"Chết đứng" trên đường vào cảng Cát Lái

Sự kiện: Thời sự

Vướng kẹt xe ai cũng ngán nhưng đến mức ám ảnh thì phải nói đến các cung đường ra vào cảng Cát Lái những ngày giáp Tết

Cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) chiếm 89% lượng hàng hóa khu vực phía Nam và 50% cả nước nhưng các tuyến đường xung quanh thường xuyên trong cảnh tắc nghẽn. Tình trạng này đang trở nên trầm trọng hơn khi lưu lượng phương tiện ngày càng gia tăng vào thời điểm giáp Tết, gây ra bao nỗi ám ảnh, kinh sợ.

Kẹt xe triền miên

Cửa ngõ ra vào cảng Cát Lái gồm 3 trục đường chính: Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống và Võ Chí Công. Kẹt xe là cảnh tượng triền miên xảy ra trên những tuyến đường này, có thời điểm kéo dài suốt từ sáng đến tối, thậm chí ngày này qua ngày khác. Bơ phờ, mệt mỏi, ngủ gục trước vô-lăng... là những hình ảnh thường thấy của không ít tài xế khi có những trận kẹt xe, họ phải mất cả ngày mới qua được đoạn đường vài cây số.

Một trong những nơi căng thẳng nhất về tình trạng kẹt xe tại khu vực trên phải kể đến vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) khi đây là nút giao của cả 3 tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống và Võ Chí Công. Nút giao này đang đồng mức và đã quá tải trầm trọng trước áp lực giao thông từ những tuyến đường nêu trên liên tục dồn đến. Giờ cao điểm giao nhận hàng trong khu cảng, dòng xe từ các hướng như châu đầu vào nhau tại đây, mắc kẹt trong sự hỗn loạn. Hướng lưu thông từ đường Võ Chí Công qua vòng xoay, lượng phương tiện rẽ trái qua đường Đồng Văn Cống để ra đại lộ Mai Chí Thọ khá lớn, khiến các hướng lưu thông trên trục Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái liên tục bị xung đột. 

Ghi nhận trên đường Võ Chí Công, cảnh tắc nghẽn chủ yếu xảy ra theo hướng từ cầu Phú Mỹ đến vòng xoay Mỹ Thủy do đoạn này phải gánh một lượng lớn phương tiện từ quận 7 vào cảng Cát Lái hoặc tới vòng xoay Phú Hữu. Tuyến đường này hẹp, trong khi đã bắt đầu xuống cấp khiến tình trạng kẹt xe càng trở nên căng thẳng.

"Chết đứng" trên đường vào cảng Cát Lái - 1

Đường Đồng Văn Cống - tuyến huyết mạch ra vào cảng Cát Lái - thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Ảnh: Gia Minh

Trong khi đó, đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định - những tuyến huyết mạch "gánh" các loại xe từ quận 9, Thủ Đức cùng nhiều khu cảng, khu công nghiệp trên địa bàn những quận này ra vào cảng Cát Lái, dẫn đến thường xuyên trong tình trạng quá tải. Nhiều thời điểm, kẹt xe ở 2 tuyến đường trên lan qua đại lộ Mai Chí Thọ, thậm chí cả xa lộ Hà Nội khiến cả trục đường gần như "tê liệt", điển hình là cảnh kẹt xe triền miên nhiều ngày tại khu vực trên vào cuối tháng 12-2017. Xe xếp kín mặt đường, kéo dài hàng cây số khiến hàng trăm phương tiện ở những tuyến đường nhánh cũng chịu cảnh "chôn chân", xi-nhan hàng giờ để chờ nhập chung làn.

Tài xế xe container Nguyễn Văn Lành cho biết hơn nửa tháng nay, anh lỗ nặng bởi vướng kẹt xe liên miên ở các cung đường ra vào cảng Cát Lái. "Chạy ít chuyến thù lao hạ, còn bị chủ cằn nhằn suốt" - anh Lành nói. Tuy nhiên, theo anh Lành, dù bị chủ doanh nghiệp cằn nhằn nhưng anh không trách họ bởi họ mới là người thiệt hại và thường xuyên phải ngồi trên đống lửa khi anh điện thoại báo kẹt xe đang diễn ra. Một thành viên của Hiệp hội Hàng hóa TP HCM cho rằng nếu các cung đường vào Cát Lái thông thoáng thì mỗi ngày có thể tiết kiệm đến cả chục tỉ đồng. "Nhắc đến đường vào Cát Lái, giờ tài xế, doanh nghiệp nào cũng ngán nhưng buộc phải chui đầu vào. Khổ hơn cả là cảnh "ngồi trên đống lửa" của nhiều tài xế, chủ hàng đông lạnh" - vị này chia sẻ.

Ai cũng thấy nguyên nhân…

Theo nhiều tài xế, vòng xoay Mỹ Thủy thường xuyên tắc nghẽn ngoài việc do lượng xe lưu thông qua rất lớn còn bởi nhiều phương tiện từ đường Võ Chí Công tới vòng xoay này không vào cảng Cát Lái mà rẽ trái qua đường Đồng Văn Cống để theo trục Mai Chí Thọ ra xa lộ Hà Nội. Do thường xuyên gây xung đột với các hướng lưu thông khác nên nhiều tài xế cho rằng cần tách hướng lưu thông từ tuyến đường này khi đến vòng xoay, chẳng hạn như cấm xe rẽ trái để qua đường Đồng Văn Cống. "Chỉ cho xe rẽ phải để vào cảng Cát Lái hoặc đi thẳng để tới vòng xoay Phú Hữu, theo đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây rồi rẽ ngược lại đại lộ Mai Chí Thọ để ra xa lộ Hà Nội. Hướng đi này xa hơn nhưng sẽ giảm sự dồn ứ và xung đột tại vòng xoay Mỹ Thủy" - tài xế Nguyễn Thanh Trà hiến kế.

Trong khi đó, trên đường Nguyễn Thị Định, dù là trục đường chính ra vào cảng Cát Lái, bến phà, khu dân cư Cát Lái nhưng lại khá hẹp và có nhiều điểm giao cắt. Chưa kể, để ra vào những khu vực trên, các loại xe không còn lựa chọn mà buộc phải lưu thông vào tuyến đường này. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên đường Đồng Văn Cống.

Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho rằng khu vực ra vào cảng Cát Lái hiện có 6 giao lộ, trong đó 5 giao lộ có chốt đèn tín hiệu giao thông, khoảng cách giữa các giao lộ quá gần nhau đã dẫn đến sự xung đột giữa các hướng lưu thông, nhất là khu vực ra vào cổng C và D của cảng Cát Lái. Mặt khác, do ảnh hưởng từ việc thi công nút giao thông Mỹ Thủy khiến mặt đường bị thu hẹp, dẫn đến các phương tiện lưu thông hướng từ Đồng Văn Cống, Vành đai 2 và từ hướng quận 7 qua đều dính chùm tại đây.

… nhưng vẫn loay hoay dứt điểm!

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tại khu vực trên, dù các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được cải thiện bởi hiện nhu cầu giao nhận hàng hóa cuối năm quá lớn, các phương tiện ra vào cảng Cát Lái nhiều. Trong khi đó, hạ tầng giao thông tại khu vực này chưa hoàn thiện và việc triển khai một số dự án chậm hơn so với kế hoạch, đã ảnh hưởng đến tình hình giao thông. Cụ thể như các dự án xây dựng cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt trên đường Vành đai 2 và hầm chui rẽ trái Vành đai 2 đi cảng Cát Lái cùng các tuyến đường lân cận như Vành đai 2, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ. Ngoài ra, đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cảng Phú Hữu kéo dài đến vòng xoay Vành đai 2) hiện cũng chưa được mở rộng khiến tình hình giao thông ở cả khu vực rất phức tạp.

Cũng theo ông Ngô Hải Đường, hiện tại, để kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực này, UBND TP HCM đã chỉ đạo thành lập một tổ liên ngành để giải quyết. Cụ thể là thành lập Group Viber, gồm các thành viên như PC67, Công an quận 2, Thanh tra giao thông... Đặc biệt, các đơn vị sẽ tiếp tục xử lý những trường hợp dừng đỗ sai quy định trên các tuyến đường ra vào cảng, đồng thời tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại khu vực nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy và đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống để xử lý, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.

Trước mắt, Sở GTVT TP sẽ phối hợp Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn lên phương án phân bổ lượng hàng hóa trong dịp Tết, tránh tập trung dồn hàng gây ùn tắc tại khu vực này. Cũng theo Sở GTVT, tại nút giao Mỹ Thủy, công trình hầm chui sẽ hoàn thành trong khoảng 2 tuần tới, còn công trình cầu vượt cũng thuộc dự án này dự kiến xong trước ngày 30-4. Ngoài ra, sắp tới, sẽ đưa nhánh hầm chui từ Vành đai 2 rẽ trái về cảng Cát Lái và nhánh cầu vượt từ cầu Phú Mỹ qua Vành đai 2 và ngược lại vào sử dụng. Những công trình này sẽ phần nào giải kẹt khi ra vào cảng Cát Lái.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng PC67, cho biết đơn vị đang triển khai xử lý theo từng cụm và trách nhiệm cụ thể cũng sẽ giao cho thủ trưởng đơn vị theo từng cụm đó. "Tại khu vực này, PC67 đã lập một kế hoạch khảo sát toàn bộ những yếu tố bất cập, có ảnh hưởng đến tình hình giao thông. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng các phương án như có thể cho một số khu vực có làn đường ưu tiên. Song song việc bảo đảm hoạt động trong cảng là vẫn đáp ứng sự thông thoáng trong việc đi lại ở các tuyến đường xung quanh. Đồng thời, PC67 đã có kiến nghị sử dụng các bãi đất trống xung quanh thành những "túi đựng" nhằm chủ động điều tiết các loại phương tiện vào những "túi đựng" khi có hiện tượng ùn ứ" - ông Phong nói. 

Phải phân rõ phân khúc cho từng cảng

Đại tá Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết hiện tại cảng Tân Cảng - Cát Lái thường xuyên cử lực lượng điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ hiện đại, làm thủ tục qua mạng để tránh ùn tắc hàng hóa. Tổng công ty cũng có chính sách về giá để điều tiết hàng hóa, giảm tập trung về cảng Cát Lái sang các cảng Cái Mép - Thị Vải, Hiệp Phước - Nhà Bè…

Về giải pháp lâu dài, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất trong quy hoạch cảng nên phân rõ phân khúc. Theo đó, cụm cảng Cát Lái phục vụ cho tàu 4 vạn tấn, chuyên phục vụ khối nội châu Á, tàu trên 7 vạn tấn về cảng Cái Mép - Thị Vải…

Ng.Ánh

Người đàn bà “điên” 10 năm cầm gậy chống tắc đường Thủ đô

Nhiều người gọi bà là “bà Tiến điên” đi lo việc thiên hạ, nhưng nhìn kết quả, ai cũng nể phục…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Minh - Thành Đồng (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN