Bộ trưởng Tài chính: Nợ công cao, áp lực trả nợ đang rất lớn

Sự kiện: Thời sự

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công cao và áp lực trả nợ đang rất lớn khi trả lời chất vấn sáng 16/11.

Bộ trưởng Tài chính: Nợ công cao, áp lực trả nợ đang rất lớn - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn

Sáng 16/11, Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người đầu tiên đăng đàn. Ông được đánh giá là một người khá dày dạn kinh nghiệm trên nghị trường.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn: "Qua báo cáo triển khai thực hiện nhiệm vụ KTXH 2017 cho thấy, nợ công là mối quan tâm lớn của cử tri. Nợ công đã sát trần cho phép, rủi ro lớn. Do KTXH còn nhiều khó khăn, tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP giảm chưa đạt mục tiêu đề ra trong khi đó Chính phủ vẫn thực hiện đàm phán ký kết khoản vay mới? Điều này ảnh hưởng thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công? Bộ trưởng cho biết giải pháp quản lý rủi ro?".

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng chất vấn Tư lệnh ngành tài chính về vấn đề này.

"Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong thời gian vừa qua. Năm 2017, ngành tài chính đã kiểm soát chi chặt chẽ hơn, kéo giảm bội chi ngân sách, nợ công từ 63,6% còn 62,6%. Tuy nhiên, nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100 nghìn tỷ, đến 2017 đã lên tới 250 nghìn tỷ tỷ đồng. Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, Bộ trưởng có giải pháp cụ thể thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển?", ĐB Trần Hoàng Ngân chất vấn.

Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong bối cảnh nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, chúng ta cần có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an toàn nợ công.

Bộ Tài chính đã tổng kết đánh giá, báo cáo các cấp có thẩm quyền, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công bền vững.

"Chúng tôi đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 – 2020, đã giới hạn chỉ tiêu an toàn nợ công, theo đó trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54%", Bộ trưởng Dũng thông tin.

Cùng với đó, ông cho biết sẽ xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi, như kế hoạch đã báo cáo thì năm nay bội chi là 3,5%, năm 2018 là 3,7%, năm 2019 sẽ xuống 3,6% và xuống còn 3,4% vào năm 2020.

Theo ông Dũng, kiểm soát bội chi là cực kỳ quan trọng để kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công và kiểm soát trần nợ công, trong đó giải pháp quan trọng là siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Từ năm ngoái, cơ bản Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào nữa, đặc biệt là các dự án của DN. Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết Quốc hội chỉ cho phép bảo lãnh ngang bằng với số trả nợ, không phát hành số dư tăng thêm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ bám sát Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm. Việc giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết kiên quyết thực hiện trong giới hạn quốc hội đã thông qua là 300 nghìn tỷ trong cả giai đoạn để bảo đảm cân đối chi trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

Ông cũng đưa ra giải pháp về tăng cường thanh tra kiểm tra, minh bạch tài chính công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán...

Đồng tình với nhận định giai đoạn nợ công tăng nhanh là đúng, tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cho hay các giải pháp vừa qua đã bước đầu có kết quả, đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng. Nếu như giai đoạn 2011- 2015 tăng 18%, 2016 tăng 15%, thì đến 2017 chỉ tăng 9%.

"Chúng ta đang từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giơ biển xin tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng nói nhiều về kìm hãm sự phát triển tăng tốc của nợ công, nhưng đây mới chỉ là "phần vỏ", còn linh hồn của nó là vấn đề hiệu quả đầu tư công.

"Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì nó gây ra thiệt hại kép, vừa tạo áp lực trả nợ gốc lãi, bù lỗ DN mà đầu tư không hiệu quả, điển hình như 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ vừa qua", ĐB Tuấn dẫn chứng và cho rằng chính những điều đó đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nền kinh tế. Vì thế, ĐB cho rằng Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề hiệu quả đầu tư công ra sao.

Sáng nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ”mở hàng” ngồi ghế nóng

Sáng nay 16-11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo Chính phủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Vũ - Ngân Anh (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN