Chàng sinh viên nuôi người bại liệt

Khu nhà trọ ở khu Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, Bình Định) lâu nay lặng lẽ bỗng dưng thay đổi kỳ lạ.

Những thay đổi trong xóm trọ ấy bắt đầu từ sự lan tỏa câu chuyện về chàng sinh viên nghèo năm năm nuôi một người hàng xóm bị liệt toàn thân. Đó là Hồ Công Danh (sinh viên năm 1 Trường ĐH Quy Nhơn) và người đàn ông 32 tuổi bị liệt là Nguyễn Thanh Tùng.

May mà có Danh

Anh Tùng nhớ chính xác ngày mình bất ngờ bị té khi trèo hái vú sữa ở độ cao gần 10m. Một luồng tê lạnh chạy buốt sống lưng, rồi không thể tự gượng dậy được. Sau bao nhiêu cố gắng chạy chữa, bác sĩ kết luận: liệt vĩnh viễn. Cánh cửa cuộc đời như đóng sập lại với chàng trai mới 25 tuổi đang khỏe mạnh, siêng năng, chuẩn bị lên xe hoa xây cuộc sống mới. Từ phần cổ xuống tứ chi không còn cử động được, chích không biết đau nhưng tâm hồn đang phơi phới tuổi thanh xuân ấy vẫn còn đủ minh mẫn để giằng xé nỗi đau bế tắc.

Choáng váng với tai nạn của con trai và liên tiếp hai người con lớn bỗng dưng bị tâm thần, người cha nghèo khổ già yếu không còn đủ sức chống chọi với hoàn cảnh đã đột quỵ sau hơn nửa năm lo chạy chữa cho con. Nỗi đau chồng lên nỗi đau rồi dồn lên đôi vai người mẹ già, hai năm sau bà cũng kiệt sức rồi đi theo ông.

Chàng sinh viên nuôi người bại liệt - 1

Danh và chú Tùng trong căn phòng trọ

Vết lở trên thân thể ngày càng nhiều do hoại tử, Tùng cần bàn tay chăm sóc, cần rửa vết thương, cần ăn uống, làm vệ sinh, cần gãi khi ngứa... công việc thường nhật tưởng chừng đơn giản ấy anh không thể tự làm được. Người dân trong xóm nghèo ở Phú Nam Đông (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) ai cũng xót xa, họ đến thăm nom, tặng tiền, tặng gạo rồi về. Họ còn cuộc sống riêng phải lo... Trong nỗi đau cùng cực, Tùng quyết từ hôn người vợ chưa cưới rồi lặng lẽ tuyệt thực mong giảm gánh nặng cho đời... “Nếu lúc đó Danh không xuất hiện, có lẽ tôi đã chết lâu rồi” - Tùng nhớ lại.

Danh là đứa trẻ ở gần nhà Tùng. Một lần tình cờ đến nhà thấy Tùng nằm một mình, cơn sốt làm môi tím ngắt, răng đánh bần bật. “Cháu lấy khăn nhúng nước ấm lau hạ sốt. Sau cơn nóng lạnh mê man, chú Tùng tỉnh lại nhìn cháu cười. Chú ấy vui tính lại hiền, cháu chưa thấy ai cười hiền như vậy” - Danh kể. Sau lần ấy, hình ảnh chú Tùng lúc nào cũng ám ảnh. Lỡ chú ấy sốt cao, lỡ không có ai tới..., bao nhiêu suy nghĩ cứ đeo bám tâm hồn cậu học sinh lớp 10 còn non nớt. Danh đến chăm sóc theo mách bảo của nỗi lo, dần thành quen, không ngày nào vắng mặt.

“Ông bụt” có... sổ hộ nghèo

“Ngày nào hắn cũng đến lo cho tui, tui la mô hắn vẫn cứ làm”. Tùng phản đối nhưng Danh lủi thủi làm tất cả những gì một người bệnh cần làm. “Chăm sóc người bị bại liệt hoàn toàn không chỉ có tấm lòng yêu thương. Rất nhiều người thân, vợ chồng, tình mẫu tử chỉ quan tâm được một thời gian rồi bỏ. Một người liệt phải 2-3 người chăm, không chỉ rành về y tế mà còn phải tập vận động, matxa để người bệnh không bị tắc mạch... Chăm sóc cho bệnh nhân khỏe mạnh trong một thời gian dài không chán nản và có tình người như Danh là điều kỳ diệu, hiếm gặp” - một bác sĩ khoa thần kinh cột sống chia sẻ.

Từ ngày có Danh, giường nằm của Tùng không còn mùi hôi, vết lở ít hơn và những cơn sốt cũng thưa dần. Những con đường mòn xóm nhỏ không còn xa lạ với hình ảnh xe kéo do Danh kéo Tùng đi dạo mát; hình ảnh Danh đạp xe hơn 8km mua về một bao tải đầy bông gạc, vải mùng, nước muối, thuốc chống sốt, chống viêm rồi về cắt may thành từng tấm để dành thay băng... Đó là những lúc có tiền ai đó cho, Danh vội mua để dành sử dụng. Chuyện hết tiền phải ăn cháo trắng nhiều ngày hai chú cháu đã quen nhưng không có băng thay, thuốc uống một ngày là không thể.

Nhớ lại lần đi xa Tùng lâu nhất là lúc Danh ôn thi ĐH ở Đà Nẵng. Cứ hai ngày Danh phải bắt xe đò về làm vệ sinh, nhờ hàng xóm cho ăn rồi bắt xe đò ra học. Đi về như con thoi, Danh không ngại, chỉ có Tùng muốn chết vì sợ ảnh hưởng việc học của Danh. Nhưng làm sao để chết được thì Tùng bất lực. Tuyệt thực đến ngày thứ bảy ngất xỉu thì được đưa đi cấp cứu, lại sống. Lần ấy, Danh khẩn khoản: “Chú phải sống để mừng cháu đậu ĐH chứ!”, Tùng mới chịu ăn. Để chăm lo cho Tùng, Danh quyết định ở nhà tự học ôn.

Gia đình Danh có sổ hộ nghèo, cha tật nguyền lại có hai chị gái đang học ĐH, cuộc sống chỉ nhờ vào gánh rau quả mẹ bán ở chợ. Mùa thi 2012, Danh trúng tuyển vào ngành điện kỹ thuật Trường ĐH Quy Nhơn, ba chị em cùng vào ĐH là quá sức cho người mẹ quê. Mừng đã đành nhưng lo cũng không ít. “Không có tiền thì làm thêm sẽ có nhưng nếu không làm vệ sinh ba ngày là chú Tùng không sống được. Mình có khả năng làm được thì không thể nhìn chú ấy chết” - Danh nghĩ.

Để chăm sóc được chỉ còn cách đưa chú ấy đi cùng mình. Làng Phú Nam Đông một lần nữa lại xôn xao. Người ta nghẹn ngào và ái ngại cho quyết định của Danh. Cha mẹ lo lắng việc học của con, hai chị gái đều là sinh viên năm 4 đã biết chuyện ăn ở, học hành khó khăn đến mức nào khuyên em suy nghĩ kỹ. Danh xin cha mẹ cho mình tự quyết định. Tùng lại tuyệt thực cương quyết không chịu đi vì muốn Danh thảnh thơi lo việc học, Danh nói thẳng: “Chú có chuyện gì con vào trường cũng không học được, chú có muốn nhìn con đi học thành đạt không?”. Hai chú cháu ôm nhau khóc.

Gói ghém ít tiền lẻ cùng 4 triệu đồng cầm cố hai sào ruộng cha mẹ để lại làm chi phí cho cuộc sống của mình, Tùng vào Quy Nhơn “nhập học” với Danh, nơi hai chú cháu chưa bao giờ đặt chân đến. Căn phòng trọ thuê giá 1,2 triệu đồng/tháng. Danh bỏ ra một ngày dọn dẹp rồi thiết kế quạt, bóng điện và vòi dẫn nước uống vào miệng để Tùng tự sinh hoạt mỗi khi cậu đi vắng. “Tạm thời ở trường chỉ học một buổi, còn một buổi ở nhà làm vệ sinh cho chú Tùng. Nếu phải học hai buổi thì chuyển làm ban đêm, cứ đảm bảo 24 giờ phải làm một lần, để lâu sẽ bị sốt ngay” - Danh tâm sự. Bà chủ trọ cám cảnh giảm cho họ 200.000 đồng/tháng. Cả khu nhà trọ nhìn hai con người lạ lẫm, cứ tự hỏi: “Sao lại có người tốt đến kỳ lạ vậy?”. Mấy người bạn sinh viên cùng trang lứa tò mò hỏi Danh có vất vả không khi thấy cậu đóng kín cửa phòng hơn hai giờ mỗi sáng để làm vệ sinh, Danh cười thật tươi: “Tớ thấy bình thường”.

Gần tám năm nằm một chỗ, Tùng sống chỉn chu trong sự bình thường ấy. Cơ thể nặng khoảng 25kg thoi thóp với cuộc đời nhưng nghị lực và lòng yêu thương thì ngày càng lớn hơn qua hình ảnh một người trẻ hơn 13 tuổi hằng ngày chăm sóc cho mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Đăng (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN