Bí ẩn nào sau “cơn sốt”… đỉa?

Lương y Dương Đức Mến, Trưởng phòng khám Đông y khá nổi tiếng ở Láng Hạ (Hà Nội) cho biết: “Trong Đông y, đỉa cũng có tác dụng chữa bệnh nhưng không phổ biến, những kiến thức về tác dụng chữa bệnh của đỉa cũng rất nghèo nàn”.

Với những gì ông Mến trao đổi, việc thương lái Trung Quốc ráo riết thu mua đỉa thời gian gần đây, càng làm cho sự thật đằng sau hành động này trở nên bí hiểm.

Không phổ biến chuyện chữa bệnh bằng đỉa

Để khẳng định rõ quan điểm đỉa không quá quan trọng trong Đông y, lương y Dương Đức Mến cho biết thêm: “Có tài liệu ghi rằng, đỉa có thể phơi khô, đốt, tán cho vào các viên thuốc dùng để chữa bệnh. Người ta có thể dùng đỉa để chữa cho người tai biến mạch máu não nhưng do phương pháp này cũng không an toàn vì sợ nhiễm trùng, lây chéo bệnh. Bởi, đỉa có thể đốt người này sang người kia, có khả năng lây bệnh. Tây y có thể dùng dịch từ miệng đỉa để chiết xuất một chất chống đông máu, chống bầm dập ở bệnh nhân vì đỉa có khả năng làm thông mạch, chống tụ đông máu. Có tài liệu nói rằng đỉa có thể chữa viêm tắc tĩnh mạch. Ngày xưa do thiếu thuốc men nên đỉa có thể dùng để chữa bệnh. Còn ngày nay có rất nhiều các loại thuốc khác để thay thế nên đỉa gần như ít được dùng đến”.

Theo lương y Dương Đức Mến thì trong Đông y hiện nay người ta thường thay thế đỉa bằng địa long (giun đất) vì đỉa tạo cảm giác ghê sợ hơn giun đất. Còn một cách nữa là người ta có thể bắt đỉa cho đốt trực tiếp để làm thông mạch, vì khi đỉa đốt vào thì máu có thể chảy tự do. Nói chung, chữa bệnh bằng đỉa là phương pháp không phổ biến.

Bí ẩn nào sau “cơn sốt”… đỉa? - 1

“Sốt săn đỉa” không chỉ Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ảnh: TG.

Trước một luồng thông tin cho rằng đỉa được cấy vào thức ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, BS Lê Hữu Tuấn (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho biết: "Trong lịch sử y học, người ta đã ghi nhận nhiều trường hợp con đỉa có thể bám và sống trong hốc mũi, hậu môn của người, nhưng đấy là cả con đỉa bám vào. Còn tin đồn về việc đỉa được phơi khô, tán nhỏ và cấy vào thức ăn, rồi sinh sôi nảy nở là hoàn toàn không đúng. Vì bào tử của đỉa qua quá trình chế biến không thể tồn tại".

Nhiều tỉnh thành trong “cơn sốt”… đỉa


Tại Nghệ An, “cơn sốt” đỉa thậm chí còn bùng phát trước cả Hà Nội. Với tin đồn mua đỉa đưa sang Trung Quốc làm thuốc, những thương lái giấu mặt trả giá 180.000 – 200.000 đồng/kg, nhiều người dân các huyện Quế Phong, Quỳnh Lưu bỏ bê công việc, đổ xô ra đồng săn đỉa bán lấy tiền.

Công việc này thu hút được rất đông người dân tham gia vì bắt đỉa khá đơn giản, không vất vả lắm mà lợi nhuận thì có thể thấy được tức thì. Anh Nguyễn Văn An, nông dân xã Lăng Thành, Yên Thành (Nghệ An) nói: “Ban đầu đỉa được thu gom với giá vài trăm nghìn đồng/kg, sau đó lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg. Thậm chí gần đây, giá đỉa còn được tăng lên 700.000 – 800.000 đồng/kg. Người người đổ về các vùng đồng thấp bắt đỉa, nơi có mực nước ngập quanh năm, đỉa sống rất nhiều ở đó”.

Tình trạng thu gom đỉa hiện không chỉ có ở Nghệ An, Hà Nội mà còn diễn ra rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Thái Nguyên, việc mua bán đỉa diễn ra khá bí mật. Cả người bán, người thu gom đỉa đều cảnh giác cao độ, hễ xuất hiện sự có mặt của người lạ là họ lập tức chuyển địa điểm thu gom. Nhưng dù công khai hay kín đáo thì người bắt bán đỉa không hề hay biết mục đích thu mua đỉa để làm gì.
 
Sạt nghiệp vì đỉa

Ở huyện Quế Phong, Nghệ An nhờ đỉa mà nhiều người sắm được tivi, tủ lạnh và những đồ dùng thiết yếu trong nhà. Thế nhưng sau khi “cơn sốt” đỉa tạm lắng, chịu thiệt hại lớn nhất lại là những chủ đầu nậu thu gom người Việt. Anh Hồ Hữu Dũng ở thị trấn Quế Phong, người đứng ra thu gom hàng tạ đỉa khô bây giờ méo mặt với mớ hàng tồn không xuất đi đâu được vì thương lái Trung Quốc đã bất ngờ biến mất. Anh Dũng phàn nàn: “Ban đầu, các thương lái đặt vấn đề với chúng tôi sẽ nhập đỉa với giá 200.000 đồng/kg. Nhưng qua từng ngày họ lại nâng giá lên gấp đôi. Tôi đứng ra thu mua hàng tạ đỉa khô của nông dân trong vùng. Bây giờ họ biến mất mới chết dở. Tiền bạc trong nhà đổ vào việc gom hàng cả rồi”.

Bí ẩn nào sau “cơn sốt”… đỉa? - 2

“Sốt đỉa” chỉ là chiêu thức kiếm tiền của thương lái Trung Quốc?

Nhận định về hiện trạng này, một số người thạo tin cho rằng, đây là một chiêu trò kiếm tiền của các thương lái Trung Quốc. Ban đầu họ bỏ tiền ra tạo nên “cơn sốt” đỉa bằng những lần tăng giá đỉa. Sau khi thu mua với giá cũ, các thương lái đã nhập lại hàng cho đầu nậu người Việt như anh Dũng bằng giá mới. Khi giá thu mua lên tới đỉnh điểm cũng là lúc các thương lái này đã bán lại hết số đỉa thu mua rồi… biến mất.

Trước đỉa, các mặt hàng kỳ quặc ở Việt Nam cũng đã được thương lái Trung Quốc hỏi mua với giá cao ngất ngưởng như rễ cây sim, thân cây phong ba… Mục đích của thương lái nước ngoài chưa rõ, nhưng việc nhiều đầu nậu trong nước khuynh gia bại sản thì đã rõ.
 

Nguy hại môi trường từ đỉa

Theo quy định, đỉa được xếp vào danh mục sinh vật ngoại lai phải kiểm soát nên không được phép nhập khẩu. Nếu đỉa được gom lại một nơi mà không kiểm soát tốt, lây lan ra các vùng khác và đặc biệt là sinh vật sống có thể mang theo các mầm bệnh rất nguy hại.

Thêm vào đó là hậu quả hủy hoại môi trường sau cơn sốt. Bài học thực tế đã rút ra ở TPHCM, Tây Ninh, khi các đầu nậu thu gom đỉa chuyển địa điểm đi nơi khác, không có nơi nào vứt, người dân đành đổ hết đỉa xuống ao hồ, khiến môi trường sinh thái nơi đây bị ảnh hưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Thành - Hoài Nam (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN