Chùa Trăm Gian: Khó về... nguyên trạng

Sau khi vụ việc "làm mới" chùa Trăm gian xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để khảo sát thực địa, để đưa ra đánh giá bước đầu. Nhưng việc trùng tu về nguyên trạng là rất khó. Hiện nay các cấu kiện cũ phần lớn đã hư hỏng, nếu dựng nên sẽ xộc xệch, chắp vá.

Tại buổi khảo sát TS. Nguyễn Thành Vinh cho biết: "Qua khảo sát ban đầu, so sánh với công trình dựng lên và các cấu kiện đã được hạ giải, 2 cái đó khác nhau từ kích thước, chi tiết, hoa văn… Các cấu kiện hạ giải lớn đã bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau: mục gãy, vỡ mộng, sứt mẻ ở nhiều điểm. Tuy nhiên, vẫn có những cấu kiện tương đối tốt có thể sử dụng để phục dựng. Đây là những điều cơ bản nhất để chúng ta xem xét như điều kiện để lên phương án phục hồi hợp lý".

Còn theo GS. Trần Lâm Biền:" Phục dựng lại nguyên trạng chùa Trăm Gian bằng những cấu kiện đã hạ giải là rất khó. Bởi hiện nay các cấu kiện ấy phần lớn đã hư hỏng nếu dựng nên sẽ xộc xệch…".

Chùa Trăm Gian: Khó về... nguyên trạng - 1

Một góc chùa Trăm gian

Ông Biền cho biết thêm, việc nhà chùa tự ý hạ giải công trình là việc đã rồi. Do đó chỉ nên nghiên cứu kỹ các cấu kiện còn lại xem nếu còn phù hợp thì lắp đặt lại. Còn nếu dỡ hết cấu kiện mới, vừa được dựng lên là không nên vì không thể lắp đặt lại như ban đầu. Vì đa số những cấu kiện cũ đều đã hư hại do thời gian.

“Không thể lắp đặt lại những cấu kiện cũ của các hạng mục khi nó đã bị mục ruỗng, điều này sẽ khiến di tích xộc xệch, chắp vá. Giống như ta bị một chiếc răng sâu, nếu không nhổ bỏ, thay thế thì sẽ đau mãi. Tuy nhiên, các bậc cấp bằng đá trước tiền đường cần phải phục hồi, sử dụng lại các cấu kiện cũ. Những tảng đá này được làm bằng phương pháp thủ công, sửa chửa những nó chắc chắn làm được vì kỹ thuật ngày nay rất hiện đại”- ông Biền khẳng định.

Đồng quan điểm này, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS, TS Phạm Mai Hùng cho rằng, cần phải xác định rõ trong tổng thể di tích quốc gia chùa Trăm Gian đâu là linh hồn của di tích, đâu là nét văn hóa chính cần bảo tồn để có những ứng xử cho phù hợp?

Chùa Trăm Gian: Khó về... nguyên trạng - 2

Gác khánh vừa được tự ý dựng mới

Theo ông Phạm Mai Hùng, những chữ khắc trên nóc của nhà Tổ cho thấy công trình được xây dựng mới từ thời Bảo Đại, cách đây chỉ vài chục năm. Trong khi đó, ngôi tam bảo của chùa mới là nơi lưu giữ nhiều tượng Phật cổ, là nét độc đáo của chùa Trăm Gian. Điều này cho thấy các hạng mục được hạ giải chưa phải là hạng mục quan trọng nhất.

Khá đông các bậc cao niên của xã Tiên Phương, bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi sẽ gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị không nên tháo dỡ toàn bộ những cấu kiện được làm mới. Bởi đây dẫu sao cũng là công sức, tiền của của nhân dân. Nên chăng chỉ bổ sung những cấu kiện còn sử dụng được để tỏ lòng tôn trọng văn hóa, lịch sử của tiền nhân để lại”.

Theo báo cáo sơ bộ ban đầu cho thấy, khoảng 30% cấu kiện kiến trúc đã bị hạ giải của 2 hạng mục gác Khánh và nhà Tổ có thể tái sử dụng để phục dựng lại các công trình trên. Số cấu kiện bị hư hỏng còn lại sẽ là những “dấu vết gốc”, làm cơ sở cho việc phục chế các cấu kiện thay thế.

Các bên có liên quan cùng các chuyên gia, cán bộ chuyên môn của Viện Bảo tồn di tích đã tiến hành thống kê, phân loại, chụp ảnh, đo đạc sơ bộ toàn bộ kết cấu kiên trúc còn 519 cấu kiện gỗ( không kể rui), 25 cấu kiện đá, khoảng 21.000 viên ngói lợp. Cấu kiện gỗ bao gồm cột, xà, hoành, đầu, nóc, câu đầu, kè, bẩy…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hòa Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN