Bão Trâu Mộng áp sát, TP.HCM đang di dời 5.000 dân

Sự kiện: Bão số 16 Tin bão

Huyện Cần Giờ, TP.HCM đang di dời 5.000 dân ở những khu vực ven biển, khu vực nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Bão Trâu Mộng áp sát, TP.HCM đang di dời 5.000 dân - 1

Hướng di chuyển của bão Trâu Mộng

Chiều 24.12, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết hiện chính quyền địa phương đang bắt đầu di dời 5.000 dân để tránh bão số 16- Tembin (Trâu Mộng).

“Theo chỉ đạo của UBND TP, từ chiều hôm qua, chúng tôi đã rà soát tất cả phương án như cấm tàu thuyền hoạt động ở biển và ven biển. Từ 16h chiều nay, lực lượng địa phương đã bắt đầu sơ tán, di dời 5.000 dân để tránh bão. Những hộ dân trong diện sơ tán là những người ở trong khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở cao và đối tượng ưu tiên di tản là người già, trẻ em, phụ nữ và người tàn tật”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, người dân ở xã đạo Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh, Long Hòa, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp…sẽ được di dời tránh bão vào các trường học, cơ quan nhà nước nơi có công trình kiên cố.

“Có 1.800 người tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra và lực lượng này ứng trực 24/24. Địa phương cũng đã có sẵn lương thực, thực phẩm, y tế đảm bảo an toàn và tạo sự an tâm cho bà con khi tránh bão”, ông Dũng chia sẻ.

Bão Trâu Mộng áp sát, TP.HCM đang di dời 5.000 dân - 2

Lãnh đạo UBND TP.HCM họp với các sở ban ngành, quận huyện của TP trong chiều 24.12 để triển khai ứng phó với bão

Bão Trâu Mộng áp sát, TP.HCM đang di dời 5.000 dân - 3

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM kiểm tra công tác phòng chống ứng phó bão tại huyện Cần Giờ vào sáng nay

Tại huyện Nhà Bè, lãnh đạo huyện cho biết đã tổ chức thông báo tuyên truyền đến bà con về diễn biến của bão và phương án phóng chống bão đến ấp, khu phố.

Lãnh đạo huyện Nhà Bè cho biết, cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra tại 2 phà và 6 bến khách ngang sông nằm trên các tuyến phía nam của huyện. Địa phương thường xuyên liên lạc với chủ bến phà, bến đò ngang để chủ động ngừng hoạt động theo lệnh của TP.

Lãnh đạo huyện Nhà Bè cho biết, địa phương có 16 vị trí đặc biệt nguy hiểm với 274 hộ, UBND huyện đã chỉ đạo lãnh đạo các xã, thị trấn bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các vị trí trên và sẳn sàng di dời khẩn cấp vào các vị trí an toàn.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đêm nay TPHCM có nhiều mây nhưng không mưa.

Ngày mai, 25 đến 26/12, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 16 nên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm theo gió giật mạnh và lốc xoáy.

Cà Mau họp khẩn ứng phó bão số 16

Trong khi đó vào sáng nay, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn với sở, ngành để chủ động phòng chống ứng phó với bão số 16.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau lưu ý các địa phương cần tăng cường vận động, tuyên truyền người dân về sự nguy hiểm của bão số 16, tránh tình trạng chủ quan như cơn bão Linda 20 năm trước.

“Chúng ta vẫn còn nhớ rất rõ những thiệt hại của cơn bão số 5 (Linda) năm 1997 và mới đây nhất là cơn bão số 12 ở miền Trung. Vì thế công việc quan trọng nhất là tuyên truyền đến người dân, không để người dân chủ quan”, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý.

Bão Trâu Mộng vào Nam Bộ giật cấp 13

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10; sóng biển cao 5m.

Hồi 16 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 16 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao từ 8-10 mét.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), khoảng tối và đêm mai bão số 16 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Đến 04 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão trên đất liền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Đến 16 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển Cà Mau và Kiên Giang (bao gồm cả Thổ Chu và Phú Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 4-6 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong ngày nay và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Bão số 16 mạnh khủng khiếp: Trực thăng bay dọc biển kêu gọi, cảnh báo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các bộ ngành đang họp trực tuyến với các địa phương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Bão số 16 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN