Cảnh giác với trung tâm môi giới nhà trọ
Năm nào cũng vậy, nắm bắt nhu cầu của tân sinh viên (SV) lên thủ đô nhập học, nhiều trung tâm môi giới nhà trọ (TTMGNT) lại thi nhau mọc lên. Với đủ chiêu trò, nhiều trung tâm “ma” đã khiến không ít kẻ trọ phải chịu cảnh mất tiền oan...
Người trọ lãnh đủ...
Theo tìm hiểu, chiêu thức quen thuộc được các TTMGNT sử dụng là dán tờ quảng cáo lên tường, đăng thông tin trên mạng (tại các trang rao vặt, quảng cáo miễn phí). Vì nhu cầu tìm nhà tại một số thời điểm khó, hoặc do chưa hiểu biết, nên nhiều người vẫn tìm đến “cò”. Trên thực tế, qua “cò”, nhiều người cũng tìm được căn nhà trọ ưng ý sau khi mất một khoản phí nhất định. Tuy nhiên, không ít người lại bị sập bẫy các “cò” xấu để rồi tiền mất, nơi trọ không tìm được và lại mua bực vào thân.
Lần theo quảng cáo: “Cho thuê nhà theo yêu cầu, đủ loại giá; riêng chủ; giá điện, nước theo hộ gia đình, có Internet”, chúng tôi tìm đến số nhà 34, ngõ 124 Khương Trung. Khi đến, chúng tôi mới té ngửa, vì đây là TTMG chứ không phải chủ nhà. Theo thỏa thuận, chúng tôi phải mất 100.000 đồng cho “cò” để được dẫn đi, còn sau khi thuê được nhà, chúng tôi phải mất thêm 50% tiền của một tháng trọ cho trung tâm.
Một trung tâm môi giới nhà trọ trên phố Hạ Đình
Nơi đầu tiên chúng tôi được đưa đến là một phòng trọ cấp 4 nằm sâu trong ngõ Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân) với giá 1.000.000 đồng/tháng, nhưng phòng chỉ rộng chừng 10m2, cửa ra vào chỉ vừa... một người đi, trần lợp bằng xốp, thủng lỗ chỗ, vữa trát trên tường bở vỡ lem nhem... Không hài lòng, chúng tôi yêu cầu “cò” dẫn đi nhà khác, nhưng bị “cò” từ chối vì đã hết trách nhiệm. Phải nói quá, “cò” này mới dẫn đến một khu khác, nhưng cũng không khá hơn...
Còn Tâm, SV năm thứ 4, Trường ĐH Phương Đông - vẫn chưa quên một “vố” đau. Sau những khoản phí lằng nhằng, cuối cùng Tâm cũng được “cò” chỉ đến ngõ 34, phố Quan Nhân, với lời giới thiệu: “Ở đây tiện nghi lắm, nhà tự quản, mà giá chỉ 800.000 đồng, chủ nhà lại rất tốt... Nếu có vấn đề gì trong vòng nửa năm, cứ quay lại, TT sẽ giải quyết”. Tuy nhiên, mới ở chưa đầy 2 tháng, Tâm đã ngớ người vì “chủ trọ” chỉ là người trông hộ phòng khi chủ đi vắng, nên đã tận dụng cho sinh viên thuê. Nay chủ nhà về nên phải trả. Vậy là số tiền đóng trước mấy tháng của Tâm coi như mất trắng vì “chủ trọ” đã... lặn mất tăm. Tìm trở lại TT thì TT cũng... bốc hơi.
Nhiều cảnh ngộ khác, người thuê trọ qua TT gặp phải: Tới NT bị hét giá cao hơn ban đầu, bị “cò” dẫn đi lòng vòng, khiến cho khách thấy nản mà bỏ cuộc...
...khó xử lý trung tâm “ma”
Những sai phạm và phiền nhiễu mà các TTMGNT gây ra rất dễ nhận thấy, song việc xử lý các đối tượng này lại không hề dễ dàng. Bởi phần lớn các TT đều không có giấy phép kinh doanh, thường hoạt động chui, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Cơ sở hoạt động của TT thường đơn sơ: Chỉ một, hai chiếc bàn với vài nhân viên đặt tại một góc nhà thuê lại và mạng lưới “chân rết” xe ôm, các TT này trực tiếp làm việc với khách, khi được họ tìm đến. Nơi tập trung đông nhất các TTMGNT là khu vực các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân... nơi đông người lao động và SV cư trú.
Vào năm học mới, các trung tâm mới giới nhà trọ mọc lên như nấm
Việc địa bàn hoạt động của các TT không cố định, nên đã gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan chức năng. Theo đại úy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng Công an phường Thượng Đình - hễ thấy công an đi kiểm tra, các đối tượng này lại “giải tán” văn phòng, khi lực lượng chức năng đi khỏi, lại hoạt động như thường.
Theo ông Hùng, các tân SV nên tìm hiểu thật kỹ thông tin, thận trọng khi liên hệ với TT, để tránh rủi ro. Còn theo ông Ngô Văn Minh - Trưởng phòng Công tác HS-SV, Trung tâm hỗ trợ HS-SV (ĐHQG Hà Nội) - “các tân SV nên thông qua người quen, hoặc các tổ chức tình nguyện để tìm hiểu về NT. Hiện các trường đều có một bộ phận SV tình nguyện lo nhiệm vụ này. Nếu không, SV có thể liên hệ với Ban trường học của Thành đoàn HN để được tư vấn, sẽ rất thiết thực”.