Bianfishco sẽ được cứu?

Chiều (7/6), ông Trần Văn Trí, Tổng GĐ Công ty CP Thủy sản Bình An chủ trì cuộc họp đối thoại với các ngân hàng và những người nông dân để tìm ra phương án trả nợ tối ưu.

Ông Phạm Thanh Quang, Tổng GĐ Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), phát biểu: “Chúng tôi sẵn sàng mua nợ toàn bộ lại của nông dân. Còn ngân hàng nào muốn bán nợ chúng tôi cũng mua lại, nhưng thời hạn trả là trong vòng 1 năm sẽ trả nợ hết”.

Bianfishco cũng công bố tổng nợ DN, các ngân hàng và nông dân hơn gần 1.700 tỷ đồng, trong đó, nợ của nông dân là 235 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng tài sản của DN này tính đến ngày 31/12/2011 là hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhưng đến thời điểm hiện nay (2012), thống kê tài sản của Bianfishco là hơn 1.400 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, đại diện của nhiều ngân hàng đều xoay quanh 2 vấn đề góp vốn vào Công ty CP thủy sản Bình An hoặc mua bán nợ lại cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (Bộ Tài chính).

Có 2 ngân hàng Đầu tư và Ngân hàng TMCP đầu tư phát triển Việt Nam đã đồng ý góp vốn khoảng 500 tỷ đồng để hỗ trợ cùng Công ty CP thủy sản Bình An sản xuất.

Bianfishco sẽ được cứu? - 1

Những người nông dân đồng ý bán nợ lại DATC (Bộ Tài chính)

Ông Quang cũng khẳng định với những người nông dân bán nợ rằng: "Chắc chắn bà con sẽ có tiền và phải chờ thời gian. Tôi nhận trách nhiệm trả nợ cho bà con khi có biên bản thỏa thuận chính thức".

Cũng theo ông Trí, trong năm 2011 trả tiền lãi và tiền lương cho công nhân, cán bộ lên đến 200 tỷ đồng. Kiểm toán cũng chỉ ra trong năm 2011, Bianfishco lỗ hơn 400 tỷ đồng.

“Từ nay về sau lương công nhân, cán bộ sẽ trả đầy đủ. Nếu như DN chúng tôi phá sản, bà con sẽ lấy được gì? Chúng tôi hiểu bức xúc của bà con trong lúc đòi nợ nên mới đề nghị phá sản” - Ông Trí nói.

Cũng tại buổi họp, luật sư Nguyễn Trường Thành, người đại diện cho 2 nông dân Nguyễn Văn Liền và Phạm Thị Mai thắng kiện, thẳng thắn nói ra 2 phương án yêu cầu Bianfishco lựa chọn để trả nợ.

“Thứ nhất: Nếu như anh Quang (DATC) mua lại toàn bộ nợ, khoảng hơn 18 tỷ cho 2 nông dân thì chúng tôi chỉ tính tiền gốc chứ không tính tiền lãi và tạo điều kiện cho Bình An hoạt động.

Thứ hai: Nông dân sẽ hùn vốn vào doanh nghiệp, nhưng phải trả nợ cho nông dân 50% số tiền (khoảng 8 tỷ). Nhưng với điều kiện là tất cả các Ngân hàng ngồi đây phải cùng hùn vốn vào DN. Khi đó người nông dân mới yên tâm và sẵn sàng hợp tác với DN để tiếp tục bán cá”.

Bianfishco sẽ được cứu? - 2

Toàn cảnh phiên họp giữa Công ty CP thủy sản Bình An đối thoại giữa các ngân hàng, nông dân để tìm ra phương án bán nợ và trả nợ

Cũng theo luật sư Thành, nếu không chịu hợp tác theo 2 phương án trên thì chỉ còn nước là tuyên bố phá sản.

Đại diện cho hộ nông dân ông Trần Văn Hon đang đi đòi nợ gần 500 triệu đồng nói: “Đồng ý bán nợ cho Công ty Bộ tài chính, nhưng nhiều người mong chỉ bán nợ trong vòng 3 tháng phải trả hết nợ. Còn nếu như DACT thì quá dài cho người nông dân chúng tôi, vì càng kéo dài thì số tiền lãi trả nợ càng lớn”.

Đến cuối buổi chiều cùng ngày, những hộ nông dân tham dự cuộc họp đã ngồi lại và đồng ý bán nợ cho DATC (Bộ Tài chính).

“Cái nợ lớn nhất của chúng tôi hiện nay là nợ dân, trả hết nợ cho nông dân thì mọi việc hoạt động sẽ ổn. Nợ nông dân đương nhiên là phải trả, nhưng phải có thời gian. Nhưng trong tháng 6/2012, sẽ trả 20% nợ của bà con nông dân, không kể người nợ ít và nợ nhiều” - ông Trí hứa.

Hội đồng quản tri Công ty CP thủy sản Bình An cũng công bố QĐ, ông Trần Văn Trí, chính thức là Tổng GĐ kể từ ngày (6/6/2012). Và bổ nhiệm bà Trần Thị Ánh Nguyệt là Phó Tổng GĐ sản kinh doanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Huy (Vietnamnet)
Nữ đại gia nợ nghìn tỷ đồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN