Bộ trưởng "quên" chất vấn của ĐBQH về "sốt đất" ở 3 đặc khu

ĐBQH Nguyễn Anh Trí chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà về tình trạng sốt đất ở 3 đặc khu nhưng Bộ trưởng "quên", không trả lời khiến ĐB phải nhắc lại.

Bộ trưởng "quên" chất vấn của ĐBQH về "sốt đất" ở 3 đặc khu - 1

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà

Chiều 4/6, trong phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ lo ngại khi thị trường đất đai tại 3 địa phương sắp trở thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) sẽ nóng lên. ĐB muốn chất vấn Bộ trưởng giải pháp giải quyết tình trạng này.

Tuy nhiên sau đó, khi trả lời một số ĐB về các vấn đề khác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã “quên” câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí khiến ĐB này phải một lần nữa nhắc câu hỏi dành cho Bộ trưởng về tình trạng đến nay đã có hiện tượng đầu cơ tại 3 địa phương sắp trở thành đặc khu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn và xin lỗi ĐB Trí, ông nói “câu hỏi này rất hay nhưng rất tiếc tôi lại quên mất chưa trả lời”.

Đi vào nội dung chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, ở đây có vấn đề tầm nhìn. Thông thường khi có kỳ vọng về tương lai phát triển hạ tầng tại khu vực nào thì quy luật thường thị trường đất đai tại đây sẽ thay đổi, sốt nóng.

"Chúng ta biết quy luật này nhưng chưa có giải pháp căn cơ ngăn ngừa, ngoài việc ban hành biện pháp hành chính để ngăn chặn", Bộ trưởng TN-MT nói.

Nhắc lại câu chuyện sốt đất cách đây 5 năm xảy ra tại Long Thành (Đồng Nai), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết khi đó chính quyền địa phương đã chỉ thị ngăn chặn hoạt động chuyển nhượng đất, nhưng thực tế giao dịch chuyển nhượng ngầm vẫn diễn ra.

Với 3 địa phương sắp thành đặc khu, theo ông Hà, sốt đất chủ yếu nghiêm trọng ở việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp... trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp.

Trước thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, giá đất tại 3 nơi này tăng 2-3 lần, cá biệt có nơi tăng 5- 6 lần so với trước, trong động thái gần đây, chính quyền 3 địa phương trên đã có quyết định tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm kiểm soát cơn sốt đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói thêm, việc đưa ra nội dung trong chỉ thị của các địa phương về dừng chuyển nhượng đất đai là đúng, song nội dung chỉ thị lại không phù hợp pháp luật. Thay vào đó, ông đề nghị, Quốc hội nên ban hành nghị quyết có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai, rộng hơn phải có quy định trong Luật Đất đai.

Ngoài ra, các địa phương phải xem lại hồ sơ đất đai để đảm bảo công bằng, người khai hoang đất ở đây được đền bù công bằng, còn dân đầu cơ "không có cửa vào đây".

Cũng liên quan đến đất đai, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) chất vấn tình trạng tố cáo về đất đai chiếm tới 70%, gây ảnh hưởng lớn tới xã hội. Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp đang được giao đất ven biển làm mất sinh kế, đất đai của dân. ĐB đề nghị Bộ trưởng giải thích vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng câu chuyện khiếu nại đất đai không phải bây giờ mới bức xúc, có những khiếu nại đã kéo dài 30- 40 năm đến giờ vẫn nhức nhối.

Về câu hỏi giao quá nhiều đất cho nhà đầu tư ven biển khiến dân mất sinh kế, Bộ trưởng dẫn chứng Đà Nẵng là địa phương nóng bỏng nhất.

"Hiện nay việc xử lý, siết lại kỷ cương là cần thiết. Bờ biển là của chung, không phải sở hữu của tổ chức nào. Quan điểm của Bộ là cần chấn chỉnh và lập lại quy hoạch", ông Hà nói.

Thủ tướng nói gì về quy định giao đất 99 năm ở đặc khu

Thủ tướng nhận được nhiều thư, tin nhắn, cuộc gọi… về vấn đề giao đất 99 năm mà dư luận đang quan tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Vũ- Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN