Chưa bồi thường oan sai cho ông Chấn vì "thiếu tài liệu"

Nói về vụ án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, tòa án đang chờ phần cung cấp tài liệu từ ông Chấn để chứng minh thiệt hại.

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và một số vụ án có dấu hiệu oan sai, tiếp tục được đưa ra mổ xẻ, làm rõ trách nhiệm tại phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13.3.

Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn về 5 vụ án nghi có dấu hiệu oan sai đang được quan tâm. Đó là các vụ tử hình với Hồ Duy Hải từ năm 2005; tử hình về tội giết người với Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng; vụ “kỳ án vườn mít” Lê Bá Mai; vụ Huỳnh Văn Nén...

Chưa bồi thường oan sai cho ông Chấn vì "thiếu tài liệu" - 1
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình.

Trong đó, với vụ án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn, đại biểu Đương nêu: “Vì sao ông Chấn kêu oan đã nhiều năm mà chỉ khi có người ra đầu thú, viện mới xem xét và ra kháng nghị đề nghị minh oan?”.

Cùng vấn đề oan sai này, với trách nhiệm của Bộ Công an, ông Đương muốn có câu trả lời về việc: “Có việc bức cung, áp dụng nhục hình với những người trên như tố cáo của họ hay không?”.

Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn: “Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn giờ giải quyết đến đâu? Nguyên nhân chậm trễ do đâu?”.

Đang thực hiện "quyết liệt" bồi thường ông Chấn

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, nhiều cơ quan tố tụng vẫn đang phối hợp để giải quyết các vụ án được quan tâm trên. “Mọi việc phải làm thận trọng để đảm bảo nếu oan thì kết luận là oan, nếu có tội thì kết quả cũng phải xác định rõ để không lọt tội phạm", ông Bình bày tỏ.

Về vụ án oán sai 10 năm Nguyễn Thanh Chấn, ông Trương Hòa Bình cho biết, Tòa án Nhân dân Tối cao cũng nhiều lần mời ông Chấn lên để giải quyết bồi thường. Trong đó, đề nghị ông Chấn cung cấp tài liệu theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước để tòa xem xét đền bù. Tuy nhiên, ông Chấn chưa cung cấp được.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, gia đình ông Chấn cho biết, đã có một số tài liệu nhưng đưa cho luật sư. Hiện tại, luật sư chưa cung cấp cho tòa. Sau đó, cán bộ Tòa án Tối cao trực tiếp liên lạc với luật sư của ông Chấn đề nghị cung cấp tài liệu để tòa án xem xét bồi thường.

Chánh án Trương Hòa Bình nói: “Như vậy có thể nói, việc giải quyết bồi thường ông Chấn, các cơ quan tố tụng làm hết sức quyết liệt, trách nhiệm”.

“Đến nay, chờ phần cung cấp tài liệu từ ông Chấn để chứng minh thiệt hại về vật chất, tinh thần, tòa án thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước”.

Có bức cung, nhục hình không?

Được mời nói về phần việc của cơ quan điều tra trong 5 vụ án trên, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, vừa qua, đúng là dư luận có nêu ra vấn đề bức cung, nhục hình, dẫn đến án oan sai.

“Thực tế, chúng tôi kiểm tra và có chuyện đó xảy ra, nhất là đối với công tác điều tra của cán bộ cấp huyện”, ông Vương cho hay.

Ví dụ như vụ ở Tuy Hòa (Phú Yên) đối với vụ án Ngô Thanh Kiều đã có bức cung nhục hình nên 4–5 cán bộ của cơ quan tư pháp Tuy Hòa bị xử lý.

Ông Lê Quý Vương cho hay, sau khi xảy ra vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, một số trường hợp gửi đơn thư kêu oan sai. Cả 5 vụ án trên đều xảy ra khá lâu, vụ ít nhất 6-7 năm, vụ nhiều nhất 16 năm (Huỳnh Văn Nén) từ 1998. Hiện nay Viện Kiểm sát Tối cao cùng với Tòa án Tối cao, Bộ Công an xem xét, đánh giá cụ thể, thận trọng quá trình điều tra, thu thập chứng cứ.

“Chuyện có bức cung nhục hình dẫn đến các đối tượng nhận tội hay không, cần xem xét cụ thể, đánh giá toàn diện mới phân tích rõ được”, Thượng tướng Vương bày tỏ.

Các đối tượng trong các vụ án trên đều có đơn gửi qua trại giam chuyển đến viện kiểm sát, tòa án. Riêng Bộ Công an nhận được đơn của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn năm 2013, sau đó chỉ đạo Công an Bắc Giang xem xét cùng với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để giải quyết kịp thời cho ông Chấn.

Qua xem xét 5 vụ này, vụ Nguyễn Thanh Chấn đã được xem xét và kết luận đó là “oan”.

Ông Vương cho rằng, để xảy ra oan sai trong các vụ án, bắt nguồn từ nguyên nhân chưa tập trung tôn trọng việc chứng minh khách quan. Thay vào đó, xem xét đánh giá chứng cứ, chủ yếu coi trọng lời khai - trọng cung hơn trọng chứng cứ. Trong khi đó, nguyên tắc là trọng chứng cứ, không dễ tin gì lời khai”.

“Còn tư tưởng thành tích, nôn nóng nên xảy ra bức cung, nhục hình", Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Dù đã hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày Cơ quan điều tra (Bộ Công an) tuyên bố ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội (1.2014) nhưng các vấn đề về việc bồi thường cho ông vẫn chưa được giải quyết.

Ngày 15.8.2014 ông Chấn có mặt tại trụ sở TAND Tối cao để xem xét đơn yêu cầu. Khi được hỏi ông đề nghị mức bồi thường là bao nhiêu, ông Chấn cho biết là khoảng gần 10 tỷ đồng.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN