Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 6-2025
Từ tháng 6 này, nhiều chính sách mới về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; thanh tra; chế độ chính sách đối với chuyên gia cao cấp... sẽ có hiệu lực thi hành.
PLO trân trọng giới thiệu những chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 6-2025 dưới đây:
Hộ kinh doanh có doanh thu 1 tỉ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử
Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang nộp thuế theo phương pháp khoán thuế mà có mức doanh thu hằng năm từ 1 tỉ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Quy định này cũng áp dụng đối với trường hợp người bán hàng có sử dụng máy tính tiền, doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như: ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí...
Từ ngày 1-6-2025, không áp dụng phương pháp khoán thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Ảnh: QUANG HUY
Nghị định 70/2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2025.
Liên quan đến thuế khoán, khoản 6 Điều 10 Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, có nêu "hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1-1-2026; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế".
Trong đó, Luật Quản lý thuế hiện nay quy định cơ quan thuế xác định số tiền thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ.
Đã có Nghị định quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp
Nghị định 92/2025 quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp có hiệu lực từ ngày 15-6 đã quy định rõ về những chế độ, chính sách mà chuyên gia cao cấp được hưởng.
Theo đó, chuyên gia cao cấp là các cán bộ, công chức, viên chức hoặc người đã nghỉ hưu, người làm việc ngoài hệ thống chính trị có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm.
Về chế độ, đối với chuyên gia cao cấp là cán bộ công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở xuống hoặc không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 1, hệ số lương 8,80 của Bảng lương chuyên gia cao cấp ban hành kèm theo Nghị định 204/2004; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Trợ lý các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,0 đến 1,25 thì được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 2, hệ số lương 9,40 của Bảng lương chuyên gia cao cấp; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Thứ trưởng.
Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,30 trở lên được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 3, hệ số lương 10,0 của Bảng lương chuyên gia cao cấp; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Bộ trưởng.
Chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp là người đã nghỉ hưu, người làm việc ngoài hệ thống chính trị thì người đứng đầu cơ quan thỏa thuận với người dự kiến được tuyển chọn, bổ nhiệm làm chuyên gia cao cấp.
Mức tiền lương và chế độ, chính sách tùy từng trường hợp cụ thể trong phạm vi chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp là cán bộ, công chức, viên chức tối đa bằng mức áp dụng đối với trường hợp có hệ số chức vụ từ 1,3 trở lên (như đã nêu trên) trước khi trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm chuyên gia cao cấp để làm cơ sở ký hợp đồng công việc.
Bổ sung hình thức kỷ luật bãi nhiệm đối với cán bộ
Nghị định 93/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực từ ngày 15-6 tới đây.
Nghị định đã bổ sung hình thức kỷ luật bãi nhiệm áp dụng đối với cán bộ vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 19/2020. Đơn cử như vi phạm: Không kịp thời sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm; Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...
Ngoài ra Nghị định 93/2025 cũng bổ sung quy định về các trường hợp được xem xét để miễn trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, gồm: (1) Các trường hợp được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; (2) Vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức xuất phát từ lỗi của đối tượng vi phạm hành chính; (3) Người ban hành quyết định trong xử lý vi phạm hành chính tự kiểm tra, phát hiện có sai sót và đã thực hiện khắc phục sai sót theo quy định mà chưa gây ra hậu quả.
Chính thức có cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ Nghị định 109/2025 (có hiệu lực từ ngày 1-6) đã quy định về cơ cấu, tổ chức bộ máy của Thanh tra chính phủ sau khi thực hiện chủ trương tinh gọn hệ thống ngành thanh tra (không tổ chức thanh tra Bộ, thanh tra cấp huyện, thanh tra sở...). Theo đó, về số lượng Thanh tra Chính phủ sẽ có 22 Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc (tăng 3 đơn vị so với hiện hành). Tên gọi của các cục nghiệp vụ cũng có thay đổi để tương thích với lĩnh vực, địa bàn thanh tra. Ví dụ: Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực phía Bắc (Cục I), Miền Trung (Cục II) và Cục III là phía Nam; Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nội chính, nội vụ, dân tộc, tôn giáo (Cục V), lĩnh vực tài chính, ngân hàng (Cục VI), lĩnh vực xây dựng (Cục VII), lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (Cục VIII).... Trong số 22 Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc thì có hai đơn vị là: Báo Thanh tra và Trường Cán bộ thanh tra là các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ. 20 đơn vị còn lại là tổ chức hành chính, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước. |
Tháng 5 này, nhiều chính sách mới về thi tuyên công chức, viên chức; chế độ công tác phí, giáo dục... sẽ có hiệu lực thi hành.
Nguồn: [Link nguồn]
-28/05/2025 11:19 AM (GMT+7)