Bệnh viện nào “phóng” giá lên sẽ bị gạt
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đối với 38 bệnh viện (BV) Trung ương về việc xây dựng cơ cấu và thực hiện giá viện phí mới. Hiện mới có 5 BV tuyến Trung ương áp dụng giá viện phí mới nhưng dự tính cuối tháng 8, chậm nhất là tháng 9-2012, tất cả 38 BV sẽ triển khai, cùng với các BV của hơn 40 tỉnh/ thành đã được phê duyệt.
Thắng lợi của cả 3 bên?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc xây dựng giá viện phí mới trên tinh thần 3 bên đều có lợi, gồm Bảo hiểm xã hội (BHXH), BV cung cấp dịch vụ và người bệnh sử dụng dịch vụ. Bộ trưởng nhấn mạnh: “các BV cần xây dựng khung giá vừa phải, đúng, thu đủ bù chi và có dư ra để đầu tư nâng cao chất lượng, nếu phóng giá lên thì sẽ bị gạt đi. BHXH cũng nên xem xét trên tinh thần đó”.
Tuy nhiên, liệu việc xây dựng giá viện phí có phải là thắng lợi của cả 3 bên? Về phía người dân, ngành y tế cho rằng, với việc tăng giá viện phí lần này, người bệnh sẽ không phải chi trả thêm khoản nào ngoài BHYT, bớt đi những khoản chi từ tiền túi. Song chưa rõ lợi ích cụ thể này ra sao, chỉ biết tại các BV đã điều chỉnh viện phí, gánh nặng chi phí điều trị của đa phần người bệnh đã bị đội lên. Tương tự, phía BHXH đồng tình với quan điểm của ngành y tế rằng mức giá dịch vụ y tế của đa số các địa phương đã được phê duyệt là khá phù hợp, song cơ quan này cũng đồng thời chỉ ra nhiều bất cập trong xây dựng giá dịch vụ y tế tại các đơn vị.
Bệnh nhân nằm ghép, nằm ở hành lang vẫn phải thanh toán tiền giường tại BV Việt Đức.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng Chế độ BHYT, Ban Thực hiện chính sách BHYT- BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng kê quá nhiều các loại vật tư y tế như găng tay, khẩu trang, tính quá mức chi phí điện nước tương đối phổ biến. Ví dụ như mổ viêm ruột thừa nội soi, nhiều BV kê tới 12 cuộn chỉ, trong khi thực tế thường chỉ dùng 3-4 cuộn, tính ra riêng tiền chỉ đã hết 1,2-1,5 triệu đồng. Các dịch vụ về y học cổ truyền cũng được nhiều BV xây dựng không sát với thực tế. Chẳng hạn như sử dụng trung bình 20 kim cho 1 lần châm cứu, sử dụng một lần rồi bỏ, trong khi thực tế số lượng chỉ từ 12-13 kim ngắn còn kim dài sử dụng rất hạn chế và kim được hấp để sử dụng nhiều lần cho bệnh nhân đó… Theo ông Phúc, nếu BHXH không tham gia tích cực trong việc xây dựng khung viện phí thì chắc chắn những khoản kê vô lý nói trên sẽ làm tăng nguy cơ vỡ quỹ BHYT.
Bao giờ nâng cao chất lượng
Quay trở lại câu hỏi đã quá cũ nhưng vẫn luôn thời sự về việc viện phí tăng, liệu chất lượng khám chữa bệnh, điều trị có tăng? Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là điều hiển nhiên. Để “đón đầu” cho việc tăng giá viện phí, Bộ đã yêu cầu các BV phải đầu tư nâng cấp “bộ mặt”, sau đó mới triển khai đến nội dung. Cụ thể, các BV cần công khai bảng giá, nâng cấp chỗ ngồi chờ khám, thái độ phục vụ cần nhiệt tình, tận tụy, đầu tư bàn hướng dẫn, bảng điện tử kê số, dùng toa thuốc điện tử… để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Đặc biệt, các BV không được ghi thêm toa, thu thêm ngoài tiền viện phí. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ xây dựng cụ thể danh mục thuốc thiết yếu, quy trình chẩn đoán điều trị để hạn chế tình trạng kê thuốc và vật tư y tế thừa, sai…
Nhưng quyết tâm là một chuyện, thực hiện thế nào lại là chuyện khác. Ông Lê Văn Phúc cho biết, cơ quan BHXH Việt Nam cũng đã tính đến vấn đề này và trong thời gian tới, các cán bộ BHXH sẽ tăng cường công tác giám sát xem chất lượng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế có tương đương như giá viện phí mới hay không. Ông Phúc thừa nhận, đây là một công việc rất phức tạp. Chẳng hạn, khi áp dụng giá viện phí mới cho 1 ngày nằm viện thì cũng cần phải đảm bảo bệnh nhân không phải nằm ghép hoặc ít nhất là nằm chen chúc trong một buồng bệnh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy chuẩn một buồng bệnh diện tích bao nhiêu hoặc chỉ nên có bao nhiêu bệnh nhân trong một phòng. Bên cạnh đó, việc theo dõi thực tế bệnh nhân có phải nằm ghép hay không cũng rất phức tạp bởi có thể buổi trưa, bệnh nhân chỉ nằm 1 người/giường nhưng tới chiều lại thành 2, 3 người trên 1 giường…
Có thể nói, vai trò quan trọng nhất trong mối quan hệ phức tạp này vẫn chính là bản thân các BV, đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp khám chữa bệnh. Ông Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, để chuẩn bị cho việc áp dụng một số dịch vụ theo khung giá viện phí mới, ngay từ năm 2011, BV đã dành gần 30 tỷ đồng để làm mới một số bộ mặt của BV như phòng khám, phòng phẫu thuật, hậu phẫu, chỉnh trang lại buồng bệnh… Lãnh đạo nhiều BV khác cũng cho rằng, khi điều chỉnh giá dịch vụ, các BV có nguồn thu, chắc chắn chất lượng dịch vụ cũng phải được nâng lên, nhưng điều quan trọng là… cần có thời gian.