Bé trai 2 tuổi bị máy xay nghiến nát bàn tay

Sự kiện: Tin ngắn Tin nóng

Ngày 14.10, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sự việc thương tâm trên xảy đến với bé trai Nguyễn Thành Phương (2 tuổi, Phú Thọ) vào chiều 11/10, trong lúc chơi một mình bên máy xay sắn.

Bé trai 2 tuổi bị máy xay nghiến nát bàn tay - 1

Bàn tay tổn thương đã dập nát, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn và tạo mỏm cụt cho bệnh nhi

Bệnh nhi nhập viện lúc 21 giờ cùng ngày, trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, toàn bộ vùng vết thương được băng bó thấm đẫm máu. Ngay lập tức, cháu được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương  cấp cứu bằng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh.

Khi mở băng kiểm tra vết thương của bé, các bác sĩ nhận thấy toàn bộ vùng bàn tay trái của cháu bé đã bị dập nát, lộ xương ở cẳng tay. Bệnh nhi được hồi sức, truyền máu và chỉ định phẫu thuật ngay trong đêm hôm đó. Không may mắn, bàn tay tổn thương đã dập nát, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn và tạo mỏm cụt cho bệnh nhi.

Đến nay, 3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi đã dần hồi phục. Dự kiến cháu có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Lê Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa chỉnh hình Nhi từng chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn máy móc thương tâm xảy đến với trẻ nhỏ. Những cháu bé đến từ các vùng nông thôn thì nguy cơ rủi ro càng tăng lên nhiều lần do trẻ có cơ hội chơi gần các loại máy xay, máy xát. 

Cách đây chỉ vài tháng, các bác sĩ chỉnh hình nhi từng tiếp nhận một trường hợp tương tự: một bé gái 2 tuổi gặp tai nạn trong khi chơi gần máy xát gạo. Người nhà đưa cháu đến trạm xá cầm máu tạm thời rồi chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương với một bên chân vẫn còn lủng lẳng. Thương tâm là vùng đùi của cháu đã bị máy xát nghiến nát đến tận bẹn.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, ở giai đoạn từ 1-5 tuổi, trẻ thường rất hiếu động và ham muốn tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Đây cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ tổn thương cao nhất. Tai nạn ở các cháu thường rất đa dạng. Trẻ có thể gặp hiểm họa từ những vật dụng nhỏ bé như cây kim, chiếc tăm, chiếc đũa hay vô tình trở thành nạn nhân của những phương tiện mưu sinh của gia đình. 

"Chính vì điều này, gia đình cần hết sức thận trọng trong việc trông nom và chăm sóc các cháu nhỏ. Những tổn thương về thể chất có thể phục hồi theo thời gian, nhưng những sang chấn về tinh thần mà các cháu phải gánh chịu sẽ còn dai dẳng suốt đời” – bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN