Chủ tịch EVN lý giải việc dừng làm điện hạt nhân

Sự kiện: Ninh Thuận Thời sự

Nguyên nhân dừng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là do không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác và chưa cấp thiết như dự báo trước đây.

Đại biểu Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã thông tin như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào chiều nay (9-11).

Theo ông Thành, Chính phủ đã duyệt quy hoạch sơ đồ điện 7, trong điều chỉnh quy hoạch này thì không có nhà máy điện hạt nhân đến năm 2030, thay vào đó Chính phủ đã đưa ra nhiều nguồn cung ứng điện khác nhau.

Cũng theo ông Thành, tại thời điểm này nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước đây nên việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được về mặt kinh tế.

“Việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế. Cho nên trong quy hoạch sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh Thủ tướng không đưa nhà máy điện hạt nhân vào trong quy hoạch” - ông Thành lý giải.

Chủ tịch EVN lý giải việc dừng làm điện hạt nhân - 1

Chủ tịch HĐQT EVN Dương Quang Thành.

Cũng theo ông Thành, một nguyên nhân khác khiến Chính phủ đề xuất dừng dự án trên là nhu cầu về điện ở thời điểm hiện thấp hơn nhiều so với thời điểm trình dự án.

Cụ thể, theo các tính toán mới cho thấy giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 11%, giai đoạn 2021-2030 là 7%-8%, thấp hơn nhiều bối cảnh năm 2009 khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân.

Cụ thể, thời điểm trình dự án nhà máy điện hạt nhân, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nên nhu cầu tăng trưởng điện là 17%-20%, do đó Chính phủ lấy 22% là phương án điều hành để đảm bảo đủ điện.

“Nguồn năng lượng trong nước thì không đáp ứng được than, dầu khí, thủy điện; hơn nữa nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu tại thời điểm đó giá điện cao nên điện hạt nhân là phương án cạnh tranh” - ông Thành nói.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, vào chiều mai (10-11), Quốc hội sẽ nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Sáng 11-11, Quốc hội tiếp tục họp riêng, thảo luận tại tổ về nội dung này. Tới chiều 14-11, Quốc hội sẽ thảo luận riêng tại hội trường để quyết định dừng hay không dừng triển khai dự án này.

Được biết dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.

Dự án gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2009.

Theo dự kiến ban đầu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành trong năm 2020. Tuy nhiên, thời gian khởi công dự án đã được dời lại đến năm 2025.

Hiện tại, dự án đào tạo nguồn nhân lực được phê duyệt đầu tiên năm 2013 đã triển khai theo kế hoạch. Dự án đầu tư hạ tầng phục vụ thi công hai nhà máy điện hạt nhân bao gồm đường sá, giao thông, cấp nước, điện đã khởi công vào tháng 12-2014.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận; nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận.

Dự toán tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỉ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý IV-2008).

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Phú (Pháp Luật TPHCM)
Ninh Thuận Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN