Bộ trưởng GD-ĐT: Lịch sử sẽ có mặt trong nhiều môn học

Chiều 16.11, trong phiên trả lời chất vấn Quốc Hội, Bộ trưởng Luận khẳng định: “Môn Lịch sử không giảm nhẹ nội dung mà còn được dạy với thời lượng nhiều hơn, có mặt nhiều hơn ở tất cả các môn học như Văn, Địa lý, Nhạc…”

Trước đó, sáng 16.11, đại biểu Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) đã có nhiều câu hỏi “khó” gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về những xáo trộn trong dư luận xung quanh sự thay đổi cách dạy môn lịch sử: “Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Tính ưu việt của sự thay đổi đó ra sao? Bộ trưởng có dự định gì hoặc hoãn chủ trương thay đổi chủ trương giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không? Nếu không dừng, không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?” – ông Lai đặt câu hỏi.

Ông Lai cho rằng, bất cứ sự phá vỡ lớn nào cũng có nguyên nhân từ sự phá vỡ hệ thống, ở môn Lịch sử cũng vậy, nếu chỉ vì muốn đơn giản hóa vấn đề, chỉ chú trọng tới giấc mơ tích hợp mà quên đi các hệ lụy khác là không nên.

Bộ trưởng GD-ĐT: Lịch sử sẽ có mặt trong nhiều môn học - 1

Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo,  Phạm Vũ Luận

Giải thích vấn đề này, ông Luận cho biết, hiện nay, học sinh khối trung học đang học bình quân 1,5 tiết sử/ tuần; nếu theo chương trình mới học sinh sẽ được học bình quân 2,5 tiết/ tuần đối với các em thuộc phân ban khoa học tự nhiên và 4 tiết/ tuần với các em thuộc phân ban khoa học xã hội. Tất cả đều bắt buộc. Như vậy nội dung giảng dạy môn Lịch sử chỉ tăng chứ không giảm.

Ngoài ra, môn Lịch sử sẽ được tích hợp đưa vào giảng dạy trong rất nhiều môn học khác như Văn, Địa, Âm nhạc, Mỹ Thuật: “Các cháu học Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập… cũng cần phải biết thời điểm lịch sử làm nên những kiệt tác đó; các cháu học địa danh này, vùng đất kia cũng phải biết lịch sử hình thành nó thông qua kiến thức lịch sử; thậm chí khi học hát các bài như: Câu hò bên bến Hiền Lương, Xa khơi… cũng phải gắn liền với lịch sử mới có thể có cảm xúc và sự rung động. Nói tóm lại, trong dự thảo đang lấy ý kiến không hề có ý giảm môn lịch sử, không hề nói không bắt buộc, vấn đề cần thảo luận là  để riêng môn Lịch sử hay tích hợp” – Bộ trưởng Luận nói.

Cũng theo ông Luận, về vấn đề tích hợp môn Sử hay không Bộ GD-ĐT sẽ có thảo luận, phân tích, báo cáo sau khi tổng hợp các ý kiến: “Nếu tích hợp làm giảm nhẹ “lượng và chất” môn Sử sẽ không tích hợp, còn nếu vẫn giữ được như cũ hoặc tăng lên thì vẫn sẽ tích hợp” – ông Luận nói.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Lai cũng cho rằng: “Vấn đề thời lượng chỉ là 1 khía cạnh, 1 yếu tố thôi, nhưng vấn đề khác như ai, thầy giáo nào có thể tiến hành cùng 1 lúc dạy 3 môn như vậy? Tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị đầy đủ nên thiếu lòng tin vào chủ trương này là có cơ sở. Vì vậy Bộ GD - ĐT cần hết sức cân nhắc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN