Chỉ Chủ tịch nước có thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng

Ngày 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 21 với việc cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đối với dự án Luật Sửa đổi bổ sung Luật Sĩ quan quân đội, luật hiện hành chưa quy định phù hợp về thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng trong việc phong, thăng quân hàm cấp tướng. Cụ thể, theo luật hiện hành, Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phong thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc hải quân. Còn Thủ tướng có quyền bổ nhiệm Tư lệnh quân khu, Tư lệnh quân chủng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, và các chức vụ tương đương; phong, thăng quân hàm Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi, bổ sung nên quy định thẩm quyền này cho phù hợp với Hiến pháp đang được sửa đổi, bổ sung, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, chỉ có Chủ tịch nước mới có thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng. Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/9 cũng đã đề xuất ý kiến: “Thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng chỉ thuộc về Chủ tịch nước”.

Trước băn khoăn của Bộ Tư pháp khi đề nghị quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để sĩ quan được xét thăng quân hàm cao hơn một bậc cho chặt chẽ, ít nhất phải giữ được điều kiện “sĩ quan ở đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và có quá trình cống hiến xuất sắc”, Bộ Quốc phòng đã giải trình cụ thể như sau:

Khoản 3 Điều 15 của Luật Sĩ quan hiện hành quy định “Sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng theo quy định của Chính phủ hoặc sĩ quan ở đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và có quá trình cống hiến xuất sắc thì được thăng quân hàm cao hơn một bậc so với cấp bậc quân hàm cao nhất quy định tại khoản 1 điều này”.

Do việc xác định địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng và đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt khó thực hiện, gây nhiều tâm tư, thắc mắc trong đội ngũ sĩ quan nói riêng và giữa các địa phương nói chung, nên Bộ Quốc phòng đề nghị bỏ quy định này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Phong (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN