Chính phủ đề xuất thông qua Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với nhiều chính sách mới

Thẻ căn cước công dân có giá trị cung cấp thông tin, tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp để tạo thuận lợi cho người dân.

Sáng 17-3, tiếp tục phiên họp thứ 21, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Bốn nhóm chính sách

Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ CCCD, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử…

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật CCCD (sửa đổi) với bốn nhóm chính sách.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thứ nhất, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD. Thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD.

Thứ hai, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu CCCD.

Thứ ba, bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy, thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ CCCD và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội bổ sung dự án Luật CCCD (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).

Tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật CCCD.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị trong quá trình xây dựng dự án Luật cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn đối với các chính sách trong dự án Luật, nhất là đánh giá về nguồn lực thực hiện (kinh phí từ ngân sách nhà nước và chi phí từ phía người dân), lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG.

Ông Tùng đề nghị làm rõ phương thức thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ CCCD, bổ sung thông tin vào Cơ sở dữ liệu CCCD để không gây phiền hà cho người dân; rà soát các luật có liên quan bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Với các chính sách cụ thể, Thường trực Uỷ ban Pháp luật lưu ý việc đưa nhiều thông tin cá nhân vào thẻ CCCD dẫn đến tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có giải pháp chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong thẻ CCCD phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan đến yêu cầu quản lý, giao dịch cụ thể đó.

Do các thông tin được đề xuất tích hợp bổ sung vào thẻ CCCD đều là thông tin cá nhân, bí mật đời tư (như BHXH, BHYT, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp…) gắn với quyền con người, quyền công dân, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, thống nhất với các Bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để đưa ra giải pháp phù hợp, có tính khả thi.

Cân nhắc việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi

Liên quan đến đề xuất bổ sung quy định cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Quốc phòng, An ninh đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này.

Lý do trẻ dưới 14 tuổi đang trong giai đoạn phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt… nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác. Mặt khác, phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, đặc biệt là các giao dịch đòi hỏi thẻ CCCD cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ đại diện.

Ngoài ra, hồ sơ dự án Luật chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ CCCD của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ cho dù là theo yêu cầu tự nguyện nhưng vẫn phát sinh kinh phí sản xuất thẻ và chi phí khác cho công dân và cơ quan nhà nước nên gây tốn kém không nhỏ.

Mặt khác, khi xem xét, thông qua Luật CCCD năm 2014, vấn đề này đã được Chính phủ đề nghị nhưng qua thảo luận, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã quyết định chỉ cấp thẻ CCCD cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Liên quan đến đề nghị thay thế Giấy CMND vẫn còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng bằng thẻ CCCD, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành đề xuất này của Chính phủ.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bỏ Sổ hộ khẩu giấy, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá tác động kỹ về vấn đề này, làm rõ số lượng Giấy CMND đang còn thời hạn sử dụng theo quy định, chi phí phát sinh, tác động đối với người dân... để xác định lộ trình thay thế phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tránh gây xáo trộn, bức xúc cho công dân.

Hơn 31.000 người gốc Việt không xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam

Với đề xuất của Chính phủ bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch sinh sống tại Việt Nam, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cho rằng theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, người không quốc tịch (bao gồm cả người gốc Việt Nam không quốc tịch) thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam đã được xem xét cấp thẻ thường trú.

Do đó, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đề nghị không quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này để không dẫn đến trùng lặp, phát sinh thêm giấy tờ.

Còn theo Uỷ ban Pháp luật, hiện có hơn 31.100 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, trong đó nhiều người không có giấy tờ tùy thân, chưa được đăng ký cư trú.

“Đối với các trường hợp này, cần có biện pháp quản lý phù hợp, tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, hành chính, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Tuy nhiên, để có đầy đủ cơ sở xem xét, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này, cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề như căn cứ, tiêu chí để cấp giấy chứng nhận căn cước cho trường hợp trên.

Đồng thời làm rõ lý do chưa xác định được quốc tịch (theo đó cần cấp giấy chứng nhận căn cước) đối với 775 con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài vì theo Luật Quốc tịch, “trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam”.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Công an đề xuất thêm phần ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước công dân

Trong dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung thêm một số nhóm thông tin về sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỨC MINH ([Tên nguồn])
Thẻ căn cước công dân gắn chip Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN