Cảnh báo sau sự cố sập cầu Ghềnh: Những tài công tài tử

Không có bằng cấp, chứng chỉ lái tàu và sà lan những tài công vẫn ngày đêm điều khiển sà lan hàng trăm tấn lướt sóng trên sông. Vì kế sinh nhai, họ bất chấp tính mạng và luật lệ…

Cảnh báo sau sự cố sập cầu Ghềnh: Những tài công tài tử - 1

Sà lan đã được lưu thông qua cầu Ghềnh với tải trọng được kiểm sát.

Lái bằng… kinh nghiệm

Những “vết thương” vẫn còn hằn lên dầm cầu đường bộ Hóa An nối Đồng Nai với Quốc lộ 1K sau cú tông mạnh của sà lan LA-05400 vào cuối năm 2015. Sau khi ăn nhậu no say, Nguyễn Văn Lường, 35 tuổi, tài công không bằng lái được chủ tàu giao điều khiển tàu LA 0660H kéo theo sà lan từ sông Đồng Nai về Long An. Không phán đoán được vị trí dầm cầu, Lường phi thẳng sà lan vào trụ cầu số 10 khiến dầm cầu Hoá An vỡ 7m bê tông, lòi cốt thép, thiệt hại hàng tỷ đồng. Lường khai mình chỉ là thuyền viên giúp việc nhưng thường xuyên được “nâng cấp” thành tài công cầm lái. “Đi phụ tàu riết thành quen, lái được nên chủ giao cho lái”- Lường thừa nhận.

ông Nguyễn Văn U. quê ở Long An, tài công của chiếc sà lan 50 tấn cho biết: “Tui là tài công có bằng lái đàng hoàng, còn thuyền viên là… vợ tui”. Cả hai vợ chồng và một đứa con nhỏ bấy lâu nay lấy chiếc tàu làm nhà và cũng là phương tiện mưu sinh của gia đình. “Thợ máy à! Cũng là tui luôn, máy hư nặng thì neo lại sửa, hư nhẹ thì vợ cầm lái, tui sửa”. Ông U. cho hay, tài công nhiều người phụ việc, quen dần rồi cầm lái. Có đứa một chữ bẻ đôi không biết, nhưng rồi cũng có bằng.

Cây cầu Cái Tâm ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM sau nửa năm sửa chữa mới đưa vào sử dụng. Mấy tháng nay, ông Nguyễn Văn Long, 56 tuổi ở cạnh cây cầu muốn sang phía bên kia thăm con phải lên xuồng để qua sông vì cuối năm ngoái, tài công Trần Văn Trung, ngụ quận 4 điều khiển tàu kéo lai đẩy sà lan mang số hiệu LA 03761 chở gần 1 nghìn tấn cát đâm trực diện vào trụ gây sập toàn bộ cầu xuống sông. Không chỉ tài công điều khiển tàu đi sai luồng, người này sau đó khai nhận không có chứng chỉ và bằng lái tàu cũng như sà lan.

Gần 15 năm làm nghề, lái tàu kéo chạy ngược xuôi từ miền Tây lên sông Sài Gòn, ông Nguyễn Thi, 54 tuổi ở Tiền Giang cho biết, hú họa lắm mới bị công an “hỏi thăm” bằng lái tàu. “Ông già tui làm tài công từ khi tui mới lên 10 tuổi. Tui theo ông già mấy chục năm rong ruổi trên sông nước rồi thạo lái tàu, lai dắt sà lan. Mấy bữa trước mọi người bảo đi học lấy bằng nhưng thời gian đâu”- ông Thi chia sẻ. Người đàn ông này nói, bây giờ tàu bè và sà lan giăng như mắc cửi trên sông nhưng trong số đó có mấy ai có bằng.

Coi thường luật pháp

Dọc hành trình đi từ sông Sài Gòn lên Đồng Nai, ông Phan Thế Thượng, 62 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM, vừa là chủ tàu vừa là thuyền trưởng. Dù biết tài công Giang không có bằng lái nhưng vẫn giao cho lái tàu. Lời khai của ông Thượng với công an cho thấy, không chỉ người cầm lái liều lĩnh mà chủ tàu cũng hết sức vô trách nhiệm, coi thường luật pháp. “Giang và Lẹ xin làm từ ngày 18/2, cả hai không có bằng lái. Tôi nói phải có bằng, tạm thời chưa có bằng thì chỉ đi theo học việc. Đến khi Giang có bằng lái tôi mới giao lái”- ông Thượng khai. Vậy nhưng, sau đó, ông Thượng vẫn giao tàu cho Giang điều khiển, Lẹ lái phụ để rồi cả hai đã gây nên vụ tai nạn sập cầu.

Theo trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TPHCM, trong năm 2015, trong 6 vụ tàu thuyền, sà lan đâm vào cầu thì cây cầu Bình Lợi ở quận Bình Thạnh chịu 3 vụ. “Qua thống kê các vụ tai nạn nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện. Người lái tàu không tính toán được dòng nước chảy, độ nước dâng lên, thời gian di chuyển, độ rộng của khoang thông thuyền của cầu”- ông Mẫn nói và cho biết hầu hết người điều khiển phương tiện chưa có bằng hoặc chứng chỉ liên quan. Theo ông Mẫn, thời gian qua, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người lái phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn và đã xử lý hàng chục vụ việc liên quan đến chủ tàu không bằng cấp, tài công lái “chui”.

Thượng tá Ứng Doãn Thùy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định, từ trước đến nay ngành đều xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không có sự buông lỏng đối với bất cứ đối tượng nào. “Có thể do mức xử phạt trên đường thủy chưa đủ mạnh, nhiều chủ tàu, tài công vẫn cố tình vi phạm nên không xử lý được triệt để các trường hợp vi phạm”- ông Thùy nói. Còn theo ông Nguyễn Phan Trong, Phó chánh thanh tra Sở GT-VT Đồng Nai, đơn vị đã xử lý rốt ráo những ghe tàu neo đậu sai vị trí. Từ đầu năm đến nay, đã xử phạt tổng cộng 32 trường hợp vi phạm, trong đó sà lan, ghe tải tái vi phạm nhiều lần. “Chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp người điều khiển không có bằng thuyền trưởng, thiếu thuyền viên giám sát kỹ thuật”- ông Trong cho hay. Các cơ quan chức năng đều cho rằng đã kiểm tra xử phạt nhiều, nhưng khi những vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng xảy ra thì đều là những vụ người điều khiển phương tiện không có giấy phép.

Một lãnh đạo Cục đường thủy nội địa phía Nam cho rằng, tập quán thói quen cũ của người dân vùng sông nước cũng chính là lý do dẫn đến thực trạng tai nạn đường thủy tăng mạnh trong thời gian qua. “Tại nhiều vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, có những gia đình cha truyền con nối ba, bốn thế hệ lái đò, lái sà lan. Quanh năm suốt tháng họ gắn với sông nước, coi như cái nghề mưu sinh từ xa xưa nên chả cần chứng chỉ, học bằng lái”- người này nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Thắng - Văn Minh - Lê Nguyễn (Tiền Phong)
Sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN