Choáng váng chứng kiến rừng phòng hộ ở Quảng Bình "chảy máu"

Sự kiện: Thời sự Quảng Bình

Rừng Khe Nét thuộc địa phận huyện Tuyên Hóa, (tỉnh Quảng Bình), nơi đây từ lâu là một điểm nóng trong vấn đề khai thác gỗ lậu.

Bài 1: Ngược dòng khe nét, mục kích gỗ lậu

Để vào sông Khe Nét tìm gỗ lậu, phóng viên Infonet đã phải đi ngược theo con đường Quốc lộ 15 (nối thị trấn Đồng Lê - Tân Ấp). Đây là con đường độc đạo, nên người lạ ở ngoài vào vùng Khe Nét đều bị phát hiện. “Lâm tặc” hoạt động khai thác gỗ lậu trong rừng sâu rất công khai và việc đưa gỗ ra rất tinh vi.

Choáng váng chứng kiến rừng phòng hộ ở Quảng Bình "chảy máu" - 1

Những bãi gỗ hàng chục khối tập kết lộ liễu trong rừng

“Thiên đường” gỗ lậu

Sau một thời gian nắm bắt thông tin và địa bàn khu vực xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa), nhóm phóng viên Infonet quyết định làm chuyến đi thâm nhập vào rừng để tận mắt chứng kiến “lâm tặc” khai thác và vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng. 

Để có người hỗ trợ và dẫn đường, chúng tôi nhờ thêm một "thổ địa" tên S. cùng đi vào rừng để mục kích “dòng sông gỗ” Khe Nét.

Khoảng 5 giờ sáng một ngày đầu đông năm 2016, khi đất trời còn tối mịt, nhóm phóng viên bắt đầu khởi hành từ thị trấn Đồng Lê theo Quốc lộ 15 quanh co lên vùng Khe Nét. Cách đầu cầu Khe Nét không xa có một trạm Bảo vệ rừng nên chúng tôi quyết định chạy vòng lên đỉnh đèo rồi giấu xe máy vào bìa rừng, men theo con đường mòn tiến về hướng ngọn rừng.

S trước đây cũng là một “thợ rừng” chuyên đi khai thác gỗ lậu ở khu vực này nên khá thông thạo đường đi lối lại. Anh phải bỏ nghề sau một vụ tai nạn gỗ lao đè vào chân.

Để vào nơi “lâm tặc” tập kết gỗ ở vùng Đá Mài khá xa, chúng tôi phải lội qua 6 khúc suối quanh co.

Choáng váng chứng kiến rừng phòng hộ ở Quảng Bình "chảy máu" - 2

 Lán trại của “lâm tặc” dựng lên để phục vụ khai thác gỗ ở rừng Khe Nét

Năm nay mưa nhiều, có đoạn suối nước ngang ngực. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp 2 tốp người vào rừng, họ mang theo ba lô mà như lời anh S chia sẻ là để đựng thức ăn, nước và săm cao su. Săm cao su được bơm hơi sử dụng làm phao gắn vào bè gỗ, làm gỗ nổi trong nước để dể di chuyển.

Qua đoạn đường rừng chừng 7km, chúng tôi bắt gặp một bãi gỗ được vận chuyển tập kết ra sát mép suối. Tôi lấy điện thoại trong túi nilon (trước đó tôi bọc vào khi lội suối sợ bị ướt) ra để chụp thì S ra dấu không được chụp và thì thầm: “Giờ mà chụp hình là lộ, không ra được khỏi rừng đâu, lát nữa tha hồ mà chụp”.

Đi thêm chừng 2km nữa đến vùng Đá Mài, anh S chỉ lên một một quả đồi có dấu đường mới mở, nói: “Trên đây sắp có gỗ ra, có khói gần con suối nhỏ, chắc có người đấy”.

Mặc S can ngăn, tôi cũng trèo lên con đường dốc để xem họ khai thác hay vận chuyển gỗ như thế nào. Đến nơi, tôi thấy một bãi gỗ lớn đã tập kết, không thấy người, một ngôi lán tạm đang lên khói. Nhìn qua bên kia suối, chúng tôi thấy 3 người xuất hiện cùng 2 bó cây nứa to mới chặt về. “2 bó cây nứa làm thuyền phía trước để kéo các bê gỗ theo sau”, vẫn lời S.

Những "bê gỗ" sau khi khai thác xong, được “lâm tặc” vận chuyển tập kết lại một chỗ sát mép sông tiện lợi cho việc ghép thành bè mảng để theo dòng nước đưa ra khỏi rừng.

Nhóm “lâm tặc” kia có 3 người. Một người làm bè kết gỗ, 2 người bơm săm ô tô để lát nữa làm “cánh” phao trên lưng từng "bê gỗ". Xong việc, 2 người lên bãi tập kết gỗ dùng từng khúc gỗ nhỏ làm đòn bẩy di chuyển các "bê gỗ" xuống suối. Độ dốc cao, các bê gỗ lao thẳng ra giữa dòng, ở đó có người phía dưới đón và dùng dây thừng kéo lại kết với nhau.

Chứng kiến họ kết xong bè gỗ, chúng tôi vội vàng trở ra trước để đón lõng xem họ qua khỏi trạm kiểm soát như thế nào. Trên đường ra, chúng tôi thấy 2 tốp khác đang kết bè, và một bè gỗ nữa đang ra từ phía khe Trộ Nớ. Ra đến một bãi cát bồi, anh S nói rằng chờ ở đây, vì các bè gỗ ra đây đều dừng lại, đến tối mới được đi qua trạm.

“Gỗ qua sông Khe Nét rất nhiều, bởi rừng này rộng kéo dài từ thượng nguồn vùng Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hoặc từ vùng trên xã Hương Hóa giáp Hương Khê (Hà Tĩnh) về theo khe Trộ Nớ đều dừng ở lại đây. Quãng đường từ đây về đến trạm kiểm soát Khe Nét mất 30 phút đi đường sông. Gỗ quý đã chỉ còn ở rừng sâu, giờ chỉ còn gỗ táu với trường và các loại gỗ săng như vàng tâm, giẻ,...

Tại đây, một số “lâm tặc” tháo bè mảng ra dùng trâu kéo vận chuyển theo đường lên dốc Khe Nét rồi chuyển lên ô tô. Một số bè mảng khác thì chờ tối để qua trạm kiểm soát xong đi qua Quốc Lộ 15 chừng 150m thì tháo dùng trâu kéo về nhà hoặc bán cho các xưởng gỗ trên địa bàn thôn Kim Lịch hoặc tiếp tục chạy bè xuống thôn Kim Lũ” - anh S chia sẻ.

Mỗi ngày hàng chục m3 gỗ ra khỏi rừng?

Anh S kể: “Mùa này nước lớn dễ đi, “lâm tặc” kết gỗ làm bè to (bè nhỏ là bề rộng 1 cây hoặc 2 cây) làm 3 cây. Mỗi bè mảng ít nhất cũng từ 10-12 bê gỗ, còn thường thì có nhiều bè 20-30 bê gỗ cỡ 5-6 khối gỗ là bình thường.

Choáng váng chứng kiến rừng phòng hộ ở Quảng Bình "chảy máu" - 3

Gỗ nằm ven suối

Nhờ có con sông này mà việc đưa gỗ ra khỏi rừng cũng đỡ hơn kéo bằng trâu. Việc khai thác gỗ bằng trâu thì mùa mưa không khai thác được, còn ở đây thì không kể mưa gió gì hết, càng mưa thì nước sông càng to, nên việc khai thác càng nhiều.

Mỗi nhóm “lâm tặc” thường 4-5 người làm chung nhau, để cùng “hợp tác” chung bè kéo ra. Thời gian để một nhóm “lâm tặc” 4 người khai thác được một bè gỗ 5-6 khối phải mất 3 ngày khai thác, 1 ngày đưa trâu vào vận chuyển ra bãi tập kết, và một ngày đóng bè kéo ra khỏi rừng.

Lâm tặc” làm gỗ ở đây không chỉ là người địa phương trong xã mà còn ở các xã miền xuôi lên, bên huyện Bố Trạch (Quảng Bình) sang. Họ đến đây làm chung với anh em trên này thành từng nhóm để vào khai thác trong sâu. Gỗ rừng càng vào xa càng dễ làm và chất gỗ tốt hơn, nhưng vì người nhiều nơi nên khi ra thì các nhóm cũng hay báo cơ quan chức năng nên hay bị tịch thu hơn”.

Gỗ ra khỏi rừng đều phải đóng tiền “làm luật” hết, trước khi ra mình báo cho phía trạm bao nhiêu bê, rồi cứ mỗi bê 50 ngàn. Gỗ đã ra rồi thì mấy ngày sau nộp luật cũng được. Nếu bán cho đầu nậu gần đây thì “luật” đã có họ lo rồi. Nếu đầu nậu lo luật thì bán gỗ cũng bị ép giá nhiều hơn?

Ngoài “ làm luật” bằng tiền, thì nhiều bè phải nộp một ít bê gỗ cho trạm nữa, để họ làm thủ tục báo cáo. Loại gỗ “luật” nộp trạm để báo cáo là loại gỗ tạp nhất cho dễ khai thác và ít tốn công vận chuyển?”.

Đang ngồi trò chuyện, chúng tôi bắt gặp bè gỗ lúc trưa ra tới nơi, họ dừng lại chờ xẩm tối để qua trạm.

Ở đây có sóng điện thoại, một người trong số họ đang liên lạc điện thoại với nội dung thông báo tình hình và “xin” giờ ra.

Chúng tôi theo tốp này, và chờ ra theo họ.

Choáng váng chứng kiến rừng phòng hộ ở Quảng Bình "chảy máu" - 4

Một nhóm “lâm tặc” kết bè xong, chuẩn bị đưa ra khỏi rừng

Choáng váng chứng kiến rừng phòng hộ ở Quảng Bình "chảy máu" - 5

Những bè gỗ lậu về xuôi trên sông Khe Nét

5 giờ rưỡi chiều, họ bắt đầu ra, sông quanh co, lắm thác ghềnh và ghềnh khó khăn nhất là dốc Ma Láng, vì đá suối dựng đứng, độ cao lớn và chỉ có một khe hẹp để nước chảy qua. Bên dốc Ma Láng có một chòi canh của trạm kiểm soát, nhưng không có dấu hiệu của người ở đã nhiều tháng nay.

Qua dốc Ma Láng, cách Trạm liên ngành Khe Nét chừng 800m, một người lại tiếp tục dùng điện thoại liên hệ cho người trong trạm để thông báo bè gỗ đã ra tới nơi. Khi bè gỗ qua trạm, ngọn đèn sáng sát bờ sông của trạm bật để theo dõi bỗng vụt tắt, vài người trong trạm dùng đèn pin rọi kiểm tra quanh trạm. Dưới sông, nhóm “lâm tặc” xuống bè lội sông bè đẩy gỗ, không chèo bằng mái chèo để tránh tiếng động.

Đồng thời, bè gỗ đến vị trí đường lên trạm, một người rút dao chặt đứt dây kết 4 khúc gỗ phía cuối bè gỗ để lại xem như “nộp luật” cho trạm. Bè qua trạm, xuống phía dưới cầu Khe Nét chừng hơn 150m thì dừng lại, gỗ được tháo ra. Người nhà và trâu kéo đã chờ sẵn để chuyển gỗ lên bãi rồi kéo vào một xưởng cưa của anh Th. gần đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Infonet
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN