Bị bán sang TQ, trở về thấy bàn thờ của mình

Thuở niên thiếu, thôn nữ Nguyễn Thị Lan xinh đẹp đắt giá nhất nhì làng. Nhưng đến năm 18 tuổi, vì chứng bệnh quái ác, Lan mất đi thiên chức làm mẹ.

Trong lúc phải cắn răng chịu đựng nỗi đau bệnh tật, cô gái tiếp tục nhận thêm tin dữ từ vị hôn phu sắp cưới của mình. Người đàn ông này sau khi biết bệnh tình vợ sắp cưới đã âm thầm hủy hôn rồi nhanh chóng kết hôn với cô gái khác.

Tinh thần quẫn bức, tương lai mịt mù, chị quyết định khăn gói theo người đàn bà lạ nuôi ước vọng đổi đời. Nhưng ảo vọng đó đã bị dập tắt khi chị nhận ra mình bị bán sang Trung Quốc làm vợ xứ người. Mãi 23 năm sau chị mới may mắn được trở về quê hương. Thế nhưng, niềm vui ngày trở về đã bị chặn lại khi thấy gia đình đã lập bàn thờ chính mình suốt nhiều năm nay.

Bị bán sang TQ, trở về thấy bàn thờ của mình - 1

Sau 23 năm xa cách, giờ đây chị Lan sống trong ngôi nhà mà các em gom góp xây nên để lo hương khói cho bố mẹ. (Ảnh: T.G)

Tình yêu đầy trắc trở của thôn nữ xinh đẹp

Là chị cả trong gia đình có 7 anh chị em, lại sống trong cảnh nghèo, thế nhưng cô gái Trương Thị Lan (SN 1968, trú xóm Hồng Thịnh, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) lại được ông trời phú cho nét đẹp hồn nhiên, thánh thiện. Chính vì vậy, dù mới ở tuổi niên thiếu nhưng cô thôn nữ được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Trong đám trai làng nguyện "trồng cây si" trước ngõ, Lan chỉ để ý chàng trai hiền lành, chất phác tên Nguyễn Văn X., dù anh này không đẹp trai cũng chẳng giàu có bằng những người khác. Về phía hai gia đình sau khi nghe hai con trình bày tình cảm, hai bên vui mừng chấp nhận tình yêu đó. Một đám cưới trong tương lai không xa được cả hai bên định sẵn.

Nhưng sau khi ăn hỏi được mấy ngày, chàng trai vội khăn gói gia nhập quân ngũ. Dù thương nhớ người yêu, nhưng Lan vẫn cố tỏ ra cứng rắn để người yêu yên tâm lên đường. Cả hai cùng thề non hẹn biển về một đám cưới sau ngày xuất ngũ. Còn với cô gái Lan với tình yêu son sắt của mình, cô quyết tâm khép cổng chờ đợi ngày người yêu trở về để hưởng trọn niềm vui hạnh phúc.

Nhưng không ai học hết được chữ ngờ, khi ngày đoàn tụ còn chưa định thì những năm tháng lao động quần quật phụ giúp bố mẹ, nuôi các em ăn học đã khiến cô gái trẻ đổ bệnh. Căn bệnh viêm đường ruột quái ác buộc người thiếu nữ đôi mươi phải cắt đi 1,8cm ruột non và mất luôn khả năng sinh con. Cùng thời điểm này, chàng trai đính ước xuất ngũ về quê. Đáng lẽ ra, trong lúc rối bời nhất, lúc cần sự sẻ chia chị sẽ nhận được những lời động viên, sự cảm thông từ người yêu. Nhưng đằng này, người đó lại tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với chị.

Tất cả dường như chấm hết đối với người con gái đang tuổi xuân thì. "Lúc đó tôi và gia đình không hề nhận được câu nói nào từ Xu và gia đình. Họ im lặng, không một lời giải thích", chị đau đớn nhớ lại. Khoảng 4 tháng sau, chàng trai tổ chức đám cưới với cô gái làng bên. Ngày nhận thiệp cưới từ tay người yêu, dù đau đớn nhưng Lan cố nén lòng, quyết không để bố mẹ và các em thấy sự đau đớn tột cùng của mình. Để rồi sau đó, cô núp mình trong bóng tối khóc nức nở, cô khóc vì sự bội bạc của người yêu, khóc cho số phận mình và khóc vì tương lai u ám đang đợi phía trước…

23 năm biệt tích

Sau đám cưới linh đình của người yêu, Lan trở nên thẩn thờ, ít giao tiếp với mọi người. Uất ức trước sự phụ bạc của người yêu, chán nản với cuộc sống ê chề trước mắt, chính chị đã có ý định bỏ đi thật xa để tránh mặt người yêu, quên đi quá khứ đau buồn và nhất là tránh những lời thị phi của dân làng. Đang lúc đứng bên bờ vực thẳm, Lan vô tình gặp người đàn bà nói giọng Bắc nói đang cần người giúp việc ngoài Hà Nội. Vốn đã muốn trốn chạy quê hương để quên đi quá khứ phũ phàng, cô gái cũng không suy nghĩ gì nhiều, quyết tâm ra đi tìm miền đất hứa.

Nghĩ là làm, vào một đêm tối giữa năm 1989, đợi lúc bố mẹ và các em say giấc, Lan lẻn ra khỏi nhà với hành trang duy nhất là hai bộ quần áo cũ. Nhưng vừa bước chân đến cổng, cô gái bất ngờ  bị mẹ níu lại. Bà Nguyễn Thị Trường đã dùng hết lý lẽ phân tích, đồng thời dùng tình cảm mẹ con để níu giữ đứa con gái bất hạnh, nhưng cô nhất quyết ra đi sau cái níu áo nặng trĩu của mẹ.

Bị bán sang TQ, trở về thấy bàn thờ của mình - 2

Vé tàu, xe trên chuyến hành trình về gia đình được chị giữ lại làm kỷ niệm. (Ảnh: T.G)

"Đêm hôm đó, tôi cùng người đàn bà lạ nhảy tàu ra Hà Nội. Đến đây, tôi gặp thêm 6 người phụ nữ cùng hai người đàn ông nữa. Lúc này người đàn bà lạ nói chúng tôi cần phải đi bộ lên Lạng Sơn để lấy hàng từ biên giới mới có lợi nhuận cao. Nghe vậy, tôi cùng những người đó lại tiếp tục đi bộ, cứ đêm đi, đến mờ sáng ngày hôm sau lại thuê nhà trọ để nghỉ. Cũng kể từ đó, không ai trong đoàn biết mình đang ở đâu", chị nhớ lại. Sau 5 ngày đi bộ đến rạc cả chân, chị Lan cùng những người khác được đưa lên một chiếc xe khách. Ngồi trên xe khoảng 2 ngày thì chị bị đẩy xuống một ngôi nhà rất lạ. Trong lúc hoảng sợ, một người đàn ông trung tuổi đến đưa cho người cai quản cái gì đó, rồi dắt Lan đi. Lúc này chị mới biết mình đã bị bán sang làm vợ người ta. Tất cả như sụp đổ trước mắt chị…

Cứ thế chị sống lặng lẽ nơi đất khách quê người với người chồng tàn tật. Nỗi cô đơn, quạnh vắng đó chỉ tạm thời vơi đi khi một người công an đem đến cho chị một đứa bé bị bỏ rơi. Không sinh con được, gia đình nhà chồng lại neo người nên cả chị Lan và gia đình nhà chồng ai cũng háo hức nhìn đứa bé khôn lớn từng ngày. Niềm vui đó càng được nhân lên khi chị được nghe từ "mẹ ơi" phát ra từ miệng con gái. Cái từ mẹ với chị nghe thiêng liêng, cao quý đến nhường nào.  Vì hoàn toàn biệt tích với thế giới bên ngoài nên trong thâm tâm người phụ nữ này, việc trở về quê hương là không thể. Vậy nên chị luôn đau đáu về gia đình, lo lắng cho sức khỏe và cuộc sống các em. Vậy nhưng, thực tại cô lập khiến chị đành bất lực.

Ngày trở về thấy mình đã được lập bàn thờ

Lại nói về gia đình ông Trương Đình Kính, sau ngày đứa con gái đầu lòng theo người lạ ra đi, họ tất tưởi đi tìm. Nhưng vì gia đình nghèo đói, các mối quan hệ xã hội không có nên việc tìm kiếm như "mò kim đáy biển".

Sau một năm trời tìm trong vô vọng, thêm vào đó việc nghe một số người đồn đại con gái mình đã chết khiến gia đình ông quyết định lập bàn thờ cho con. Lúc đó, tấm ảnh thời thanh xuân của chị được gia đình đặt lên bàn thờ. Ngày ngày, bà Trường tụng kinh cầu khấn cho linh hồn con gái được siêu thoát. Một thời gian sau, ông Kính phần vì buồn rầu, phần vì bị bệnh tật hành hạ nên đã vĩnh viễn ra đi. Cũng từ độ ấy, cuộc sống gia đình này càng vất vả, khốn đốn hơn. Một mình bà phải chèo lái gia đình, lo xây dựng gia đình cho từng đứa con. Đến năm 2007, vì sức yếu cùng cực bà đã xuôi tay về cõi vĩnh hằng. Sau khi bố mẹ không còn trên cõi đời, người con trai cả Trương Văn Trọng đảm nhiệm việc hương khói cho bố mẹ và chị gái. Nhưng gia đình này đâu ngờ rằng, ở bên kia biên giới người thân của họ vẫn đang khỏe mạnh.

Đầu năm 2011, may mắn lại mỉm cười với chị Lan lần thứ hai khi chị tình cờ chị gặp được một người phụ nữ cùng cảnh ngộ tên Dung (quê ở Phủ Lý, Hà Nam). Chị Dung được nhà chồng tin tưởng nên một năm cho về quê đến hai lần để tranh thủ buôn bán. Thương bố mẹ già, nhớ đàn em da diết, chị nhanh chóng nắm lấy cơ hội này để trở về. Lần đó, chị chỉ kịp ôm hôn đứa con nuôi yêu quý và chuẩn bị chút hành lý để trở về quê nhà. Biết chuyện, đứa con gái tròn 11 tuổi cứ nằng nặc đòi theo, dù buồn vì xa con nhưng chị không thể làm khác. Ngày chị về nó không quên viết một dòng chữ bằng tiếng Trung Quốc và dặn rằng: "Đây chính là địa chỉ nhà mình, khi có cơ hội, mẹ về thăm con nhé".

Sau ba ngày rong đuổi trên chuyến xe lắc lư, chị đặt chân đến đất mẹ. "Trong đầu tôi hôm đó chỉ nhớ nhà mình ở gần Cầu Bùng (Diễn Châu) nên xin họ xuống chỗ đó. 23 năm xa cách, cảnh vật làng quê trước mắt tôi hoàn toàn xa lạ, tôi không biết nhà mình nằm vị trí nào", chị Lan nói. Cũng may lúc đó, một người phụ nữ đi chợ về đã nhận ra hình dáng cô gái con ông Kính đã mất tích mấy chục năm.

Nhờ người hàng xóm tốt bụng, Lan dễ dàng về tới ngôi nhà của gia đình mình. Thế nhưng vừa bước chân đến thêm bực thềm nhà em trai đôi chân chị như qụy xuống khi nhìn thấy di ảnh bố mẹ mình đang nghi ngút khói, cạnh đó bức ảnh thuở thanh xuân của mình cũng được hương khói cẩn thận. Nhanh ý, mọi người trong gia đình vội giải thích, rồi khéo léo hạ bàn thờ chị xuống. Ngày hôm đó, mấy chị em ôm nhau khóc nức nở sau thời gian dài đằng đẵng biệt tích.

Giờ đây, ngồi trong căn nhà khá khang trang mà các em gom góp xây nên, chị Lan xúc động: "Điều tôi tủi thân, ân hận nhất đó là không thể nhìn thấy và chăm sóc bố mẹ mình lúc đau ốm những ngày cuối đời. Cuộc đời tôi đã chịu nhiều bất hạnh, giờ tôi chỉ muốn sống cuộc sống yên bình trên quê cha đất tổ, hằng ngày lo hương khói cho bố mẹ…".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Long (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN