Bị cấm, rượu quê vẫn “tung hoành”

Mặc dù đã chính thức bị cấm mua bán từ 1/1/2013 nhưng rượu không nhãn mác vẫn được bán công khai.

Chưa nghe quy định

Có thâm niên nấu rượu từ 30 năm nay, chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết mình chưa biết quy định này. Chiều 3/1/2013, sau khi nấu xong 20 lít rượu, chị Thủy đổ ra can trắng và đem đi bán cho các cửa hàng tạp hóa. Trung bình, mỗi ngày nhà chị Thủy cho “xuất xưởng” 30 lít rượu ra thị trường.

Bị cấm, rượu quê vẫn “tung hoành” - 1

Gia đình chị Thủy không biết về Nghị định 94 của Chính phủ

Theo khảo sát của phóng viên, tại các quán nhậu trên đường Khương Hạ (quận Thanh Xuân), đường ven Hồ Tây (quận Tây Hồ), đường Tân Xuân (Từ Liêm)… rượu không nhãn mác vẫn được dùng phổ biến. Theo anh Nguyễn Anh Tuấn (quê Mê Linh, Hà Nội), giá mỗi chai rượu “quê” tại quán có 15 nghìn đồng, phù hợp với đa số người dân lao động. Anh Tuấn cho biết thêm, nhà anh cũng vừa làm đám cưới cho cậu em út, hết gần 100 lít rượu “quê”.

Tại cửa hàng tạp hóa của ông Phạm Văn Đương (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội), rượu “quê” không nhãn mác vẫn được nhiều người dân ưa chuộng, mua bán tấp nập. Ông chủ cửa hàng này cho biết, mỗi ngày nhà ông nấu và bán ra thị trường gần 20 lít rượu. Giá của mỗi lít rượu là 20.000 đồng, đây được coi là mức giá “phù hợp” với bà con lao động và sinh viên.

Bị cấm, rượu quê vẫn “tung hoành” - 2

Gom rượu vào chum chờ khách hàng đến lấy rượu

Không tự nấu tại nhà, chị Nguyễn Thị Hương chủ tiệm tạp hóa ở xã Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) đặt mua rượu từ người quen ở ngoại thành rồi bán lại kiếm lời. Chị Hương cho hay, gia đình chị mở cửa hàng được gần 5 năm nay, mỗi ngày cũng bán ra thị trường từ 10 đến 20 lít rượu “quê”. Chị Hương khẳng định, rượu tại cửa hàng được lấy từ quê ra nên chất lượng đảm bảo không cần phải ghi nhãn mác. Hơn nữa, việc phải đóng bao bì, dán nhãn mác tốn thêm kinh phí, giá thành cao, sợ rằng khách hàng sẽ quay lưng.

Ngồi bên cạnh nồi rượu nấu bốc khói nghi ngút, chị Nguyễn Thị Thu, 39 tuổi, ở làng nghề nấu rượu truyền thống thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tỏ ra lo lắng khi PV cho biết thông tin về quy định rượu phải dán nhãn mác. “Tôi không rõ thủ tục đăng ký sản xuất và làm nhãn mác như thế nào. Nếu vì những chuyện này mà phải dừng việc sản xuất sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cả gia đình”, chị Thu nói.

Bị cấm, rượu quê vẫn “tung hoành” - 3

Chị Thủy rót rượu bán cho một vị khách quen ở trong xã

Chưa thấy chính quyền thông báo

Anh Phú, cán bộ xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM nói qua báo chí có biết về Nghị định 94, nhưng đến này chưa thấy ở trên triển khai gì, nên ở dưới xã còn phải chờ. Theo anh Phú, trên địa bàn xã hiện có nhiều lò rượu thủ công quy mô hộ gia đình đang hoạt động, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa nắm được con số chính xác.

Mỗi ngày nấu gần 100 lít rượu, nhưng hai năm nay lò rượu của anh Bùi Khắc Quang, tại ấp Mới, xã Tân Xuân, không chịu sự quản lý nào của cơ quan chức năng. Lò rượu của anh chủ yếu để bán cho người dân quanh vùng và bỏ mối cho quán nhậu. Mỗi lít rượu của anh bán ra dao động từ 16.000 – 24.000 đồng.

Bị cấm, rượu quê vẫn “tung hoành” - 4

Mỗi ngày nấu gần 100 lít rượu, nhưng hai năm nay lò rượu của anh Bùi Khắc Quang, tại ấp Mới, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn (TP.HCM) không chịu sự quản lý nào của cơ quan chức năng.

Cách đó khoảng 200m, lò rượu anh Nguyễn Văn Tráng mỗi ngày cho ra hơn 50 lít rượu. Theo anh Tráng, rượu của anh có thương hiệu ngoài Bắc, mới chuyển vào xã Tân Xuân dựng lò nấu hơn một năm nay và không hề được chính quyền hay cơ quan quản lý Nhà nước có yêu cầu gì.

Bị cấm, rượu quê vẫn “tung hoành” - 5

Nồi rượu tại hộ gia đình bà Mai vẫn được nấu công khai

Tại Đồng Nai, anh Nguyễn Văn Hiếu, ấp Phú Lâm, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú cho biết mình đã nghe đến Nghị định 94 qua tivi nhưng đến nay vẫn chưa thấy chính quyền địa phương phổ biến gì. “Tôi mong quy định này không yêu cầu quá cao, quá khó để những người nấu rượu thủ công quy mô nhỏ như tôi được tiếp tục. Lò rượu tuy không lớn, nhưng mang lại phần thu nhập kinh tế để con cái học hành, trang trải các sinh hoạt của gia đình”, anh Hiếu hy vọng.

Bị cấm, rượu quê vẫn “tung hoành” - 6

Những can rượu không nhãn mác như thế này vẫn được lưu hành, trao đổi rộng rãi

Lý giải về việc mua bán rượu không nhãn mác vẫn tràn lan, ông Nguyễn Văn Tân, trưởng phòng kinh tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng, còn phải chờ thông tư hướng dẫn mới thực hiện được. Ông Phạm Ngọc Liệu, chủ tịch UBND xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nơi có nhiều hộ sản xuất rượu bán tỏ ra lúng túng, và chưa thể trả lời phóng viên.

Còn ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng kinh tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng, nghị định ban hành nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên “anh em chưa thể triển khai”.

Từ ngày 1/1/2013, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực. Theo đó, sản phẩm rượu chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi có nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 12 (Sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu).

Nghị định 94 quy định đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thông thường, cá nhân, hộ sản xuất được tổ chức phân phối, bán buôn rượu do mình sản xuất. Người sản xuất phải làm thủ tục đăng ký giấy phép sản xuất với Phòng Kinh tế (Công Thương) các huyện, quận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN