Chơi Tết với… "chúa tể bầu trời"

Đại bàng và chim ưng là loài động vật hoang dã, biểu tượng của sức mạnh, sự kiêu hùng với bản năng săn mồi điêu luyện và dũng mãnh nên được giới trẻ nhà giàu ở TP. Hồ Chí Minh ưa chuộng ví như "chúa tể bầu trời". Trong các thú vui chơi ngày Tết, họ luôn lấy "chúa tể" của mình ra để "so găng"...

Sưu tầm "chúa tể bầu trời"

Trào lưu chơi chim nở rộ nhất vào dịp Tết, nên nguồn cung cấp lúc nào cũng "cháy". Nếu muốn mua phải đặt cọc trước và chấp nhận cạnh tranh giá. Còn hơn một tháng nữa là đến mùa sinh sản của đại bàng, chim ưng, đó cũng là thời gian dân chơi chim ở TP. Hồ Chí Minh háo hức săn lùng.

Nguyễn Tiến Anh, chủ một quán cà phê ở quận 7 được mệnh danh là dân "anh chị" trong giới huấn luyện chim. Tiến Anh biết "chơi chim" từ khoảng 5 năm trước nên rất sành sỏi chuyện săn tìm. Mối cung cấp đại bàng và chim ưng của Tiến Anh nằm ở Bình Phước và Đắk Lắk. Cứ mùa về là họ đóng thùng và chuyển đi theo đường xe khách.

Chơi Tết với… "chúa tể bầu trời" - 1

Bộ móng vuốt và mỏ sắc như dao của đại bàng luôn phải có cao su bảo hộ để tránh gây nguy hiểm cho người chơi.

Mùa cao điểm, giá mỗi chú chim ưng non (1 đến 2 tuần tuổi) dao động từ 5 - 7 triệu vẫn không có bán. Nếu là loài chim rừng "nguyên bản" thì giá có thể lên tới vài chục hoặc hàng trăm triệu, các đại gia vẫn sẵn sàng chi tiền mua nhưng thực tế không có. Để có một chú đại bàng hay chim ưng nanh nỏ, hầm hố phụ thuộc vào tài huấn luyện của người chủ.

Tèo "con", một dân tay chơi cho biết: "Nếu không tính thời gian tập cho chúng bay, săn mồi ở ngoài trời, mỗi ngày phải dành 1-2 tiếng để chăm sóc và cho chim ăn. Riêng khoản tỉa tót lông lá, cắt móng, mài mỏ cũng mất vài tiếng nữa. Người nào phải thực sự đam mê mới chơi chim săn được, chứ kiểu học đòi mà không kiên trì, không có tình yêu thương với chúng thì chỉ được vài ngày là buông bỏ''.

Anh Trung Hiệp, làm nghề nhiếp ảnh tự do nhưng có máu chơi chim nên quyết tâm "tậu" cho bằng được hai chú đại bàng con. Do sợ chim cảm lạnh nên anh Hiệp cất kỹ trong lồng ở góc nhà, cẩn thận hơn, anh còn mặc áo, trùm mềm cho đại bàng. Được ba ngày thì một chú lăn đùng ra chết. Anh Hiệp hoang mang không hiểu lý do vì sao, trong khi anh "nâng như nâng trứng". Chưa kịp hoàn hồn thì ngày hôm sau chú chim còn lại chết nốt. Quá buồn rầu, chán nản, anh Hiệp gọi cho người bán chim mắng.

Sau khi trình bày quy trình chăm sóc chim, anh Hiệp bị người ta mắng lại như tát nước. Họ giải thích, do anh không mang chim ra phơi nắng hằng ngày khiến chim bị ngợp, thiếu ôxi. Tiếc nuối khoản tiền bỏ ra bao nhiêu anh Hiệp tự trách bản thân bấy nhiêu. Anh lại đi mua một cặp đại bàng mới để huấn luyện.

Lần này, anh đăng ký tham gia một khóa huấn luyện chim rồi về đọc thật kỹ hướng dẫn chăm sóc. Đến nay, hai chú đại bàng của anh đã được 3 tháng tuổi, đã trổ lông, mỏ, nanh vuốt đầy đủ và có thể bay lượn trên bầu trời. Cuối tuần là anh mang chim ra vùng cỏ hoang khu vực quận 2 huấn luyện. Anh Hiệp dự định Tết này sẽ mang chim ra "nghênh chiến".

Chơi Tết với… "chúa tể bầu trời" - 2

Huấn luyện đại bàng phải chọn nơi thông thoáng.

Một người bạn khác của anh Trung Hiệp là Quang "nhỏ" cũng lâm cảnh tương tự trong quá trình huấn luyện. Quang "nhỏ" tậu được chú chim ưng đã 1 tháng tuổi, tương đối cứng cáp, khỏe khoắn. Quang "nhỏ" huênh hoang mang chim đi khoe khắp nơi và hứa hẹn những cuộc so tài gay cấn với bậc đàn anh.

Sau một tuần tỉ mỉ chăm chút, chim ưng của Quang "nhỏ" đột ngột ngã bệnh, lông cánh ủ rũ, nước dãi xanh lè. Quang "nhỏ" chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì chú chim bị chết. Quang đau lòng không thể tả nổi, đi hỏi các bậc đàn anh xem vì sao lại thế. Vừa nghe Quang trình bày, Tiến Anh đã lắc đầu: "Là do em đã tắm cho chim, điều này hoàn toàn tối kỵ với loài chim ưng đang phát triển, nó sẽ bị nhiễm thương hàn, không thể cứu vãn".

Kỳ công huấn luyện

Để tìm hiểu thị trường tiêu thụ chim ưng, chúng tôi đã liên hệ với Tiến Thọ, một ông trùm trong giới săn chim ở Bình Phước. Câu đầu tiên Thọ khẳng định là, đại bàng hoang dã vô cùng hiếm và gần như không còn nữa. Bây giờ cũng chẳng ai dám vào rừng săn giống chim quý hiếm ấy.

Thọ hiện đang sở hữu một cặp đại bàng đẻ trứng mang dòng gen F1, gần nhất với đại bàng rừng xanh. Thọ cho biết, sau khi trứng nở thành đại bàng con sẽ tiến hành nuôi dưỡng, tầm hai tuần tuổi có thể bán được. Giống đại bàng của Thọ có đôi mắt rực sáng, móng vuốt và chiếc mỏ sắc như dao nhọn. Chúng sải cánh rộng, bay rất khỏe.

Tầm 3 tuổi nó có thể nặng gần 2kg. Số lượng chim đại bàng của Thọ chỉ bán để làm giống đẻ trứng rồi ấp nở, mối nào thân tình lắm Thọ mới bán huấn luyện. Thọ khẳng định: "Cánh lái buôn rêu rao chỗ này chỗ kia có đại bàng rừng chỉ là bốc phét, lừa lọc để kiếm tiền. Hầu hết dân chơi đại bàng đều phải nhờ tay buôn nên họ nói gì chẳng phải nghe".

Huấn luyện viên Tiến Anh cho biết, do là đại bàng ấp nở nhân tạo nên việc huấn luyện chim săn mồi được thuần thục là cả một quá trình khó khăn. Đầu tiên phải thực hiện việc ép cân nhằm làm nhẹ trọng lượng, giúp chim bay cao bay xa. Sau đó phải rèn cho chim bay trong lúc đói và trở về khi nghe tiếng huýt sáo của chủ nhân.

Khâu chăm sóc loài chim "vua" này cũng vào hàng đặc biệt. Thức ăn của đại bàng, chim ưng thường là thịt, đặc biệt là những loại thịt có xương như chim cút, bồ câu... Hạn chế tối đa các loại thức ăn có nhiều mỡ, đạm. Không được cho đại bàng ăn đồ lạnh hay đồ ôi thiu vì chim sẽ bị tiêu chảy, dễ suy nhược cơ thể. Nắm vững nguyên tắc ăn uống của chim sau đó mới tiến hành huấn luyện.   

Chơi Tết với… "chúa tể bầu trời" - 3

Thần thái đầy uy lực của loài chim này đã lôi cuốn giới trẻ nhà giàu. 

Có khoảng 12 món đồ cho một tay chơi chuyên nghiệp bao gồm: Găng tay da 3 lớp, bộ dây buộc chân, bộ chụp móng vuốt, mồi giả, cân điện tử, còi, thiết bị định vị GPRS giúp người chơi xác định được vị trí bay của đại bàng ở trên không, trong khi đang huấn luyện hoặc thả chim đi săn và phát tín hiệu cho chim bay về.

Sở dĩ trào lưu huấn luyện "chúa tể bầu trời" nở rộ mấy năm trở lại đây là bởi, đại bàng là loài động vật hoang dã, biểu tượng của sức mạnh, sự kiêu hùng với bản năng săn mồi điêu luyện và dũng mãnh nên chúng rất được giới trẻ nhà giàu ưa chuộng. Với đặc tính ấy, đại bàng được liệt vào một trong số những loại chim khó nuôi nhất.

Chỉ người có "vía" mới đủ khả năng thuần phục, huấn luyện được loài chim này tuân theo mệnh lệnh của mình và có khả năng săn mồi thuần thục. Để không mất tiền oan trong trò chơi này, huấn luyện viên Tiến Anh chia sẻ, người mới tập chơi nên mua những loại chim nhỏ như diều hâu trắng, chim cắt vì giá tương đối mềm mà lại dễ nuôi, lỡ chim có bệnh chết cũng không tiếc.

Mỗi "chúa tể bầu trời" đều mang một sứ mệnh oai hùng, thể hiện đẳng cấp của người chủ. Anh Trung Hiệp bật mí: Chú đại bàng nào có bộ móng vuốt sắc như dao, mỏ cứng như đá, mắt to đen dữ tợn cùng bộ lông cánh thật dài thì sẽ làm rạng danh ông chủ.

Trong các cuộc chơi, họ luôn lấy "chúa tể" của mình ra để "so găng". Những ngày Tết, là thời điểm các "chúa tể bầu trời" được thỏa thích bay lượn, đọ dáng ở khắp mọi nơi. Người ta có thể để chú đại bàng trên vai, trên đầu xe rồi lao vun vút ngoài phố. Cuộc chơi ngày Tết càng trở nên thú vị khi những chú chim ưng, đại bàng "có đất" tung cánh.

Cận cảnh đại bàng vàng Mông Cổ giá 10.000 USD (Kỳ cuối)

Một con đại bàng có nguồn gốc từ Mông Cổ nhập về Việt Nam có giá khoảng hơn 10.000 USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Thiện (Công an nhân dân)
Tết Dương lịch 2021 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN