Bão số 13: Các tỉnh miền Trung khẩn cấp sơ tán dân, cấm biển

Sự kiện: Bão số 13 Vamco

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, các tỉnh miền Trung có lệnh khẩn cấp sơ tán người dân vùng nguy hiểm tránh bão số 13 trước 10h ngày 14/11.

Người dân Đà Nẵng chèn chống nhà cửa phòng, chống bão

Người dân Đà Nẵng chèn chống nhà cửa phòng, chống bão

Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12h trưa 14/11

Ngày 13/11, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công điện gửi sở ngành, đơn vị liên quan và UBND các quận huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng về việc ứng phó bão VAMCO (bão số 13), mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất.

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, bắt đầu từ chiều ngày 13/11 và chậm nhất đến 11h ngày 14/11 phải hoàn thành.

Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 8-11 là 72.136 người. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 12-13 là 140.868 người.

UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng, hoàn thành trước 15h ngày 13/11.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Công an thành phố chủ trì phối hợp với Sở GTVT và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại tới những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông, cầu, đường… quan trọng bắt đầu từ 12h ngày 14/11.

"Sở GD&ĐT cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14/11. Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố", công văn nêu thêm.

Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng quyết định thành lập Ban Chỉ huy Tiền phương TP Đà Nẵng ứng phó với bão số 13 tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng bắt đầu làm việc từ 9h ngày 14/11.

Thừa Thiên-Huế yêu cầu sơ tán dân xong trước 10h ngày 14/11

Dân vùng rốn lũ Phong Điền người dọn lụt, người sửa mái nhà ứng phó bão số 13 chiều 13/11

Dân vùng rốn lũ Phong Điền người dọn lụt, người sửa mái nhà ứng phó bão số 13 chiều 13/11

Chiều 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tiếp tục có Công điện hỏa tốc về việc triển khai ứng phó cơn bão số 13.

Đáng chú ý, tại Công điện này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu kiểm tra, rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 15h ngày mai (14/11).

“Khẩn trương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng, nhà không kiên cố. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 10h ngày 14/11”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Tỉnh TT-Huế cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với cơn bão số 13. Đồng thời, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà dự kiến từ 18h ngày mai (14/11) cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra – trừ lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

Tỉnh lộ 8C từ Phong Chương về Điền Lộc đang được dựng rào chắn phong tỏa và Công an ứng trực không cho ô tô, xe máy qua lại đầu giờ chiều 13/11

Tỉnh lộ 8C từ Phong Chương về Điền Lộc đang được dựng rào chắn phong tỏa và Công an ứng trực không cho ô tô, xe máy qua lại đầu giờ chiều 13/11

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, đến chiều 13/11, nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn tỉnh TT-Huế, đặc biệt vùng rốn lũ huyện Phong Điền, Quảng Điền vẫn đang bị nước lũ chia cắt, nhiều nơi ngập sâu. Tỉnh lộ 8C nối từ Tỉnh lộ 4 từ Phong Chương về Điền Lộc (huyện Phong Điền) vẫn đang được lực lượng chức năng ứng trực không cho ô tô, xe máy qua lại.

Đáng chú ý, tại TT-Huế đã có người chết do mưa lũ, trong đó có 2 trường hợp ở xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) bị lật ghe (thuyền nhỏ) khi đi đánh bắt cá trên cánh đồng gần nhà chiều 12/11 và 2 trường hợp ở huyện Quảng Điền đi trên xe “công nông” vượt lũ để lên TP Huế đi học không may bị lật, khiến 1 người tử vong thương tâm 1 người bị gãy chân.

Quảng Nam: Khẩn cấp sơ tán dân vùng nguy hiểm trước 12h ngày 14/11

Quảng Nam có lệnh khẩn cấp sơ tán dân vùng nguy hiểm trước khi cơn bão số 13 đổ bộ vào đất liền

Quảng Nam có lệnh khẩn cấp sơ tán dân vùng nguy hiểm trước khi cơn bão số 13 đổ bộ vào đất liền

Chiều 13/11, UBND tỉnh Quảng Nam có công điện khẩn ứng phó với cơn bão số 13. Theo đó, yêu cầu, các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Triển khai sơ tán dân theo phương án ứng phó bão mạnh; triển khai phương án sơ tán theo mức ngập báo động III +1m tại các trạm thủy văn, hoàn thành trước 12h ngày 14/11, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, cơn bão số 13 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 13 kết hợp với không khí lạnh tăng cường; dự báo từ ngày mai 14/11 đến ngày 16/11 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Cường độ mưa to đến mưa rất to tập trung từ ngày 14/11 đến ngày 15/11. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150 -250mm, có nơi trên 300mm.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối, thuộc các huyện như: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức. Tình trạng ngập lụt diện rộng tiếp tục tại các vùng trũng thấp các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ (một số phường xã ven sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ).

Hà Tĩnh: Cấm biển, chủ động sơ tán dân

Hà Tĩnh cấm biển từ 17h ngày 13/11

Hà Tĩnh cấm biển từ 17h ngày 13/11

Ngày 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Trần Tiến Hưng đã ký công điện khẩn “Về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão VAMCO (cơn bão số 13).

Trong công điện, người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú đảm bảo an toàn.

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi khi thời tiết chưa an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có bão, lũ lớn để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tổ chức thực hiện cấm biển bắt đầu từ 17h ngày 13/11.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp dân neo đậu tàu thuyền

Lưu ý bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân nơi người dân sơ tán tập trung đến nơi an toàn…

Lưu ý bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân nơi người dân sơ tán tập trung đến nơi an toàn…

Trong một diễn biến khác, Thượng tá Bùi Việt Dũng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Hà Tĩnh cho biết, lực lượng đã duy trì trực 100% quân số, chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với bão số 13.

Ngay từ ngày hôm nay BĐBP Hà Tĩnh đã cử lực lượng xuống các địa bàn xung yếu để giúp dân chằng néo nhà cửa, vận chuyển đồ đạc đến vị trí an toàn; phối hợp với Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và gia đình các chủ phương tiện thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết tình hình, diễn biến và hướng đi của bão.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp dân chằng chống nhà cửa

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp dân chằng chống nhà cửa

Bên cạnh đó, rà soát, kiểm đếm số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, nhất là số đánh bắt xa bờ để thông báo, theo dõi và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn; cử lực lượng giúp bà con ngư dân sắp xếp, chằng néo các phương tiện vào khu neo đậu.

Theo thống kê, đến 15h chiều nay, Hà Tĩnh có tổng 3.957 phương tiện/14.932 lao động đã vào tránh trú bão trên địa bàn; 93 phương tiện/476 thuyền viên tỉnh Hà Tĩnh đã neo đậu tránh bão tại các tỉnh khác; 17 phương tiện/65 thuyền viên tàu ngoại tỉnh tránh trú bão tại âu thuyền Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà).

Nguồn: [Link nguồn]

Bão số 13 Vamco di chuyển khó lường, lên phương án di dời hàng trăm nghìn hộ dân

Bão số 13 Vamco hướng di chuyển không ổn định, khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão khi đổ bộ nên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Nhân ([Tên nguồn])
Bão số 13 Vamco Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN