Chết khi cứu người đuối nước: Người đàn ông giàu tấm lòng

Nhận thi hài ông Sơn về lo hậu sự, cả gia đình dường như chết lặng. Ai cũng đau xót tiếc thương một người đàn ông giàu lòng nhân ái.

Chiều ngày 3/5 thi thể ông Trần Phong Sơn (52 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) đã được cơ quan chức năng bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Ông Sơn là người đã nhảy xuống kênh Bến Nghé (đoạn gần cầu Mống, phía quận 4) cứu anh Nguyễn Văn Tuấn (31 tuổi) vào sáng sớm cùng ngày khi anh này không may bị trượt chân xuống kênh.

Anh Sơn cứu người chết rồi!

Theo chị Hạnh vào khoảng 5h30 sáng nay, khi chị đang nhặt chai nhựa trên cầu Mống thì thấy anh Tuấn (người nhặt ve chai) đang khòm xuống bờ kênh Bến Nghé phía quận 4 để rửa tay. Đi được một đoạn nhìn xuống thì thấy anh Tuấn bị trượt chân đang ngụp lặn dưới nước nên chị hô hoán thông báo cho mọi người biết.

Chị Hạnh kể: “Lúc này, gần nơi anh Tuấn có khá nhiều người đứng tập thể dục, có cả người lớn tuổi và thanh niên nhưng không ai dám nhảy xuống cứu. Từ phía xa, tôi thấy ông Sơn tất tả chạy tới móc ví và điện thoại gửi cho một người đứng đó rồi lao mình xuống dòng kênh cứu người. Trên bờ ai nấy cũng lo lắng nhưng không thể giúp được, khi ông Sơn đến gần anh Tuấn thị bị anh Tuấn ôm lấy. Cả hai sau một hồi ngụp lặn trong dòng nước thì chìm hẳn”.

Chết khi cứu người đuối nước: Người đàn ông giàu tấm lòng - 1

Đoạn kênh nơi ông Sơn nhảy xuống cứu anh Tuấn khiến cả hai đuối nước

“Ban đầu chúng tôi tưởng ông Sơn lặn xuống dưới chân của anh Tuấn rồi đẩy vào bờ nhưng hồi lâu vẫn không thấy hai người nổi lên mặt nước. Biết có thể hai người đã bị chìm nhưng cũng không ai dám nhảy xuống”- một người dân sống gần đó kể lại.

Nhận được tin báo, lực lượng Cứu nạn Cứu hộ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM huy động hơn 10 người nhái đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân. Sau 2h thi thể hai nạn nhân lần lượt được tìm thấy và đưa lên bờ.

Một người bán cà phê gần cầu Mống cho biết: “Thằng Tuấn nó hiền lắm, hằng ngày nó phụ nhặt phế liệu cho một xưởng ve chai gần đó. Sáng nay, sau khi nhặt xong ve chai, nó ra bờ kênh rửa tay để vào ăn cơm thì không may bị trượt chân xuống đó”.

Bà Nguyễn Thị Kim Luông (46 tuổi, vợ ông Sơn) nói trong nước mắt: “Thông thường mỗi ngày anh Sơn dậy sớm đạp xe qua Công viên 23/9 (bên quận 1) để tập thể dục. Nhưng không hiểu sao hôm nay anh Sơn lại qua chỗ cầu Mống tập. Đến hơn 7h mà tôi vẫn chưa thấy anh về nên bảo con trai chạy xe đi tìm ba nhưng không thấy. Sau đó, tôi gọi điện vào số anh Sơn thì được đầu bên kia thông báo là “anh Sơn nhảy xuống kênh Bến Nghé cứu người nên đã chết”. Lúc đó, tôi như chết điếng, rụng rời cả tay chân”- bà Luông kể.

“Lúc gia đình tôi chạy ra kênh thì ba Sơn đã được đưa lên bờ. Trên mặt và cổ của ba bầm tím. Theo nhiều người tại đây nói lúc ba tôi bơi ra để cứu anh Tuấn thì anh Tuấn ôm vào cổ ba khiến cả hai bị chìm. Bình thường ba bơi rất giỏi và biết cách cứu người khi có sự cố đuối nước. Vậy mà... có lẽ do anh Tuấn quá nặng nên ba tôi không cứu được”- con trai út ông Sơn nói.

Một người giàu tấm lòng

Đôi mắt đỏ hoe con trai lớn của ông Sơn lặng lẽ ngồi bên cạnh linh cữu của cha, thỉnh thoảng lại giở khăn trên mặt cha nhìn trước khi khâm liệm rồi khóc nức nở. Phía trước nhà rất đông người thân bạn bè nghe ông Sơn gặp nạn đến chia buồn cùng gia đình.

Tất bật lo hậu sự cho ông Sơn, ông Nguyễn Văn Tâm hàng xóm của ông Sơn cho biết: “Anh Sơn là một người sống rất tốt bụng. Hằng ngày ngoài buổi sáng anh bán cà phê nước giải khát ở nhà, buổi chiều rảnh anh thường đi giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh neo đơn khó khăn trên địa bàn. Anh thường xuyên vận động mọi người trong xóm đóng góp tiền để cùng anh đi về các tỉnh An Giang, Bến Tre giúp trẻ em nghèo, hiếu học, gia đình neo đơn”.

Chết khi cứu người đuối nước: Người đàn ông giàu tấm lòng - 2

Vợ và hai con trai ông Sơn đau buồn trước sự ra đi đột ngột của ông

Anh Nguyễn Phương sống trong hẻm cùng nhà ông Sơn nói xen vào: “Có những trường hợp gia đình quá nghèo không có tiền mua quan tài, anh Sơn hỗ trợ tiền để gia đình lo hậu sự. Có lẽ vì anh tốt bụng và giúp người nên khi thấy anh Tuấn gặp nạn chới với trên dòng kênh anh Sơn đã nhảy xuống cứu mà không hề suy nghĩ gì”.

“Anh Sơn nghèo nhưng tốt bụng lắm. Khi ba tôi còn sống thường dắt anh Sơn đi chùa làm việc thiện. Sau đó, bố tôi mất thì anh Sơn “nối nghiệp”. Khi người ta báo là anh Sơn mất tôi không tin nhưng khi nghe lại anh ấy nhảy xuống kênh cứu người đuối nước thì… tôi mới tin là sự thật”- ông Trần Tấn Thành, em chú bác ruột với ông Sơn nói trong nấc nghẹn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN