm thấy ở tỉnh Hà Nam.
"Mộ song táng của một thanh niên 17-20 tuổi và em bé gái khoảng 4-5 tuổi. Tôi cho rằng họ là anh em mà không phải cha con, bởi thanh niên đang nằm trong tư thế bó gối nhưng trong tay trái lại ôm đứa bé. Cả hai mất cùng thời điểm nên được chôn cùng nhau. Trong văn hóa Hòa Bình mộ theo tư thế nằm co một người rất nhiều, nhưng trường hợp ôm nhau như vậy tôi chưa thấy bao giờ", PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện di tích động vật, bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương răng động vật. Chúng được phát hiện với số lượng đáng kể qua các lớp đào. Loại công cụ đá tại hố khai quật có kích thước không lớn, nhưng những đặc điểm về loại hình và kỹ thuật cho thấy sưu tập hiện vật đá ở đây thuộc văn hóa Hòa Bình.
Cũng trong đợt khai quật tháng 3, Viện Khảo cổ học đã phát hiện dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất (hóa thạch động vật và mảnh gốm vặn thừng màu nâu đỏ thuộc văn hóa Đông Sơn) tại hang Thung Na 1 và 3 ở thị trấn Ba Sao. Tại khu vực Tam Quan chùa Tam Chúc, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều vỏ nhuyễn thể biển cùng với ốc suối được chặn bên dưới. Ở đỉnh núi trên diện tích khoảng 60 m2 có các mảnh miệng và mảnh thân đồ gốm nằm cùng với mảnh nhuyễn thể.
Nhóm khảo sát cũng phát hiện một di tích giai đoạn tiền sơ sử trên đỉnh núi Lò Vôi gần khu vực Tam Quan ngoại chùa Tam Chúc, trên đỉnh núi phát hiện nhiều vỏ nhuyễn thể biển cùng với ốc suối chặt trôn.
Tại vị trí đỉnh núi với diện tích rộng khoảng 60m2 cũng phát hiện các mảnh miệng, mảnh thân của các đồ gốm nằm cùng với nhuyễn thể biển và nước ngọt. Kết quả khảo sát cho thấy, khu vực này tồn tại nhiều di tích có niên đại cuối thế Pleistonece tới Holocene muộn (cách đây 10.000 - 12.000 năm), được cư dân cổ sử dụng và cư trú qua nhiều thời kỳ.
Sớm xác định niên đại bằng phương pháp phóng xạ carbon
"Chúng tôi đang thực hiện carbon phóng xạ để xác định niên đại chính xác hơn. Tuy nhiên, thông qua những công cụ đồ đá chôn cùng, chúng tôi xác định được di cốt này thuộc niên đại 10.000 năm trước và thuộc về văn hóa Hòa Bình. Tướng nằm co là một đặc trưng của nền văn hóa này", PGS.TS Nguyễn Lân Cường phân tích.
Theo các chuyên gia, việc xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ là phương pháp phổ biến nhất cho đến nay. Phương pháp này liên quan đến việc đo số lượng carbon-14, một đồng vị carbon phóng xạ. Carbon-14 có mặt khắp nơi trong môi trường.
Trong khi dạng phổ biến nhất của carbon có sáu neutron, thì cacbon-14 có thêm hai. Điều đó làm cho đồng vị nặng hơn và kém ổn định hơn nhiều so với dạng carbon phổ biến nhất. Vì vậy, sau hàng nghìn năm, carbon-14 cuối cùng bị phá vỡ. Một trong các neutron của nó tách thành một proton và một electron. Trong khi electron thoát ra, proton vẫn là một phần của nguyên tử. Với một neutron ít hơn và một proton nữa, đồng vị này phân rã thành nitơ.
Khi sinh vật chết đi, chúng ngừng hấp thụ carbon-14 và lượng còn lại trong cơ thể chúng bắt đầu quá trình phân rã phóng xạ chậm. Các nhà khoa học biết thời gian để một nửa lượng cacbon-14 nhất định bị phân hủy được gọi là chu kỳ bán rã. Điều đó cho phép họ đo tuổi của một phần vật chất hữu cơ, cho dù đó là da hay bộ xương động vật, tro hay vòng cây.
Chu kỳ bán rã của carbon-14 là 5.730 năm, lý tưởng cho các nhà khoa học muốn nghiên cứu 50.000 năm lịch sử. Điều đó bao gồm phần thực sự thú vị của lịch sử loài người, nguồn gốc của nông nghiệp, sự phát triển của các nền văn minh. Ngoài carbon, người ta còn có thể dùng Uranium hoặc hoặc Kali-Argon (dùng cho mẫu đất) để phân tích. Bằng những phương pháp này, chính nó cũng dùng để biết tuổi của Trái Đất hoặc những thiên thạch va vào Trái Đất.
Vào các năm 2021-2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, nhận diện gần 30 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu, đưa vào diện tổ chức thám sát, khai quật ở tỉnh Hà Nam. Riêng vùng lõi danh thắng Tam Chúc đã phát hiện 11 hang động, mái đá thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn (khoảng năm 800 trước công nguyên).
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện di cốt người ở 3 mộ trẻ em và người trưởng thành có lịch sử cách ngày nay khoảng 10.000 năm trong đợt khai quậtở Hang đội 4 trong vùng...