Bộ Công an bắt thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng

Sự kiện: Thời sự Tin nóng

Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong vụ án liên quan đến các chuyến bay “giải cứu” công dân.

Ngày 14-4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đang mở rộng điều tra vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ”, xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự đối với ba bị can.

Những người này gồm ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, Chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế và Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 03 bị can Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuân.

Hiện cơ quan điều tra đang khám xét phòng làm việc Thứ trưởng Tô Anh Dũng tại trụ sở Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng được lãnh đạo phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác của Bộ Ngoại giao, trong đó có mảng lãnh sự.

Trong đợt dịch COVID-19, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đưa đón về Việt Nam được điều hành bởi Ban chỉ đạo gồm 5 bộ, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan thường trực. Thứ trưởng Tô Anh Dũng là ủy viên Ban chỉ đạo làm đầu mối của cơ quan thường trực.

Ông Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: Báo Quốc tế

Ông Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: Báo Quốc tế

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc xét duyệt, cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dừng các chuyến bay quốc tế thường lệ để phòng chống dịch COVID-19 xảy ra tại Cục Lãnh sự.

Năm bị can đã bị khởi tố để điều tra về các hành vi đưa và nhận hối lộ. Những người này gồm Nguyễn Thị Hương Lan (cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Lê Tuấn Anh (chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và Lưu Tuấn Dũng (phó Phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và Hoàng Diệu Mơ (tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình).

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết cơ quan điều tra khẳng định “có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi trong vụ án này”. Hiện tất cả bị can bị tạm giam đã bước đầu nhận tội và có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra.

Tại vụ án này, hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả trung ương và địa phương.

“Đặc biệt, vụ án xảy ra trong thời gian dài. Các đối tượng đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc” - ông Xô nói và cho biết hiện cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra, tiếp tục làm việc với một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương có liên quan để làm rõ bản chất vụ việc.

Cũng liên quan đến vụ án, mới đây, cơ quan điều tra đề nghị Bộ GTVT cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc tiếp nhận đề xuất, xét duyệt cho các hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay “giải cứu”.

Cơ quan điều tra đề nghị Bộ GTVT cung cấp các tài liệu làm rõ căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay “combo”, “giải cứu” như thế nào, cũng như điều kiện để công dân được về nước theo các chuyến bay này.

Danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty, doanh nghiệp đã được cấp phép triển khai các chuyến bay “giải cứu”, cung cấp danh sách cá nhân được phân công để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay “giải cứu”…

Trước đó, ngày 10-3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt đánh giá những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục đẩy mạnh và có những bước phát triển mới, chú ý chống tiêu cực, tăng cường kiểm tra.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xác định các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; sớm đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm.

Các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, điều tra để xử lý nghiêm vi phạm trong các vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án "nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm về đấu giá đất, chứng khoán…

Nguồn: [Link nguồn]

Tướng Tô Ân Xô lý giải vì sao vụ án ở Cục Lãnh sự tốn thời gian điều tra

Trung tướng Tô Ân Xô đã cung cấp thông tin liên quan đến tiến độ điều tra 3 vụ án dư luận quan tâm là Việt Á, Cục Lãnh sự và Nguyễn Phương Hằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.PHAN - N.ĐỨC ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN