Bí ẩn hai báu vật được bảo hiểm tới… 7 triệu USD

Hai bảo vật quốc gia của người Chăm khi đưa sang Mỹ và nhiều quốc gia khác trưng bày để giới thiệu với công chúng khắp thế giới, được mua bảo hiểm tới 7 triệu USD.

Bảo vật được bảo hiểm tới… 2 triệu USD

Bảo vật mà chúng tôi đang muốn nói đến ở đây là pho tượng Avalokitesvara Đại Hữu có một không hai đang hiện diện tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM. Nhìn ngắm pho tượng này, có lẽ bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng trước một tuyệt tác nghệ thuật với các chi tiết hoàn hảo.

Tượng Avalokitesvara Đại Hữu có chiều cao 54cm, điểm dày nhất tới 15,5cm và rộng nhất 22cm. Đây được xem là pho tượng đạt đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình và sự cân xứng về hình thái cơ thể học. Miệng nhoẻn cười, đôi mắt mở khẽ, mũi có sóng dài... tạo nên khuôn mặt đầy đặn, tỏa ra nét phúc hậu. Phía trên là đài nón có hình Phật ngồi trong thế nhập đại định trên đài sen.

Còn phần thân, pho tượng cũng được thiết kế, chế tác hài hòa với 4 tay. Tay phải trên cầm một cuốn sách, ví như kinh điển của chư Phật. Tay phải dưới cầm một đóa sen, là hiện thân của sự tinh khiết, hương thơm của trí tuệ. Đóa sen này chưa bung nở cũng có ý rằng, tánh Phật vốn dĩ có trong chúng sinh, nên ai cũng sẽ thành Phật như hoa sen sẽ bung nở.

Bí ẩn hai báu vật được bảo hiểm tới… 7 triệu USD - 1

Các nhà khoa học tin rằng, pho tượng này có từ thế kỷ thứ 7 - 8 và đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật tạo hình của Chăm Pa xưa.

Tay trái trên cầm chuỗi hạt, tượng trưng cho sự từ bi tiếp nối nhau, tạo thành chuỗi cứu khổ, cứu nạn. Tay trái dưới cầm bình cam lồ, điều thường thấy ở các tượng Phật với ý nghĩa ban phát phúc lành, ấm no, bình an cho chúng sinh. TS. Phạm Hữu Công, nguyên Phó giám đốc bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM cho hay: “Theo ý niệm của cộng đồng Chăm Pa thời ấy, bình cam lồ còn có ý nghĩa tẩy uế bẩn tục trần và thu phục yêu ma”.

Phần thân pho tượng được tô điểm thêm các hoa văn, minh họa cùng các đồ trang sức, kể cả cánh tay và phần bụng. Đặc biệt, ngoài chiếc váy thả dài với hoa văn khá đơn giản nhưng cực kỳ khéo léo là đôi chân trần có lòng bàn chân sát mặt đất. Đây là một trong những tướng tốt của các vị Phật.

Theo tìm hiểu, pho tượng Avalokitesvara Đại Hữu được đúc bằng đồng, nặng 35kg, do Henry de Pirey tìm thấy tại một tu viện nhỏ ở vùng Đại Hữu, Quảng Bình. Chính vì thế, nó được gọi là tượng Avalokitesvara Đại Hữu. Các nhà khoa học tin rằng, pho tượng này có từ thế kỷ thứ 7 – 8 và đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật tạo hình của Chăm Pa xưa.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận pho tượng bảo vật Quốc gia dựa trên các tiêu chí độc bản, có giá trị đặc biệt và đánh dấu sự kiện quan trọng trong cả nước. Cùng với các bảo vật quốc gia khác, tượng Avalokitesvara Đại Hữu đã được đưa sang Mỹ, Hàn Quốc trưng bày với công chúng thế giới thưởng lãm và có giá bảo hiểm lên tới 2 triệu USD.

Tượng đồng độc nhất vô nhị Đông Nam Á

Bên cạnh kho báu nói trên, tại khu vực trưng bày về nền văn hóa Chăm Pa của bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM còn có pho tượng Đồng Dương ở cùng gian với tượng Avalokitesvara Đại Hữu. Đây được đánh giá là tượng cổ nhất và đẹp nhất Đông Nam Á. Nó còn là pho tượng đồng tương đối nguyên vẹn, duy chỉ mất một lóng tay của ngón giữa.

Cùng với Avalokitesvara Đại Hữu, nó cũng là tác phẩm tiêu biểu, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng tinh xảo về nghệ thuật tạo hình của Chăm Pa xưa. Tượng Đồng Dương được tìm thấy vào năm 1911 bởi nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier tại Đồng Dương (Bình Định, Thăng Bình, Quảng Nam. Nó đã được viện Viễn Đông Bác Cổ đăng ký với số hiệu D22.1 và thu hút nhiều nhà nghiên cứu có tiếng trên thế giới tìm hiểu. Điển hình như Pierre Dupont, Ananda Coomaraswamy, Alecxander Griswold... Nhiều ấn phẩm khoa học cũng đã ghi nhận về pho tượng độc đáo này.

Bí ẩn hai báu vật được bảo hiểm tới… 7 triệu USD - 2

Tượng Đồng Dương cũng được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2012. So với tượng Avalokitesvara Đại Hữu, tượng phật Đồng Dương đã “chu du” nhiều quốc gia trên thế giới để công chúng thưởng lãm, như Mỹ, Pháp, Bỉ, Áo... nhưng có giá bảo hiểm cao hơn rất nhiều, lên tới 5 triệu USD.

Sở dĩ, nó hiếm có cũng bởi giá trị mà những nghệ nhân Chăm Pa xưa tạo nên. Quan sát pho tượng này, thấy mắt Phật đang hé mở nhìn, được ví đẹp như cánh hoa sen. Nhìn tổng thể khuôn mặt, mắt, mũi và miệng đều cân xứng với ánh nhìn phúc hậu và có sức lan tỏa. Phần thân, Phật choàng chiếc áo dài sát tới bàn chân, vai phải để trần với hình thể tuyệt mỹ.

Vào thời điểm chế tác, các nghệ nhân Chăm Pa đã tạo thêm một cục u nổi trên đỉnh đầu, gọi là “nhục kế”. TS. Phạm Hữu Công cho hay: “Nhục” tức là thịt, còn “kế” là búi tóc, xuất hiện trên đỉnh đầu là do nhân duyên bố thí, nhẫn nhục, thiền định và khai mở trí tuệ. Chính vì thế, hào quang của Phật cũng đã phóng xuất từ đây. Tuy nhiên, điểm nổi bật và cũng là hoàn hảo nhất của pho tượng này chính là hội tụ nhiều tướng tốt trong Tam thập nhị tướng (32 tướng) và 80 vẻ đẹp của đức Phật được ghi trong bộ luận Đại trí độ. Pho tượng này được đúc trong tư thế như đang đứng thuyết pháp.

Tượng có trọng lượng tới 120kg, cao 119cm, chỗ dày nhất 38cm và rộng nhất là 38cm, đứng trên một đế cũng bằng đồng với bàn chân trần. Đôi bàn chân bằng phẳng mà lòng bàn chân đã chạm sát mặt đất, con kiến cũng không thể chui qua. Đây cũng là một trong những tướng tốt của Phật. Các nhà khảo cổ học ở trường Viễn Đông Bác Cổ và hội Nghiên cứu Đông Dương đã đánh giá tượng Phật Đồng Dương là một trong những pho tượng Phật cổ nhất, thuộc hàng đẹp nhất ở khắp cả vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.

Về nguồn gốc của pho tượng vẫn còn một số tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, tượng Phật Đồng Dương giống các tượng Phật của Amaradhapura (Sri Lanka), nên có thể tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ III - IV và đã được mang về từ Ấn Độ hoặc Sri Lanka. Mặt khác, nhiều nhà khảo cổ nghiêng về khả năng là tượng do người Chăm xưa làm nên. Theo giới khoa học ngày nay, tượng có từ thế kỷ VIII – IX, thời điểm Phật giáo ở giai đoạn hưng thịnh nhất của “vương triều Đồng Dương” hay “vương triều Phật giáo”.

Lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật Chăm lớn nhất thế giới

Bí ẩn hai báu vật được bảo hiểm tới… 7 triệu USD - 3

Tài liệu tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM còn ghi: “Nền nghệ thuật các vương quốc Chăm Pa cổ xưa có ảnh hưởng của Ấn Độ giữ một vị trí đáng chú ý trong di sản văn hóa Việt Nam. Bên cạnh các tác phẩm của bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM đang lưu giữ một trong những bộ sưu tập nghệ thuật Chăm lớn nhất thế giới”.

Rộ tin đồn về 3 báu vật hoàng tộc Chăm

Dư luận ở Lâm Đồng trong những ngày gần đây không ngớt đồn đại về 3 báu vật hoàng tộc Chăm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tùng (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN