Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Trại giam toàn tội phạm, có khi lại đào tạo đứa trẻ thành chuyên nghiệp hơn

Sự kiện: Thời sự

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng hệ thống pháp luật hiện hành đang có rất nhiều bất cập, cần phải được khắc phục bằng một đạo luật riêng, với nhiều quy định nhân văn.

Sáng 8-6, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phát biểu tại tổ đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho hay Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Công ước khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên phải có bộ luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

Ông Bình cho hay ASEAN chỉ còn 2 nước chưa có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, trong đó có Việt Nam.

Tư pháp chậm trễ là tư pháp bất công

“Mấy chục năm nay chúng ta chưa có luật này. Chúng ta đang có khoảng 10 đạo luật khác nhau đề cập đến việc này. Cách tiếp cận này cũng có ở nhiều quốc gia, nhưng người ta nhận thấy việc lấy hình phạt cho người lớn, quy trình tố tụng cho người lớn điều chỉnh một chút để áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả”- theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình.

Theo người đứng đầu ngành toà án, Bộ Tư pháp thời Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có sáng kiến lập pháp này nhưng vì nhiều lý do nên chưa làm được. Hiện Quốc hội giao cho TAND Tối cao xây dựng đạo luật này.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nói về sự cần thiết ban hành đạo luật này, Chánh án Nguyễn Hoà bình cho hay thế giới quan niệm trẻ em chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm cuộc sống chưa có, kiến thức pháp luật chưa có, bộ não chưa hình thành một cách đầy đủ.

Về mặt hành vi, khả năng kiểm soát các hành vi của trẻ kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí có lúc manh động.

“Các cháu nhiều khi muốn thử nghiệm một hành vi nào đó, với kiến thức pháp luật chưa đầy đủ, có thể dẫn đến phạm tội. Ở lớp cãi nhau một cái, lấy gậy đánh nhau, các cháu không ý thức được mình đang phạm tội. Hay như đua xe gây rối trật tự, vào siêu thị bốc cái nọ cái kia ăn mà không biết mình đang phạm tội trộm cắp”- theo Chánh án.

Mặt khác, theo Chánh án, do kiến thức pháp luật không có nên khi phạm tội đối mặt với hệ thống tư pháp của chúng ta nặng nề như vậy, các cháu dễ bị tổn thương.

“Điều một số cơ quan băn khoăn, chúng ta nhân văn quá với các cháu thì có phải thả tội phạm ra đường không?”- Chánh án Nguyễn Hoà Bình đặt vấn đề.

Theo ông, nhiều nước nghiên cứu nếu các cháu phạm tội cho vào trại luôn chỉ làm các cháu chai sạn với nhà tù, dễ tái phạm. Nhiều nước áp dụng biện pháp xử lý chuyển hưởng, với tinh thần cứu các cháu khỏi nhà tù, tỷ lệ phạm tội giảm khoảng 85%.

Người đứng đầu ngành toà án cũng đánh giá việc xử lý các cháu về mặt tư pháp phải sử dụng tới 10 đạo luật thì rất khó khăn cho các cơ quan tư pháp, do đó rất cần tích hợp vào một đạo luật riêng để xử lý chuyên biệt, “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”.

“Việc dự thảo Luật được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên hợp quốc”- Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh và cho hay rất nhiều yêu cầu tiến bộ trong đạo luật này, vừa nghiêm khắc để bảo đảm an toàn TTXH.

Cũng theo ông Bình, đạo luật quán triệt tinh thần với một số tội phạm như tội phạm xâm phạm nghiêm trọng về tính mạng như giết người, hay sản xuất ma tuý không được khoan hồng.…

Những chính sách nhân văn cũng được thể hiện trong đạo luật, như với các cháu không được tuyên tử hình, chung thân, mức án ít hơn nhiều so với người trưởng thành khi phạm cùng một tội danh, hay thời hạn điều tra với các cháu ngắn hơn so với người lớn.

“Mark có câu nói rất nổi tiếng: ‘Tư pháp chậm trễ là tư pháp bất công’. Đặt các cháu vào tình trạng kéo dài thời hạn điều tra 4 tháng, 4 tháng, lại 4 tháng như người lớn thì thực chất đã đặt các cháu vào tình trạng tâm lý rất căng thẳng”- ông Bình nói.

Ngoài ra, các cháu không được giam giữ như người lớn, phải có trại giam riêng.

“Trại giam toàn là tội phạm, đôi khi có tội phạm chuyên nghiệp. Vậy nên có khi lại đào tạo đứa trẻ đó thành chuyên nghiệp hơn”- ông Bình cho rằng việc tiếp cận với đối tượng phạm tội trong trại giam phải được cấm kị.

Chánh án TAND Tối cao cũng nhấn mạnh quyền của các cháu phải bảo đảm, bao gồm: quyền chơi, quyền thông tin, quyền học tập…

“Nếu trại giam không tổ chức được lớp học thì phải tổ chức học trực tuyến với các cơ sở bên cạnh, cũng thi cử để bảo đảm quyền học tập của các cháu”- vẫn lời ông Bình.

Hai vấn đề còn quan điểm khác nhau

Tại phiên thảo luận, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho hay quá trình thảo luận, có hai vấn đề Uỷ ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) còn băn khoăn, có quan điểm trái với Toà án.

Thứ nhất, về việc tách vụ án hình sự ra, Uỷ ban Tư pháp không đồng ý.

“Chúng tôi yêu cầu vụ án nếu có trẻ em thì phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau”- Chánh án cho biết.

Ông Bình cho biết nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra đối với các cháu phải theo người lớn, điều này đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài.

Đó là chưa kể cán bộ điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu của Luật này phải là những cán bộ có hiểu biết người chưa thành niên (về tâm lý, sinh lý), phải tiến hành các hoạt động xét hỏi trong môi trường thân thiện. Nếu gộp chung với người lớn, việc này không thực hiện được.

Chưa kể toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình phạm tội của các cháu phải công khai trong bản án cùng với người lớn. Trong khi trong đạo luật này quy định không được công khai.

“Thế giới cấm việc công khai hành vi phạm tội của các cháu vì người ta nghĩ đến phần đời còn lại rất dài của các cháu. Nếu bị công khai trên truyền thông, trên mạng, các cháu sẽ mặc cảm khi bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại của các cháu sẽ không tốt, rất mong manh. Vì vậy, thông tin về hành vi phạm tội của các cháu phải được bảo mật”- Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.

Người đứng đầu ngành toà án cũng nói tới tác động tâm lý với các cháu trong các vụ án. Trong luật đang cấm tiếp xúc giữa người phạm tội, nạn nhân, người làm chứng.

“Tội phạm chuyên nghiệp ra toà nhìn thấy các cháu, chỉ cần trừng mắt là tâm lý các cháu bị ảnh hưởng, lời khai có thể không chính xác, có khi nhận tội thay vì sợ quá”- ông Bình nói.

Ông Bình cho hay Uỷ ban Tư pháp không đồng ý nội dung này, do quan ngại các cháu phải ra toà hai lần. Lần 1 ra toà với tư cách bị can trong vụ án, lần 2 ra toà với tư cách người làm chứng.

“Việc này chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được”- theo Chánh án.

Lý giải, ông Nguyễn Hoà Bình cho rằng lời khai của các cháu ở phiên toà độc lập được xem như lời khai đã được thẩm định công khai, được sử dụng trước phiên toà với người lớn, các cháu không cần thiết phải ra toà lần nữa.

Chưa kể, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể lấy lời khai trước của các cháu và công bố trước toà. Công nghệ thông tin hiện nay cho phép tổ chức phiên toà trực tuyến, các cháu không phải ra toà, không phải đối mặt với ai cả.

Một nội dung khác, Uỷ ban Tư pháp ủng hộ nhưng báo cáo thẩm tra lại nêu nhiều về ý kiến không ủng hộ việc phải quy định trong đạo luật này cả hình phạt và tố tụng.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình đánh giá hệ thống hình phạt hiện nay với các cháu không hợp lý, rất bất cập, quá nặng với các cháu vị thành niên phạm tội. Theo ông, chúng ta thiếu rất nhiều các biện pháp tư pháp thế giới đang áp dụng.

“Các cháu phạm tội, ngay lập tức bắt tạm giam đưa vào trại, đó là câu chuyện hiện nay. Nhưng dự thảo cho phép bắt, kiểm soát tại nhà bằng các biện pháp tư pháp chuyển hướng, kiểm soát bằng các thiết bị điện tử, không cho ra ngoài”- ông Bình cho rằng việc đánh nhau, ăn cắp vặt trong siêu thị…. hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam.

“Hệ thống pháp luật hiện hành đang có rất nhiều bất cập, cần phải được khắc phục bằng một đạo luật riêng, với nhiều quy định nhân văn”- ông Nguyễn Hoà Bình mong các ĐBQH ủng hộ.

“Chúng tôi đi dự nhiều hội thảo quốc tế, đưa bản dự thảo này cho các thẩm phán, giáo sư đại học, công tố viên của một số nước châu Âu, châu Úc. Họ đánh giá cao, thậm chí cho rằng có một số quy định còn tiến bộ hơn châu Âu”- ông Nguyễn Hoà Bình cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng Toà án phục vụ Nhân dân là phải bảo đảm công lý, phán xử cho đúng, tuân thủ đúng pháp luật chứ không phải là đi thu thập chứng cứ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN