Biến chứng cực kỳ nguy hiểm của bệnh sởi

Sự kiện: Dịch sởi

Hai biến chứng nặng nhất của bệnh sởi là viêm phổi và viêm não, nhưng biến chứng viêm não có thể xuất hiện khi sởi đã bay hết nên nhiều bà mẹ rất chủ quan.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2014 đến nay ghi nhận 993 ca mắc sởi tại 24 tỉnh/thành phố, 5 trường hợp tử vong, trong đó có 3 trẻ ở Hà Nội. Trong đợt dịch này, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc, xuất hiên một số trường hợp trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã bị bệnh. Các chuyên gia đánh giá, sởi biến chứng sẽ rất nguy hiểm. Hai biến chứng nặng nhất của bệnh sởi là viêm phổi và viêm não, nhưng biến chứng viêm não có thể xuất hiện khi sởi đã bay hết nên cha mẹ lại chủ quan.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) đánh giá ca bệnh tử vong cách đây 4 ngày (15/2) là do sởi biến chứng viêm phổi. Ca này bị viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển rất nhanh, khác hoàn toàn với diễn biến sởi thông thường.

Biến chứng cực kỳ nguy hiểm của bệnh sởi - 1

Một ca mắc sởi đang điều trị tại bệnh viện

Theo PGS Dũng, tại thời điểm nhập viện bệnh nhân sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp rồi nhanh chóng tiến triển thành viêm phổi. Chỉ sau vài giờ đồng hồ phổi đã trắng xóa, tim to, gan to… là những biểu hiện rất điển hình của tình trạng suy hô hấp cấp tính tiến triển. Dù được đặt máy thở nhưng trẻ hầu như không có đáp ứng.

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đánh giá, trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi không có gì là bất thường. Vì nguyên tắc, nếu một đứa trẻ sinh ra từ người mẹ có miễn dịch sởi thì đứa trẻ sẽ được truyền miễn dịch qua nhau thai và qua sữa mẹ. Nếu những người mẹ đã có miễn dịch nhưng không cho con bú, trẻ cũng không được truyền đầy đủ miễn dịch từ mẹ. Đó cũng là lý do Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các bà mẹ cho con bú đến 24 tháng tuổi, tuy lượng sữa ít nhưng miễn dịch từ mẹ vẫn được truyền qua sữa cho trẻ. Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra từ mẹ chưa có miễn dịch với sởi (chưa từng bị sởi, chưa được tiêm vắc xin sởi) thì cũng không có miễn dịch này.

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, lây qua đường hô hấp với tốc độ rất nhanh, khiến cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên dễ gây ra rất nhiều biến chứng nặng.

TS Huy đánh giá, trong đợt dịch sởi đang xảy ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc, xuất hiên một số trường hợp trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã bị bệnh. Tuy nhiên, những trẻ dưới 9 tháng vẫn bị sởi là chuyện không có gì là cá biệt. Thậm chí có những đứa trẻ vừa sinh ra đã lây sởi, lây thủy đậu từ mẹ (đến đúng thời điểm sinh con thì ba mẹ mắc các bệnh này). Dù vậy, số này không chiếm nhiều trong tổng số trẻ bị sởi được ghi nhận.

Biến chứng cực kỳ nguy hiểm của bệnh sởi - 2

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đánh giá, trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi không có gì là bất thường. Ảnh: Thu Trịnh

Theo TS Huy, về lý thuyết, trẻ dưới 9 tháng tuổi ít bị sởi do ở lứa tuổi này, trẻ vẫn được nhận miễn dịch. Chính vì thế, lịch tiêm chủng sởi cho trẻ em cũng bắt đầu từ 9 tháng tuổi trở đi. Trong khi đó, đợt dịch này có cả những trẻ dưới 9 tháng tuổi, thậm chí mới 2,5 tháng tuổi. Nguyên nhân có thể do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ, do đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có kháng thể miễn dịch sởi, hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh.

Các chuyên gia đánh giá, lịch tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng trở lên là hoàn toàn hợp lý và không nên thay đổi, vì chiến lược tiêm phòng là cho số đông. Trên thực tế, số mắc sởi trước 9 tháng tuổi chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Số mắc ít, cơ thể trẻ đang còn có kháng thể từ mẹ, khi tiêm vào phản ứng kích miễn dịch kém. Theo tôi được biết, một số nước châu Phi người ta có thể tiêm vắc xin từ 6 tháng, sau một thời gian dài theo dõi và thấy số lượng trẻ mắc sởi từ 6 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao.

Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ trước 9 tháng bị sởi vẫn thấp và việc tiêm phòng ở lứa tuổi này sẽ giảm hiệu quả của vắc xin, do cơ thể trẻ vẫn còn miễn dịch từ mẹ nên phản ứng kích miễn dịch sẽ bị kém đi.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Để phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến tuyến về phòng, chống bệnh sởi, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các tỉnh, thành phải tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ. Hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn giữ nguyên lịch tiêm phòng sởi mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vào lúc 18 tháng tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đến nay, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thống kê và thực hiện tiêm phòng sởi miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN