Quay video, chụp ảnh CSGT: Không sai

Liên quan đến đoạn video được đăng tải trên mạng với nội dung CSGT Thanh Hóa "quên luật", phải giở sách luật ra để tìm lỗi, chúng tôi đã liên hệ với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an) để làm rõ vụ việc này.

CSGT có được giở sách luật khi xử phạt?

Trước đó, trên mạng Internet xuất hiện video một người bị CSGT giữ lại kiểm tra giấy tờ và lập biên bản. Người này hỏi CSGT mình vi phạm lỗi gì, thuộc thông tư bao nhiêu, điều bao nhiêu? Viên CSGT đã không trả lời mà giở sách luật ra tìm lỗi vi phạm. Tuy nhiên, sau khi giở sách luật, viên CSGT vẫn không giải thích gì với người điều khiển xe mà chỉ nói rằng "chở cồng kềnh" và cứ thế viết biên bản.

Tuy nhiên, một số thông tin cho rằng Công an huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), nơi xảy ra vụ việc đã báo cáo sự việc với Công an tỉnh Thanh Hóa để phối hợp làm rõ cá nhân tung video lên mạng với ý đồ xấu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết, ông chưa xem cụ thể video được phát tán trên mạng.

Nhưng trước hết, Thiếu tướng Tuyên khẳng định, về quy định chung, khi CSGT kiểm tra, lập biên bản người tham gia giao thông, phải giải thích rõ, người đó đã có hành vi vi phạm gì, được quy định trong điều khoản nào của luật, mức độ sai phạm bao nhiêu.

Mặt khác, tướng Tuyên cũng cho rằng, rất khuyến khích lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường thuộc luật giao thông.

Tuy nhiên, theo ông Cục trưởng, trong luật quy định cả hàng nghìn hành vi, không đầu óc con người nào có thể nhớ hết được tất cả quy định điều khoản trong luật, thông tư, nghị định. Cho nên CSGT giở sách luật ra để kiểm tra là chuyện hết sức bình thường. 

Tướng Tuyên cho hay, thậm chí, CSGT vẫn thường in những cuốn sổ tay, cẩm nang nhỏ như là "bảo bối" để viết biên bản, xử phạt cho chuẩn. Mặt khác, cũng là để chứng minh cho người dân biết, quy định đó là có trong luật chứ không phải là chỉ tự nghĩ ra nói miệng.

"CSGT kiểm tra lại quy định, điều luật để ghi cho đúng hành vi vi phạm vào trong biên bản là việc hết sức cần thiết." - Tướng Tuyên nhấn mạnh.

Quay video, chụp ảnh CSGT: Không sai - 1

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an)

Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Hà Nội) cho rằng, việc hiểu biết pháp luật là trách nhiệm của mọi người dân. Nhưng không phải lúc nào cơ quan thi hành pháp luật, kể cả luật sư, thẩm phán hay điều tra viên, kiểm sát viên đều có thể đọc thuộc lòng văn bản pháp luật đó. Thậm chí, nhiều khi chính người dân bị xử phạt còn yêu cầu người thực hiện công vụ phải giở luật ra chỉ cho họ từng điều khoản một, để họ nắm thêm. Vậy, CSGT giở sách luật ra là một việc hết sức khuyến khích và không có gì là vi phạm cả.

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) cũng cho rằng, CSGT khi xử lý có nghĩa vụ phải giải thích rõ cho người dân hiểu mình đã mắc lỗi gì. Người thực thi công vụ không làm việc đó là sai nguyên tắc.

Nhưng theo LS. Dũng, nếu không nhớ cụ thể điều luật, CSGT hoàn toàn có thể giở sách ra để đọc cho người dân hiểu. Bởi luật giao thông có quá nhiều điều khoản. Mặt khác, các văn bản, nghị định, thông tư thay đổi qua từng năm tháng như Nghị định 34, Nghị định 71… Việc cơ quan thực thi công vụ không nhớ được là việc hết sức dễ hiểu.

Quay video, chụp ảnh CSGT: Không sai - 2

CSGT Thanh Hóa mở nhiều trang sách luật để tìm điều khoản phạt lỗi vi phạm. (Ảnh chụp từ video clip)

Dân có quyền quay phim, chụp ảnh CSGT

Khi được hỏi về việc Công an Thanh Hóa đang điều tra người quay phim và cho rằng có ý đồ xấu, LS. Trần Đình Triển cho rằng, người dân có quyền thu thập chứng cứ, những vấn đề công khai của người thi hành công vụ. Do vậy, người dân có quyền quay phim, chụp ảnh. Đó là quyền của công dân.

Trên đường cũng không có biển quay phim chụp ảnh. Trong luật cũng không có quy định cấm quay phim chụp ảnh lúc cán bộ công chức thi hành công vụ. Cho nên, việc quay phim không có gì sai trái cả. Thậm chí cần phải cảm ơn, khuyến khích người dân làm việc đó.

Nếu chứng cứ đó thể hiện điều sai trái, cơ quan chức năng sẽ phải xem xét. Chứng cứ, vấn đề nào mà người dân chưa hiểu, cần giải thích cho dân. Còn nếu, người bị quay clip làm đúng, cơ quan công quyền cũng trả lời lại cho người dân hiểu.

"Không thể vì thế mà cơ quan nhà nước lại đi điều tra, xử lý người dân được. Việc người dân làm như thế là hoàn toàn đúng pháp luật". - Luật sư Trần Đình Triển nhấn mạnh.

Luật sư Trịnh Anh Dũng cũng cho rằng, việc quay phim cũng như phát tán lên mạng Internet người đang thực thi công vụ không có gì là trái pháp luật. Bởi người ta chỉ phản ánh sự việc khách quan, đúng hay sai do cơ quan công quyền xem xét cũng như công luận đánh giá. Chỉ việc phát tán video clip xâm phạm đời sống riêng tư, nội dung đồi trụy mới bị cấm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN