Chưa thể giảm ngay giá xăng!

Theo thông tin từ các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu đầu mối, hiện DN lãi 500-600 đồng/lít với xăng A92, do giá xăng dầu thế giới giảm. Tuy nhiên thay vì giảm giá, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, các DN chỉ tăng trích hoa hồng cho đại lý.

Doanh nghiệp lãi 500 - 600 đồng/lít

Không tiết lộ cụ thể mức lãi thực tế hiện nay với các mặt hàng xăng dầu nhưng các DN đầu mối đều hé mở cho biết kinh doanh xăng dầu hiện nay đang có lợi nhuận.

Nếu tính bình quân 30 ngày thì DN cũng có lãi nhưng mức lợi nhuận không hẳn là cao. “Nếu chọn đúng thời điểm nhập, cộng các khoản phí, thuế 0%, mặt hàng xăng A92 DN lãi được vài trăm đồng”- Lãnh đạo một DN đầu mối xác nhận.

Theo thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá dầu thô trên thị trường thế giới tháng 4 biến động không nhiều, có giảm nhẹ so với tháng 3 nhưng vẫn ở mức trên 100 USD/thùng.

Tính bình quân và so với tháng 3, giá dầu thô ngọt nhẹ là 103,4 USD/thùng, giảm 2,77 USD/thùng.

Giá xăng A92 giảm từ mức 134,4 USD/thùng xuống mức trung bình trong tháng 4 là 131,3 USD/thùng, giảm 3,1 USD/thùng. Dầu hỏa, dầu DO và dầu FO giá đều giảm. Theo tính toán, các DN hiện đang lãi khoảng 500 - 600 đồng/lít xăng A92.

Chưa thể giảm ngay giá xăng! - 1

Doanh nghiệp đang lãi 500 - 600 đồng/lít xăng A92 nhưng chưa thể giảm giá vì mắc cơ chế. Ảnh: Thục Quyên

Trao đổi với PV, lãnh đạo một DN đầu mối ở TPHCM cho biết, do có lãi nên DN đầu mối xăng dầu đã tăng chiết khấu cho đại lý từ mức 200-250 đồng hồi giữa tháng 4 lên 400-550 đồng/lít, tùy mặt hàng.

Theo ông này, nghịch lý với thị trường xăng dầu là khi giá thế giới tăng mạnh, DN đầu mối bị lỗ nặng thì lượng hàng bán ra tăng vọt. Khi giá thế giới giảm, DN có lãi thì hàng nhập về lại ế.

“Việc điều hành giá xăng dầu cần phải theo kịp diễn biến thị trường. Nếu tính giá cơ sở thấy doanh nghiệp có lãi thì cơ quan chức năng nên áp thuế trở lại, tăng trích đóng góp quỹ bình ổn hoặc giảm giá bán trong nước. Việc điều hành cần kịp thời với thị trường đừng để tình trạng DN bị lỗ, còn khi có lãi thì bị báo chí, người dân bàn tán nhiều quá nhưng lại chưa thể giảm giá ngay được”- Ông này đề xuất.

Đại diện một DN xăng dầu lớn khác cũng cho rằng việc điều hành cần thực hiện theo đúng như quy định của Nghị định 84.

Thực tế, DN hiện lãi không nhiều mà phải tăng thù lao cho các đại lý để bù đắp chi phí trong thời gian kinh doanh lỗ vừa qua.

Theo ông này, có lỗ hổng hiện nay là các DN lớn, theo đúng quy định, phải luôn đảm bảo hàng tồn kho đủ 30 ngày.

Trong khi các DN nhỏ hơn khi giá thế giới tăng cao, bị lỗ thì họ giảm lượng hàng nhập để giảm lỗ. Khi giá thế giới giảm, bắt đầu có lãi thì họ nhập về rất nhiều.

Chưa giảm giá vì mắc cơ chế

Trao đổi với PV, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, có nhiều ý kiến thời gian qua cho rằng, giá xăng dầu trong nước tăng nhanh, giảm chậm, cũng như có ý kiến cho rằng quy định việc tính toán điều chỉnh giá xăng dầu 30 ngày là dài.

Về nguyên tắc, Bộ Công Thương chỉ phối hợp điều hành thị trường xăng dầu nhằm đảm bảo lưu thông trên thị trường phải ổn định. Chính phủ yêu cầu DN đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày để đảm bảo an ninh năng lượng.

Vì yêu cầu đảm bảo dự trữ 30 ngày nên cơ quan chức năng phải thiết kế, tính giá xăng dầu bình quân cho 30 ngày.

Vì vậy, không thể nhìn hiện tượng giá xăng dầu thế giới tăng là trong nước tăng ngay. Tương tự, khi giá xăng dầu thế giới giảm thì cũng không giảm ngay được.

Theo ông Quyền, thời gian qua, DN xăng dầu đầu mối không được tự động tăng giá, không được quyền tự định giá như quy định mà do Nhà nước điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Để điều hành, thời gian qua chúng ta phải căn cứ giá trung bình thế giới rồi từ đó sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu khi giá thế giới tăng, đưa hết các thuế nhập khẩu về 0%.

Để hạn chế giá xăng dầu trong nước tăng mạnh và hỗ trợ người dân, có những lúc đã phải trích sử dụng quỹ bình ổn tới 1.400 đồng/lít xăng dầu.

Việc này giúp giá xăng dầu trong nước thoát ly tác động tăng giá mạnh của giá xăng dầu thế giới. Ngay khi có điều kiện giảm giá trong nước thì cơ quan quản lý yêu cầu DN giảm giá bán.

“Về mặt điều hành, trong vòng 10 ngày, 20 ngày, 30 ngày tổ điều hành liên bộ có trao đổi thông tin, căn cứ vào giá của sàn giao dịch Singapore, căn cứ vào thuế, phí để xem xét việc cần tăng giảm giá xăng dầu ở mức nào để vừa có thể thực hiện được theo Nghị định 84 vừa đảm bảo ổn định vĩ mô”- Ông Quyền cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN