Bộ trưởng Tài chính nói về đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh, sửa thuế thu nhập cá nhân

Các đại biểu Quốc hội đề nghị sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân bởi chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện nay nhiều bất cập, thiếu công bằng.

Ngày 25-5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với báo chí vấn đề sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nội dung này cũng được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập sáng cùng ngày, kiến nghị sớm sửa đổi chính sách liên quan thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Phạm Thắng

Theo Bộ trưởng Tài chính, trong chương trình làm luật của Quốc hội tới đây có kế hoạch sửa 6 luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân. Hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị và thực hiện.

Trong quá trình sửa luật, cơ quan chủ trì sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến tất cả đối tượng và các tổ chức, cá nhân, sau đó ban soạn thảo đưa ra qua nhiều vòng thẩm định để sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với thu nhập thực tế của người dân. Luật phải phù hợp thực tiễn và tạo động lực cho sự phát triển.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay dự kiến trong nhiệm kỳ này, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi.

Còn theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, trong bối cảnh dịch gây ảnh hưởng nhiều mặt, thu nhập người dân không cao, cần duy trì một mức thu thuế để đảm bảo công bằng xã hội. Hiện kinh tế đã dần phục hồi, thu nhập tăng lên nên cần xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh, còn ngưỡng đóng thuế 11 triệu đồng có thể chấp nhận.

Trước đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã đề cập đến những bất cập trong chính sách về thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã duy trì từ tháng 7-2020.

Bà Mai cho rằng mức giảm trừ gia cảnh này đã không còn phù hợp so với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Thực tế, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ trong các lĩnh vực đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên. Cuộc sống khó khăn của người dân sống tại các khu đô thị hay phải thuê trọ, khi tiền điện, tiền nước và giá cả hàng hóa đều tăng. Bên cạnh đó, gia đình có con em đi học cũng phải gánh thêm nhiều chi phí.

"Ước tính chi phí đã tăng 20 đến 30% từ sau dịch COVID-19 do giá cả hàng hóa, tiêu dùng tăng trong khi mức thu nhập không tăng, thậm chí giảm. Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản" - bà Mai nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định thuế thu nhập cá nhân được coi là công cụ giúp điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua việc giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những người thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, việc quy định 7 bậc thuế như hiện nay chưa bảo đảm phù hợp thực tế. Việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn.

Bà Mai kiến nghị sớm sửa chính sách thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động và chính sách thuế bắt kịp kinh tế-xã hội.

Trước đó, khi thẩm tra báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô. Chính phủ cũng cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại biểu đề xuất đưa giá điện vào diện bình ổn, Bộ trưởng 'xin chưa tiếp thu'

Trong khi các đại biểu đề nghị đưa giá điện vào danh mục bình ổn giá, thì Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, quy định sửa đổi Nhà nước định giá điện sẽ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.H.Thanh - Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN