Bộ trưởng Quốc phòng Nga thị sát Cam Ranh

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng đầy quyền lực của Nga tới Việt Nam sẽ là một “tín hiệu” tích cực cho việc bật đèn xanh cho việc thúc đẩy hợp tác kỹ thuật – quân sự hai nước. Đặc biệt là việc cung cấp những hệ thống vũ khí tốt nhất của Nga cho Việt Nam để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước.

Trong hai ngày 4 – 5/3, ông Shoigu sẽ chính thức thăm Việt Nam. Trong đó, sẽ tổ chức các cuộc họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bộ trưởng quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh để trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề an ninh khu vực cũng như thảo luận về các lĩnh vực phát triển hợp tác kỹ thuật – quân sự song phương.

Trong một phát biểu gần đây, Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FSVTS) Vyacheslav Dzirkaln tiết lộ, Nga đang tiếp tục đàm phán với Việt Nam để cung cấp bổ sung các chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 và các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9.

Theo ông Dzirkaln, các cuộc đàm phán đang được tiến hành tích cực và có triển vọng tốt trong tương lai gần.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga thị sát Cam Ranh - 1

Ông Shoigu sẽ mang một làn gió mới, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kỹ thuật, quân sự Việt - Nga

Một số báo cáo trước đây cũng từng nói rằng, trong dài hạn Việt Nam có thể mua thêm 24 máy bay Su-30MK2 của Nga để tiếp tục trang bị cho các đơn vị không quân trên khắp cả nước, tăng cường khả năng bảo vệ vùng trời, lãnh thổ và biển đảo quê hương.

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga. Điển hình là trong hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo 636, phía Nga cũng đã đặt kế hoạch "ưu tiên hàng đầu" cho đơn đặt hàng này bằng việc liên tiếp hạ thủy và thử nghiệm các tàu ngầm Kilo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cam kết thời hạn bàn giao ngay khi hoàn thành.

Đặc biệt, việc ông Shoigu lựa chọn Myanma và Việt Nam là hai quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á để thực hiện chuyến công du của mình cũng cho thấy, Nga đang quyết tâm tạo được ảnh hưởng lớn của mình trong bối cảnh an ninh chính trị đang thay đổi ở khu vực này. Với Myanma, Moscow muốn giành dật lại thị trường cung cấp vũ khí mà đang bị Trung Quốc chi phối. Với Việt Nam, Nga cũng muốn tăng cường thêm tiềm năng hợp tác kỹ thuật quân sự cũng như giúp đỡ Hà Nội trong việc tăng cường tiềm lực phòng thủ trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Chính vị vậy, nếu như các hành động xúc tiến tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai bên thuận lợi, sẽ không có gì bất ngờ khi các thương vụ cung cấp thêm máy bay S-30, tên lửa phòng không S-300 và tàu chiến Gepard... cho Việt Nam trở thành sự thật.

Hải quân Nga quyết tâm trở lại Cam Ranh?

Mặt khác, việc ông Shoigu đích thân tới thăm căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam cho thấy, Bộ Quốc phòng Nga rất quan tâm tới vị trí chiến lược của căn cứ này của Việt Nam. Có thể chuyến thăm sẽ nhằm kiểm tra tiến độ thi công căn cứ tàu ngầm Kilo mà được các chuyên gia Nga tư vấn, hoặc cũng có thể là ông Shoigu muốn tự mắt thị sát những giá trị chiến lược của căn cứ Cam Ranh mà trong lần thăm Việt Nam gần đây của Thủ tướng Dimtry Medvedev, hai bên đã thảo luận về vấn đề Hải quân Nga muốn trở lại Cam Ranh.

Hãng tin Nga Interfax cũng từng cho biết trước đó rằng, Hải quân Nga đã hoàn thành một báo cáo chi tiết, nêu rõ sự cần thiết phải lập lại và "cả khoảng thời gian ước tính" cần thiết để trở lại cảng Cam Ranh.

Theo nguồn tin từ hải quân Nga, "nếu quyết định chính trị được đưa ra, Hải quân sẽ sẵn sàng trở lại trong vòng 3 năm".

Nếu trở thành hiện thực, căn cứ này sẽ hỗ trợ cho các tàu của hải quân Nga hoạt động tại Ấn Độ Dương và Thái Bình dương, cựu Tham mưu trưởng hải quân Viktor Kravchenko nhận xét.

"Các tàu chiến và tàu ngầm Nga cần được bảo trì, tiếp liệu, các binh sĩ cần được nghỉ ngơi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên các đại dương", theo Rt.

Ông Kravchenko nói rằng: "Nếu Nga vẫn coi mình là một cường quốc hải quân, thì việc tái lập các căn cứ như ở Cam Ranh là điều không thể không làm".

Cam Ranh từng là căn cứ hải quân lớn nhất ở nước ngoài của Liên Xô trước đây.

Trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ sử dụng cảng Cam Ranh cho mục đích quân sự. Sau khi Việt Nam thống nhất, Liên Xô và sau đó là Nga cùng Việt Nam có hiệp định về sử dụng cảng Cam Ranh 25 năm. Tuy nhiên, năm 2001, vì lý do tài chính, Nga tuyên bố rút khỏi cảng và ra đi vào năm sau.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga thị sát Cam Ranh - 2

Hải quân Nga quyết tâm trở lại Cam Ranh?

Shoigu gặp khó!

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu hẳn là có nhiều mục đích. Rõ ràng, việc thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước là một trong những mục tiêu hàng đầu nhưng việc tới Cam Ranh sẽ phần nào nói lên ý định của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, chắc chắn ông Shoigu sẽ gặp khó nếu như muốn đưa Hải quân Nga trở lại Cam Ranh.

Ngay từ năm 2002, Việt Nam đã khẳng định sẽ không hợp tác với bất cứ nước nào để sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự. Chính phủ Việt Nam tuyên bố tự quản lý và khai thác cảng Cam Ranh sao cho phù hợp nhất với lợi ích của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, quan điểm của chính phủ Việt Nam có thể được nhận thấy rõ trong tuyên bố mới đây của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Phát biểu trước báo giới hồi tháng 8/2012. Tướng Vịnh khẳng định chính sách "ba không" của Việt Nam, trong đó có điểm "không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam".

Liệu chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của ông Shoigu có thuận lợi và đạt được những kết quả tốt về Cam Ranh? Câu trả lời có thể sẽ rõ hơn sau một thời gian nữa, hoặc cũng có thể là sẽ không bao giờ có đáp án bởi quân đội là phải bí mật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Vy (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN