Chống ngập cho Hà Nội khi mưa lớn: Trạm bơm nghìn tỷ tê liệt

Sự kiện: Tin ngắn

Được đầu tư gần 20.000 tỷ đồng nhưng hệ thống thoát nước Hà Nội hiện nay bị tê liệt trước các trận mưa bình thường, thậm chí hệ thống mương, cống tại dự án thoát nước giai đoạn 2 vừa đưa vào sử dụng đã trở nên quá tải.

Dự án thi công chậm

Về 2 trận mưa đầu mùa vừa qua, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước), đánh giá cả 2 trận mưa đều lớn và có cường độ mưa vượt năng lực của hệ thống thoát nước thành phố. Theo ông Sơn, hiện hệ thống thoát nước (gồm mương, cống, hồ điều hòa, trạm bơm…) chỉ đáp ứng tiêu thoát nhanh với các trận mưa có cường độ đến 50mm/2 giờ. Tuy nhiên, 2 trận mưa vừa qua đều có cường độ mưa vượt gấp nhiều lần công suất hệ thống thoát nước hiện có. Cụ thể, trận mưa ngày 23/5 có cường độ trung bình là 210mm; còn trận mưa chiều 29/5 có lượng mưa đạt 180mm. “Với cường độ này, đã vượt gấp hơn 3 lần năng lực của hệ thống tiêu thoát nước thành phố”, ông Sơn nói.

Đường phố ngập sâu, ô tô, xe máy không thể di chuyển, cư dân tại phố Mễ Trì lấy mô-tô nước ra đưa đón người thân

Đường phố ngập sâu, ô tô, xe máy không thể di chuyển, cư dân tại phố Mễ Trì lấy mô-tô nước ra đưa đón người thân

Đại diện Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, cùng với vận hành hết khả năng hệ thống thoát nước của thành phố, ngay khi có mưa, Cty đã triển khai 100% quân số ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý.

Về năng lực và công tác đầu tư cho hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng, 10 năm qua thành phố đã đầu tư, xây dựng xong dự án thoát nước cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 và bàn giao cho Cty quản lý, vận hành từ năm 2017 - 2018. Theo đó, với các quận nội thành, trừ khu vực phía Tây (Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…), hệ thống thoát nước đã được đầu tư đáp ứng cho các trận mưa có cường độ được tính toán là 310mm/2 ngày.

Người và xe “bơi” trên phố

Hai cơn mưa đầu mùa những ngày qua đều khiến hàng loạt tuyến phố Hà Nội ngập sâu trong nước. Riêng cơn mưa chiều 29/5 chỉ diễn ra có 2 giờ nhưng đã nhấn chìm hàng chục tuyến phố tại các quận nội thành, có khu vực bị nước ngập dâng cao quá yên xe máy và tràn vào nhà người dân. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trận mưa chiều 29/5 đã khiến hơn 50 tuyến phố tại trung tâm Hà Nội bị ngập từ 0,5 đến 1 mét.

Trước đó, cơn mưa ngày 23/5 cũng khiến hàng chục tuyến phố tại Hà Nội ngập nặng. Riêng các tuyến phố khu vực phía Tây như Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn và một số khu vực dân cư bên 2 tuyến đường này bị ngập nhiều ngày.

Với khu vực phía tây, việc thoát nước vẫn tự chảy là chính, nếu có các trận mưa trên 50mm thì sẽ vận hành các trạm bơm như Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Liên Mạc. Ở khu vực này, thành phố có dự án đầu tư, nâng công suất các trạm bơm hiện có lên gấp đôi công suất và đầu tư hệ thống kênh, mương dẫn nước. Tuy nhiên, thông tin về kết quả đầu tư, sử dụng, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, thi công chưa xong, do vậy khi mưa khu vực Cầu Giấy, Nam- Bắc Từ Liêm vẫn thoát nước chậm hơn các khu vực khác.

Trạm bơm nghìn tỷ gần như tê liệt

Phóng viên có mặt tại trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông) ngày 25/5. Trong khi các tuyến đường Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn và một số khu dân cư 2 bên đường đang bị ngập, nhưng nhà máy được đầu tư trên 4.700 tỷ đồng có mục tiêu hạ mực nước sông Nhuệ, giảm ngập cho một phần khu vực phía Tây Hà Nội lại nằm bất động, 10 tổ máy với công suất 120m3/s (lớn nhất Hà Nội) tại thời điểm phóng viên có mặt không hoạt động. Đại diện đơn vị quản lý nhà máy lý giải, nhà máy đã hoàn thành năm 2020 nhưng hiện kênh dẫn nước từ sông Nhuệ về nhà máy do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư thi công chưa xong, khiến mỗi lần hoạt động nhà máy chỉ vận hành từ 2 hoặc 3/10 tổ máy, sau đó hết nước lại dừng hoạt động. Tại các trạm bơm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Liên Mạc, thành phố đã có dự án nâng công suất bơm, xả lũ lên gấp đôi và tiến độ hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay các dự án này vẫn chưa được các sở, ngành có trách nhiệm gồm Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp, thoát nước và môi trường thành phố thi công, hoàn thành.

Chiều 30/5, thông tin với PV Tiền Phong về việc trạm bơm Yên Nghĩa đã xong nhưng kênh dẫn nước cho trạm bơm chưa xong, dẫn đến nhà máy nằm bất động trong mùa lũ hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội (chủ đầu tư), cho biết, nguyên nhân dẫn đến kênh dẫn nước chưa xong do vướng mặt bằng chưa giải phóng xong tại một số vị trí. Dẫn đến nước lũ chảy từ sông Nhuệ ra trạm bơm bị thu hẹp dòng. “Trong ngày hôm nay, Sở NN&PTNT đang làm văn bản gửi UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan trong đó có UBND quận Hà Đông đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng”, ông Mỹ nói.

Ngày 30/5, phóng viên liên lạc với cả Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực tại Sở Xây dựng, nhưng họ đều không nghe máy. Theo lãnh đạo UBND thành phố, hiện đã có dự án tăng cường cho hệ thống thoát nước trên toàn thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng.

Riêng với các dự án chống ngập thành phố đang đầu tư như trạm bơm Yên Nghĩa, bơm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Liên Lạc…, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành liên quan báo cáo và có giải pháp thi công hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu. Với trạm bơm Yên Nghĩa, chậm nhất tháng 12 năm nay, Sở NN&PTNT phải xong việc xây dựng kênh dẫn nước để trạm bơm hoạt động đủ công suất khi mưa lớn xảy ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội nhắc trận lụt kinh hoàng năm 2008 để chủ động phòng, chống thiên tai

Theo dự báo của thành phố Hà Nội, nếu chịu ảnh hưởng bởi siêu bão, mưa cường độ lớn, nhiều khu vực ở thành phố bị ngập sâu từ 1 - 3 mét dẫn đến nhiều địa bàn bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Trọng ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN