Bộ trưởng Y tế giải thích việc bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình
“Đối với người dân như chúng tôi thì việc mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình rất tốn kém, nên tôi không đồng ý với quy định như vậy. Bộ trưởng trả lời như nào về điều này?”
Đó là câu hỏi của người dân gửi đến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong Chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời", phát sóng trên VTV ngày 12.4.
Quyền lợi người dân tăng
Một người dân hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế: Theo Luật BHYT sửa đổi mới có hiệu lực, khi tham gia BHYT bắt buộc, người dân phải tham gia theo hình thức hộ gia đình. Từ trước đến nay, tôi có thể chỉ mua cho mình, nhưng đến nay phải mua cho cả nhà. Đối với người dân như chúng tôi thì việc này rất tốn kém, nên tôi không đồng ý với quy định bắt buộc mua như vậy. Bộ trưởng trả lời như nào về điều này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là kinh nghiệm của các nước đã từng trải qua để tiến tới BHYT toàn dân, khi họ có điều kiện kinh tế, xã hội tương đương như nước ta hiện nay.
Khi tham gia theo hộ gia đình, quyền lợi được tăng lên. Hiện nay, mệnh giá BHYT là 621.000 đồng cho người đầu tiên nhưng mức phí đóng với người thứ hai, thứ ba… sẽ được giảm đi chỉ còn tương ứng là 80%, 70%... đến người thứ năm thì chỉ phải đóng 40% mệnh giá hiện hành. Như vậy, càng nhiều người tham gia thì giá của thẻ bảo hiểm càng giảm.
Ngoài ra, một số đối tượng như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi… đã được Nhà nước mua thẻ hoàn toàn và trả hết chi phí theo quy định của bảo hiểm. Đối tượng khác được trả 80% chi phí khám chữa bệnh.
Tôi cho rằng, với mệnh giá càng giảm khi càng nhiều người tham gia mà lại được chi phí như vậy, đó là quyền lợi cơ bản khi tham gia.
Cũng phải nói rằng Việt Nam cũng là một trong số những nước có gói dịch vụ BHYT mà người dân được hưởng vào loại cao nhất. Ví dụ như một số nước trong cùng khu vực, với mệnh giá tham gia BHYT từ 80-120 USD trong khi Việt Nam chỉ khoảng 30USD.
Tuy nhiên, các nước chỉ cho người bị bệnh ung thư được điều trị với 4 loại thuốc, nhưng người bệnh ở Việt Nam được điều trị với 10 loại thuốc ung thư, cả chạy thân nhân tạo và một số kỹ thuật cao với mức khoảng 40 triệu đồng/lần điều trị. Khi người dân tham gia BHYT trên 5 năm thì được quyền lợi cao hơn nữa.
Theo lộ trình, trong thời gian tới, giá dịch vụ tiến tới tính đúng, tính đủ thì rõ ràng tham gia BHYT đem lại quyền lợi rất nhiều cho người dân; đồng thời, sẽ tránh rủi ro cho người dân, đặc biệt là những người đang bị bị bệnh.
Luật BHYT có hiệu lực từ 1.1.2015, nghĩa là đã đi vào cuộc sống 3 tháng, khi triển khai Bộ có gặp khó khăn gì, việc triển khai tại các địa phương có gì vướng mắc?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Khó khăn thứ nhất là do công tác tuyên truyền chưa rộng, chưa sâu, chưa hiệu quả nên người dân chưa thấy hết những quyền lợi khi tham gia BHYT.
Hơn nữa, một số địa phương vẫn quan niệm BHYT là công tác của riêng ngành Y tế và bảo hiểm xã hội nhưng chỉ khi có sự tham gia tích cực hơn nữa của các địa phương trong công tác tuyên truyền cũng như kêu gọi nguồn lực hỗ trợ cho đối tượng người cận nghèo hay các hộ nông dân với mức sống trung bình thì BHYT toàn dân mới được thực hiện hiệu quả.
Cam kết giảm tải không chạy theo thành tích
Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục trả lời câu hỏi của độc giả về giảm tải bệnh viện.
Một độc giả hỏi Bộ trưởng Y tế: Chúng tôi được biết, đến nay đã có hơn 40 bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện thuộc Sở Y tế TP. HCM đã ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Khi nghe tin này, người dân như chúng tôi cảm thấy rất vui mừng.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo ngại liệu các cơ sở y tế có vì chạy theo thành tích mà ký cam kết, rồi đẩy cái khó về phía bệnh nhân. Bởi trên thực tế có khá nhiều bệnh viện trong số này vẫn đang quá tải trầm trọng?.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc ký cam kết này không phải chạy theo thành tích. Bởi lẽ, các bệnh viện đều có sự thống nhất, bàn bạc kỹ lưỡng giữa lãnh đạo và các khoa phòng rồi mới ký cam kết.
Bên cạnh đó, số giường của các bệnh viện đã tăng lên trong thời gian qua, hoặc xây thêm các tòa nhà trong bệnh viện, xây dựng cơ sở mới…
Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã triển khai mạng lưới 45 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh nhận chuyển giao các kỹ thuật cao và đào tạo cán bộ. Có những bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được một số kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, chấn thương chỉnh hình, điều trị ung thư…
Chúng tôi nghĩ rằng, họ phải có thực lực mới dám cam kết, không phải chạy theo thành tích.
Tại sao một số bệnh viện lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình… vốn thường xuyên quá tải và xảy ra tình trạng nằm ghép thì lại không ký cam kết này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi cho rằng đòi hỏi này của người dân là đúng. Sở dĩ các bệnh viện trên chưa ký cam kết không nằm ghép bởi cơ sở rất chật hẹp, số giường bệnh không tăng.
Thời gian tới, bệnh viện Bạch Mai sẽ hoàn thành xây dựng tòa nhà 19 tầng, còn bệnh viện Chợ Rẫy sẽ khánh thành Trung tâm Ung bướu. Đây sẽ là cơ sở để các bệnh viện giảm tải, không nằm ghép.
Ngoài ra, qua chương trình, Bộ trưởng mong muốn tuyên truyền cho người dân biết rằng ở những bệnh viện này, có quá tải thật nhưng đôi khi cũng có quá tải "ảo".
Theo khảo sát độc lập của Bộ Y tế, khoảng 30-60% bệnh nhân điều trị ở những bệnh viện tuyến cuối hoàn toàn có thể được điều trị tốt ở tuyến dưới và thời gian nằm viện có thể rút ngắn.
Bởi quy trình khám chữa bệnh đến khi đạt hiệu quả thì phải ra viện, tránh nằm lâu dễ bị nhiễm trùng và không hiệu quả về mặt kinh tế cho chính người dân và cho bệnh viện.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!