Cắt điện, nước để cưỡng chế: "Không lẽ lại bất lực như vậy?"

Sự kiện: Thời sự

Đại biểu cho là việc cắt điện, nước nếu được bổ sung vào Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ dễ bị lạm dụng, gây hậu quả lớn cho cá nhân, tổ chức và là quy định trái luật.

Sáng 18-6, sau khi biểu quyết thông qua một Nghị quyết liên quan tới EVIPA và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi có nhiều đại biểu tán thành quy định “ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước” như một biện pháp cưỡng chế với chủ thể vi phạm hành chính, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, môi trường… thì nhiều đại biểu lại phản ứng mạnh đề xuất bổ sung này.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói biện pháp cắt điện, nước để cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính là không nhân văn. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói biện pháp cắt điện, nước để cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính là không nhân văn. Ảnh: QH

Đại biểu Đỗ Ngọc Thinh, đoàn Khánh Hòa cho rằng điện, nước là một loại dịch vụ, được đảm bảo bằng hợp đồng. Pháp luật phải tôn trọng và bảo vệ hợp đồng đó chứ không nên tạo ra công cụ hành chính can thiệp, cản trở dịch vụ, cho dù là với mục đích xử lý vi phạm hành chính.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ninh Thuận, nói: “Cắt điện, nước là thể hiện sự bất lực của lực lượng chức năng. Khi anh xử phạt người ta không chấp hành thì anh lại đi cắt điện, nước. Đây là giải pháp không có tính nhân văn. Nắng nóng 39, 40 độ mà cắt điện người ta là không nên tí nào”.

“Nếu chấp nhận quy định này thì khéo phải quy định hợp đồng điện, nước phải Quốc hội phê duyệt, chứ không còn là thỏa thuận dân sự thông thường” - ông Cương nói.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: nếu quy định cắt điện, nước vào luật để xử lý vi phạm hành chính thì sẽ dễ bị lạm dụng, vì đây là biện pháp dễ áp dụng. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: nếu quy định cắt điện, nước vào luật để xử lý vi phạm hành chính thì sẽ dễ bị lạm dụng, vì đây là biện pháp dễ áp dụng. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng không đồng tình với việc bổ sung quy định này vào Luật Xử lý vi phạm hành chính.

“Cắt điện, nước thế thì công quyền rất yếu kém, bất lực và pháp luật thì không nghiêm. Một bộ máy hành chính được đào tạo bài bản, có đủ công cụ và thẩm quyền, với tận 23 biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được thì là sao?” - đại biểu Cầu băn khoăn.

Ông cũng cho rằng biện pháp này mà được bổ sung vào luật thì sẽ rất dễ bị lạm dụng, và sẽ gây hậu quả rất lớn cho chủ thể vi phạm hành chính.

“Một trại lợn, vi phạm môi trường một tí, mà bị cắt điện, nước thì cả trại lợn bị ảnh hưởng. Một nhà máy bia đang khắc phục sai phạm về môi trường mà anh cắt điện nước đi thì người ta khắc phục thế nào. Các cơ quan nhà nước mà vậy thì không ổn” - ông nêu.

Công tác trong ngành công an, ông Cầu cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết, đến cả trại giam còn phải đảm bảo. “Lấy quyền lực nhà nước can thiệp vào quyền dân sự của dân là không nên. Không lẽ chúng ta lại bất lực đến mức như vậy?” - ông Cầu nói.

Bên cạnh các ý kiến phản đối, một số đại biểu còn chỉ ra tính bất cập, thiếu hợp lý của biện pháp vốn chỉ mang tính bổ sung này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói: “Nhà tôi 5 khẩu. Cá nhân tôi vi phạm hành chính thì sao lại cắt điện, nước của cả vợ, con tôi?”.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đà Nẵng mổ xẻ: Bằng biện pháp hành chính này, Nhà nước can thiệp vào quyền, lợi ích của người sử dụng điện vì cho rằng họ vi phạm. Thế quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ vốn muốn bán hàng, thu tiền thì ai bảo vệ?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, An Giang, nói thẳng: “Tôi không ủng hộ việc cắt điện, nước. Mà kể cả đưa vào luật như vậy, doanh nghiệp, người dân tự sản xuất điện thì có cắt được họ không?"

“Dùng một quyết định hành chính để cắt điện, nước, thì tôi nói thật quyết định sẽ rất dễ bị kiện. Trừ trường hợp “ép” tòa phải xử, còn thì Nhà nước sẽ thua. Biện pháp này là trái luật...” - ông Bộ nói.

Ông Bộ vừa dứt lời, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu liền nói: Không ai ép tòa xử đâu. Nếu có ép, tòa cũng không nghe, vì không đúng pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc hội chính thức cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ

Với đa số đại biểu tán thành, chiều 17/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó quy định...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chân Luận - Đức Minh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN